Chuyên đề “Nghiện Internet”:
- Kỳ 1: “Nghiện internet” – Câu chuyện của thời đại số
- Kỳ 2: Những hậu quả của nghiện internet
Trong thời đại bùng nổ của công nghệ, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận với mọi thể loại tin tức chính trị, thời sự, thể thao, giải trí… trên toàn thế giới. Thậm chí, nhiều ứng dụng còn được tạo ra để khai báo y tế, truy vết người nhiễm nhằm phục vụ việc kiểm soát dịch bệnh Covid 19. Thế mới thấy, nguy cơ phụ thuộc vào internet từ lâu không còn là câu chuyện đơn thuần của người trẻ. Từ thiếu nhi đến người cao tuổi, ai ai cũng có nguy cơ bị ‘nghiện internet’ (khái niệm ‘Nghiện Internet’ (Internet Addiction) được nhà tâm lý Kimberly S.Young đưa ra đầu tiên vào năm 1996 và vẫn còn được các nhà chuyên môn tranh luận đến nay) nếu không sử dụng một cách phù hợp.
Bên dưới tình trạng ‘nghiện Internet’ là gì?
Xem thêm : Các quốc gia cổ đại phương Đông
Những tiện ích của internet đã thu hút hàng tỷ người trên thế giới. Rất đông trong số đó đã xuất hiện các dấu hiệu lệ thuộc vào internet. Người dùng sẽ liên tục gia tăng thời lượng truy cập và có có sự trăn trở bận tâm, tìm kiếm xoay quanh chủ đề internet. Đồng thời, nếu phải giảm sử dụng, họ sẽ có những phản ứng, cảm xúc tiêu cực, khó chịu.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã thực hiện để tìm ra mối liên hệ giữa các yếu tố về tính cách, tâm lý của một người với tình trạng nghiện internet. Tác giả T.Ryan, S. Xenos (2011) đã chỉ ra những người sử dụng mạng xã hội Facebook thường có mức độ cô đơn trong gia đình (Family Loneliness) cao hơn những người không sử dụng. Cô đơn gia đình chính là cảm nhận thiếu mối quan hệ chặt chẽ với các thành viên trong nhà. Đáng chú ý là nghiên cứu trên 1009 học sinh trung học tại Đan Mạch năm 2010 đã chỉ ra tình trạng cô đơn trong gia đình có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ tự hoại thân thể (self-harm) và các rối loạn ăn uống.
Điều này có thể gợi ý cho chúng ta suy nghĩ về hiện tượng trong những bữa cơm gia đình các thành viên vẫn liên tục chú ý vào màn hình điện thoại thay vì nhìn mặt nhau và có những tương tác qua lại. Dường như từ khi internet và các thiết bị số len lỏi vào các sinh hoạt của gia đình, cha mẹ và con cái ít dành sự quan tâm đến nhau hơn?
Một trong những nguyên nhân của hiện tượng lạm dụng internet có thể xuất phát từ quan niệm cho rằng giao tiếp trực tuyến sẽ an toàn, hiệu quả, thoải mái hơn khi đối diện với một con người thực sự (Caplan, 2003). Từ đó, người ta dễ tăng dần thời gian tương tác trực tuyến và dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào internet. Sự tự tin vào bản thân cũng được xem là một trong những nhân tố quan trọng có liên quan đến việc lạm dụng internet. Những thanh thiếu niên kém tự tin thường dễ rơi vào tình trạng lạm dụng internet (Steinfield, Ellison & Lampe, 2008).
Tình trạng nghiện Internet trước nay vẫn thường được xem là một hành vi bất thường trong sinh hoạt. Thế nhưng, nhờ vào các nghiên cứu khoa học, những vấn đề về tâm lý lại đóng một vai trò quan trọng. Từ đó, có thể thấy trong giáo dục gia đình, cha mẹ không chỉ dừng lại ở chuyện ngăn cấm các điều tiêu cực mà còn cần tạo cho trẻ môi trường sống tích cực lành mạnh. Một bầu khí gia đình vui vẻ, hạnh phúc chính là nền tảng cho sự phát triển toàn diện ở con em chúng ta.
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp