Tư lệnh đầu tiên của Khu 9 – “vạn sự khởi đầu nan”

Thực hiện chủ trương của Trung ương, ngày 10/12/1945, Xứ ủy Nam Bộ triệu tập hội nghị mở rộng “triển khai quyết định của Chính phủ Trung ương về việc chia Nam Bộ thành 3 chiến khu (Chiến khu 7, Chiến khu 8, Chiến khu 9) và việc cử Bộ Chỉ huy Chiến khu (gọi tắt là Khu bộ)”. Khu 9 gồm các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên. Khu Bộ trưởng Võ Văn Đức (khi về khu 9, được gọi là Vũ Đức).

Tại miền Tây Nam Bộ, khi thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, các địa phương chủ động và gấp rút chuẩn bị lực lượng kháng chiến. Nhiều thanh niên, học sinh tình nguyện tham gia Vệ quốc đoàn hoặc gia nhập các đội du kích. Các đơn vị Cộng hòa vệ binh và Quốc gia tự vệ đều được tăng quân số, được bổ sung thêm đảng viên để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Ban quân sự các tỉnh đều thành lập các ban tham mưu để chỉ huy các hoạt động của lực lượng vũ trang trong tỉnh. Chấp hành chỉ thị của Xứ ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ, một số tỉnh có lực lượng vũ trang mạnh đã thành lập được một số đơn vị mới lên chi viện cho mặt trận Sài Gòn. Những công binh xưởng, kho tàng mới được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (chủ yếu ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ) được khẩn trương di chuyển vào sâu trong rừng U Minh.

Quân Pháp sau một thời gian bị cầm chân trong nội ô Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, được viện binh từ Pháp sang, cuối tháng 10/1945 bắt đầu tiến đánh các tỉnh miền Tây Nam Bộ theo 3 hướng: Đường số 4 (nay là Quốc lộ 1); từ cửa biển Cần Giờ tiến theo đường thủy; từ Cam- pu-chia đánh sang Hà Tiên.

Ngày 29/10/1945, chúng tập trung đánh chiếm Vĩnh Long nhưng đến Cần Thơ bị quân và dân ta đánh chặn, buộc Pháp phải tăng thêm quân. Sau gần hai tháng, các mũi tiến công của Pháp đều bị chững lại. Cuối tháng 12/1945, quân Pháp mới phá được thế bao vây ở Cần Thơ tiến về phía Tây, tiếp tục đánh chiếm các tỉnh.

Khoảng cuối tháng 12/1945, Liên Tỉnh ủy miền Tây triệu tập hội nghị tại Ô Môn (Cần Thơ), có đồng chí Hoàng Quốc Việt – đại diện Trung ương; các đồng chí Xứ ủy Nam Kỳ: Cao Hồng Lĩnh, Thanh Sơn và một số đồng chí ở Côn Đảo về đang công tác tại Ủy ban Kháng chiến Hậu Giang. Hội nghị kiểm điểm, đánh giá tình hình quân sự và các lực lượng vũ trang miền Tây, thông báo quyết định thành lập chiến khu và lãnh đạo chỉ huy các chiến khu.

Từ những ngày đầu kháng chiến, ta chỉ đạo nhân dân sơ tán khỏi thị xã, thị trấn; thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ủy ban Kháng chiến: không hợp tác, không làm việc, không mua bán, không chỉ đường cho Pháp… đã gây cho Pháp nhiều khó khăn trong việc tiếp tế, giao dịch và nắm tình hình quân ta. Chúng tìm cách lợi dụng, mua chuộc, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, lôi kéo những người cầm đầu các giáo xứ Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa…, lợi dụng những người làm việc cũ cho Pháp, chiêu mộ bọn mật thám chỉ điểm, bọn lưu manh, địa chủ phản động ra làm việc cho chúng. Về chính trị, chúng gây chia rẽ Bắc – Nam, phân biệt đối xử, khi bắt được “Việt Minh” người miền Bắc, chúng cho bắn ngay.

Trước tình hình phức tạp đó, Vũ Đức được điều về Tây Nam Bộ làm Khu Bộ trưởng Khu 9. Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ cử một đơn vị Nam tiến gồm 100 người do Nguyễn Bá chỉ huy, mang tên trung đội Đỗ Trữ, bảo vệ Khu Bộ trưởng Vũ Đức về Khu 9, sau đó ở lại tăng cường cho Khu 9. Đơn vị hành quân qua Long Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu), sau đó qua Tuy Hạ, Cần Giờ, Lý Nhơn, vượt Gò Công vào cửa Bình Đại lên Bến Tre, qua Vĩnh Long, Trà Vinh. Đến Cần Thơ, Vũ Đức làm việc với Ban Chỉ huy Mặt trận Cần Thơ… Từ thực tế Cần Thơ, Vũ Đức nắm rõ thêm đặc điểm địa hình, thủ đoạn của quân Pháp, nhất là cách thức tổ chức chiến đấu trên địa bàn sông Cửu Long có nhiều kênh rạch.

Sau khi khảo sát nắm tình hình, Khu Bộ trưởng gặp Chính trị bộ Chủ nhiệm Phan Trọng Tuệ đang chiến đấu ở mặt trận Bình Thủy (Cần Thơ), trao đổi thống nhất về việc chọn lập Chỉ huy sở của Khu, cùng một số công việc trước mắt của Khu 9 và chuẩn bị về Bạc Liêu thiết lập Chỉ huy sở của Bộ Chỉ huy.

Vũ Đức về thị trấn Phước Long (Rạch Giá), chọn nơi này làm Sở Chỉ huy lâm thời. “Tuy gọi là Tổng hành dinh, Chỉ huy sở nhưng thực tế lúc này chỉ mới hình thành một số tổ, ban phụ trách những công tác cần thiết hằng ngày… Ban quân nhu là ban đầu tiên được Bộ Chỉ huy Chiến khu thành lập. Bộ phận tham mưu, bộ phận chính trị được tổ chức với 2 – 3 cán bộ của Sóc Trăng, Cần Thơ, Rạch Giá rút về”. Để bảo vệ “Tổng hành dinh lâm thời” của Khu 9, đơn vị chọn điểm phòng ngự tại ngã tư Phó Sinh (Vĩnh Phú), chặn địch từ Ngã Năm vào bằng đường bộ và đường thủy; tham gia chiến đấu bảo vệ Khu 9 có một số đơn vị của Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá và một đơn vị bộ đội Việt kiều ở Cam-pu-chia về (gọi là bộ đội Thoại Sơn) do Nguyễn Văn Lầu, Tăng Thiên Kim, Nguyễn Tái Giám, Đoàn Thành chỉ huy. Lực lượng phối thuộc do Nguyễn Bá chỉ huy.

Nhiệm vụ được Vũ Đức giao là kiên quyết chiến đấu, giữ được từ 10 ngày đến một tháng để quân và dân ta ở phía sau, cũng như Văn phòng Khu Bộ trưởng kịp thời chấn chỉnh, di chuyển về an toàn khu ở vùng U Minh Hạ – Cà Mau. Sự hình thành Bộ Chỉ huy khu 9 do Vũ Đức đứng đầu trong bối cảnh quân Pháp đang mở rộng chiến tranh, các lực lượng vũ trang tập trung của khu vẫn chưa có sự chỉ huy thống nhất đã đem lại niềm tin tưởng phấn khởi cho bộ đội, vì từ nay đã có Khu bộ chỉ huy, có người lãnh đạo để đẩy mạnh cuộc chiến đấu. Trên cương vị Khu Bộ trưởng, Vũ Đức khẩn trương điều động một bộ phận lực lượng vũ trang các tỉnh đến chi viện cho mặt trận Cần Thơ, đồng thời, chỉ đạo các tỉnh gấp rút xây dựng lực lượng về mọi mặt.

Tại Phước Long, Vũ Đức chỉ đạo các đơn vị vũ trang vừa tranh thủ huấn luyện, vừa sẵn sàng chiến đấu. Đồng chí giao cho một số cán bộ Nam tiến mở nhiều khóa huấn luyện quân sự cho cán bộ cơ sở, từ tiểu đội đến đại đội và cả cán bộ xã, huyện. Vũ Đức đã làm việc với đồng chí Tăng Thiên Kim, Chỉ huy bộ đội Cao Miên Việt kiều Cứu quốc quân và ra lệnh cấp cho đơn vị 300 đồng bạc Đông Dương, 100 viên đạn. Sự quan tâm của Khu Bộ trưởng Vũ Đức đã động viên cán bộ, chiến sĩ phấn khởi thực hiện nhiệm vụ.

Gần 2 tháng bị quân và dân ta ngăn chặn, các mũi tiến công bị chặn lại, cuối tháng 12/1945, quân Pháp được Mỹ tiếp tay, đã tăng cường lực lượng hơn 5.000 quân vào Nam Bộ, điều xuống miền Tây một trung đoàn, nhiều xe thiết giáp, pháo và tàu chiến, thành lập Bộ Chỉ huy miền Tây do Đại tá Đờ-xe (Dessert) chỉ huy tại Cần Thơ, có thêm quân, Pháp phá được thế bao vây ở Cần Thơ và đánh chiếm các nơi. Tuy nhiên Đờ-xe chỉ huy cuộc hành quân “trên đường đi Vị Thanh để đánh chiếm Rạch Giá thì đơn vị đồng chí Nguyễn Đăng đã tổ chức chặn đánh tại Tầm Vu, đường Cái Tắc đi Rạch Gòi, thuộc tỉnh Cần Thơ”, Đại tá Đờ-xe bị thiệt mạng. Song, chúng tích cực tuyển quân, ráo riết tập hợp bọn tay sai, lập chính quyền bù nhìn ở các thị xã, thị trấn tạm chiếm, ra sức lôi kéo bọn phản động ở Tây Nam Bộ, kích động họ gây rối hậu phương của ta. Với ý đồ đó, ngày 4/1/1946, từ thị xã Vĩnh Long, Trà Vinh chúng đánh ra xung quanh, từ Cần Thơ tiến đánh Sóc Trăng, Long Mỹ, Vị Thanh.

Ngày 9/1/1946, Pháp tiếp tục đánh chiếm các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá. Chiều 9/1/1946, địch chiếm 2 thị xã Long Xuyên, Sa Đéc và chiếm các quận lỵ. Tỉnh ủy Long Xuyên rút đại bộ phận cán bộ và lực lượng vũ trang về căn cứ U Minh nhằm bảo toàn lực lượng, chỉ để lại một bộ phận nhỏ hoạt động bí mật để duy trì phong trào.

Quân và dân ta ở các mặt trận lúc đó mặc dù với số vũ khí ít ỏi, thô sơ nhưng đã đánh trả địch quyết liệt. Đặc biệt quân và dân ở mặt trận Sóc Trăng khi lui về Bố Thảo, Nhu Gia phối hợp cùng lực lượng Cộng hòa vệ binh tỉnh Bạc Liêu chiến đấu dũng cảm kìm chân quân địch gần 3 tuần lễ vẫn không tiến lên được. Ở Trà Vinh, quân và dân ở mặt trận Cầu Ngang cầm cự với địch suốt tháng 1/1946, gây cho chúng nhiều tổn thất. Lực lượng Cộng hòa vệ binh các tỉnh: Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, một bộ phận ở lại địa phương cùng với cán bộ bám dân các vùng nông thôn tiếp tục chiến đấu; một bộ phận vượt sông Hậu tham gia chiến đấu với các tỉnh miền Tây.

Ở Bạc Liêu, sau khi mặt trận Cần Thơ và Sóc Trăng bị vỡ, lực lượng Cộng hòa vệ binh lui về phòng thủ ở Nhu Gia cùng với lực lượng Cộng hòa vệ binh Bạc Liêu chiến đấu. Từ ngày 29/1/1946, quân ta chiến đấu quyết liệt với địch, tiêu diệt rất nhiều địch, thu nhiều vũ khí; hàng ngũ địch rối loạn nhưng chúng vẫn ngoan cố tiến về thị xã. Đến ngày 2/2/1946, quân Pháp tăng chi viện đánh chiếm được quận lỵ Cà Mau (nay là thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau).

Sau một thời gian chiến đấu giằng co quyết liệt, thị xã Bạc Liêu là tỉnh lỵ cuối cùng ở miền Tây Nam Bộ bị quân Pháp tái chiếm. Tuy nhiên, địch chỉ chiếm được thị xã và một số thị trấn, còn vùng tự do bao gồm các quận Phước Long, An Biên, Long Mỹ và một phần các quận Vĩnh Lợi, Giá Rai, Cà Mau… vẫn do ta kiểm soát. Đây là những vùng liền kề với vùng tự do của tỉnh Rạch Giá, tạo nên một vùng tự do khá rộng lớn ở miền Tây Nam Bộ. Tháng 1/1946, Pháp mới đánh chiếm được các thị xã ở miền Tây nhưng ngay từ cuối năm 1945, khi sức ép của quân Pháp gia tăng tại các mặt trận thì Tỉnh ủy Rạch Giá quyết định xây dựng căn cứ ở vùng U Minh Thượng, Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng quyết định xây dựng căn cứ U Minh Hạ. Ngay sau chủ trương đó, lương thực từ các vùng ven và các địa phương nhiều lúa gạo được chuyển gấp vào sâu trong rừng U Minh. Nhân dân vùng ven U Minh tình nguyện “tiêu thổ kháng chiến”, phá đường, đắp kè, ngăn sông để cản địch.

Sự chuẩn bị đó góp phần tạo ra một nguồn lực mới trước thách thức to lớn đối với cuộc kháng chiến của quân và dân miền Tây Nam Bộ. Bài 12: Bám trụ xây dựng căn cứ kháng chiến, quyết định nhiều vấn đề quan trọng.