Nguyên nhân thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc và cách điều trị

Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc là gì?

Theo WHO, thiếu máu (Anemia) là hiện tượng giảm lượng huyết sắc tố và lượng hồng cầu trong máu ngoại vi dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho các mô trong cơ thể, xảy ra khi nồng độ Hemoglobin

Thể tích hồng cầu trung bình (MCV) bình thường nằm trong khoảng 80-100 fL, nếu MCV thấp hơn bình thường gọi là hồng cầu nhỏ (Microcytic), MCV cao hơn gọi là hồng cầu to.

Lượng huyết sắc tố trung bình (MCH) bình thường từ 27-32 picogram (pg). Khi MCH 32pg gọi là hồng cầu ưu sắc.

Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc là tình trạng thiếu máu trong đó lượng hồng cầu vừa thấp hơn, các tế bào hồng cầu cũng có kích thước nhỏ hơn và nhạt màu hơn bình thường (hay còn gọi là nhược sắc). Tình trạng này làm giảm khả năng vận chuyển oxy của tế bào hồng cầu, dẫn tới thiếu oxy ở các mô trong cơ thể. Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc thường gặp sau các bệnh mất máu như trĩ, loét dạ dày – tá tràng, u xơ tử cung, ung thư dạ dày, ung thư phế quản, giãn phế quản, ho ra máu, nhiễm ký sinh trùng (như giun móc), cường kinh, phụ nữ mang thai, trẻ gặp vấn đề dinh dưỡng kém…

Hồng cầu bình thường và hồng cầu nhỏ nhược sắc

Hồng cầu bình thường và hồng cầu nhỏ nhược sắc

Khi bị thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ, người bệnh có triệu chứng mệt mỏi, da xanh, dễ bị đau đầu, chóng mặt nhất là những khi đổi tư thế đột ngột, về lâu dài có thể gây suy giảm trí nhớ, giảm thị lực, giảm chức năng vận động, tức ngực, khó thở, chán ăn,…

Thiếu máu hồng cầu to ưu sắc (thiếu máu ác tính Biermer) do thiếu hụt vitamin B12, acid folic. Đối với thiếu máu ưu sắc hồng cầu to, bên cạnh triệu chứng chung còn có thể nghe thấy tiếng thổi tâm thu, tim to; miệng, lưỡi và họng rát; cảm giác tê, kiến bò ở chi, mất phản xạ gân xương.

Nguyên nhân gây bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc

Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc do thiếu sắt

Thiếu khoáng chất sắt là một trong những nguyên nhân thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc phổ biến nhất. Những đối tượng hay bị thiếu sắt gồm có: phụ nữ mang thai; người có chế độ ăn hàng ngày không đủ sắt, thiếu folate và vitamin B12; người mắc các bệnh như celiac (không dung nạp được gluten) hoặc nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP) khiến cơ thể không hấp thu được sắt…

Phụ nữ mang thai dễ bị thiếu máu thiếu sắt

Phụ nữ mang thai dễ bị thiếu máu thiếu sắt

Bệnh Thalassemia

Thalassemia là bệnh thiếu máu tán huyết di truyền (hay còn gọi là tan máu bẩm sinh), do thiếu hụt 1 chuỗi globin trong huyết sắc tố hồng cầu, khiến hồng cầu dễ bị vỡ dẫn đến thiếu máu mạn tính và ứ sắt. Đây là một bất thường di truyền phổ biến và Việt Nam hiện là một trong những nước có tỷ lệ mắc và mang gen bệnh khá cao trên thế giới.

Do viêm hoặc mắc các bệnh mạn tính

Tình trạng viêm (như viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, do mắc bệnh đái tháo đường) hoặc mắc bệnh mạn tính (ung thư, HIV/AIDS, lao, viêm nội tâm mạc…) có thể hạn chế hoạt động của các tế bào hồng cầu gây giảm hấp thu hoặc giảm sử dụng sắt trong cơ thể.

Thiếu máu nguyên hồng cầu

Thiếu máu nguyên hồng cầu thường được chẩn đoán do di truyền hoặc do gen đột biến, tủy xương tạo ra nguyên bào sắt với tế bào tiền thân của hồng cầu chứa sắc trong ty thể thay vì sản sinh ra các hồng cầu khỏe mạnh. Cơ thể không thể kết hợp sắt để tạo thành hemoglobin (huyết sắc tố) giúp tế bào vận chuyển oxy, do đó hình thành các tế bào hồng cầu bất thường.

Nguyên hồng cầu sắt vòng trong thiếu máu nguyên hồng cầu sắt

Nguyên hồng cầu sắt vòng trong thiếu máu nguyên hồng cầu sắt

Nhiễm độc chì

Nhiễm độc chì cũng là một nguyên nhân gây ra nhiều bệnh về máu như thiếu máu do chì ức chế tổng hợp hồng cầu, khiến hồng cầu dễ vỡ. Nhiễm độc chì qua hô hấp (hít phải khói bụi, khí có chì) đặc biệt ở trẻ em do tốc độ lắng đọng chì ở phổi cao hơn người lớn gấp 2,7 lần, qua da, qua tiêu hóa (ăn, uống, ngậm mút các đồ vật có chì…), qua nhau thai khi mẹ bị ngộ độc chì.

Triệu chứng bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc

Các triệu chứng ban đầu của thiếu máu thường khó nhận biết và xác định rõ rệt. Để xác định chính xác có bị thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc hay không, bên cạnh thăm khám lâm sàng còn cần làm thêm các xét nghiệm khác. Tuy nhiên bệnh thường có một số biểu hiện điển hình như sau:

  • Da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, thiếu sức sống, môi khô nẻ.
  • Hay gặp tình trạng viêm ở miệng, lưỡi màu đỏ bất thường, teo gai lưỡi.
  • Móng tay, móng chân mỏng, bẹt, dễ gãy.
  • Rụng tóc, dễ gãy tóc.
  • Nuốt khó, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn.
  • Dễ bị tắc mạch máu.
  • Nguy cơ cao bị mắc hội chứng tăng áp lực sọ não.
  • Hay mệt mỏi, ù tai, chóng mặt, tim đập nhanh, kém vận động, khó thở khi vận động mạnh hay lao động nặng.
  • Trẻ bị chậm phát triển thể chất.
  • Trường hợp nặng: tim to (qua chụp X-quang), nghe thấy âm thổi tâm thu cơ năng.

Mệt mỏi, ù tai, chóng mặt là triệu chứng thiếu máu

Mệt mỏi, ù tai, chóng mặt là triệu chứng thiếu máu

Ai là người có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc?

Thiếu sắt được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc. Do đó một người thường có nguy cơ cao mắc bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc trong các trường hợp sau:

  • Không đáp ứng đủ nhu cầu sắt của cơ thể như: trẻ trong độ tuổi dậy thì, phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thai và đang cho con bú… Chế độ dinh dưỡng của những đối tượng này cần tăng cường bổ sung sắt, nếu vẫn ăn uống như thường ngày sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu sắt cho cơ thể. Một số đối tượng khác gồm: người ăn uống không đủ chất, mắc bệnh làm giảm khả năng hấp thu chất sắt (như viêm dạ dày, viêm ruột, đã cắt bỏ một phần dạ dày, ruột), ăn nhiều thực phẩm làm giảm hấp thu sắt (như tanin, phytate có trong trà, chè, cà phê, nước có ga)…
  • Thiếu sắt do mất máu mạn tính. Một số bệnh gây mất máu mạn tính như loét dạ dày tá tràng biến chứng chảy máu, ung thư ở các cơ quan trong đường tiêu hóa, viêm đường tiết niệu chảy máu, phụ nữ bị mất máu nhiều khi hành kinh, người bị mất máu nhiều sau tai nạn, sau phẫu thuật…
  • Bẩm sinh bị rối loạn chuyển hóa sắt. Trường hợp này hiếm gặp, chỉ xảy ra khi cơ thể không tổng hợp được transferrin (glycoprotein trong máu có vai trò liên kết và vận chuyển sắt).

Ăn uống không đủ chất dẫn đến thiếu máu thiếu sắt

Ăn uống không đủ chất dẫn đến thiếu máu thiếu sắt

Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc có nguy hiểm không?

Thời kỳ đầu người bệnh có thể chưa cảm nhận được những triệu chứng bệnh lý do tình trạng thiếu máu chưa tiến triển nặng và cũng chưa ảnh hưởng gì nhiều đến thể trạng. Tuy nhiên về lâu dài, nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây ra các biến chứng như sốc mất máu, các vấn đề về phổi hoặc động mạch vành, huyết áp thấp, suy nhược cơ thể, thậm chí gây tử vong. Các đối tượng người lớn tuổi, có tiền sử mắc bệnh về phổi và tim mạch có nguy cơ cao gặp biến chứng của bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc hơn.

Cách điều trị thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc

Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc do nhiều nguyên nhân khác nhau, người bệnh cần đến khám ở các bệnh viện có chuyên khoa về huyết học để được tư vấn, xác định đúng nguyên nhân và điều trị triệt để, tránh tái phát.

Việc truyền máu không được phép lạm dụng do đó bệnh nhân thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc chỉ được chỉ định truyền máu trong trường hợp thiếu máu nặng. Bên cạnh đó là bổ sung thêm các chế phẩm sắt thông qua truyền tĩnh mạch hoặc bằng dung dịch uống (được khuyến khích hơn), viên nén.

Sử dụng sắt thông qua truyền tĩnh mạch chỉ được áp dụng trong các trường hợp như sau:

  • Thiếu máu do thiếu sắt từ nặng đến rất nặng.
  • Cơ thể người bệnh không hấp thu sắt dưới dạng uống, thường gặp ở người đã bị cắt đoạn ruột/dạ dày hoặc bẩm sinh.
  • Người bị thiếu máu khi đang mắc bệnh mạn tính hoặc viêm nhiễm tiến triển mạnh.

Đối với người chỉ thiếu sắt, chưa thiếu máu cần bổ sung sắt bằng thực phẩm, chế phẩm chứa sắt, tiếp tục bổ sung liên tục thêm 3 tháng sau khi lượng huyết sắc tố về mức bình thường.

Bà bầu có thể bổ sung sắt dạng viên uống

Bà bầu có thể bổ sung sắt dạng viên uống

Cách phòng bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc

Nguyên nhân chính dẫn tới thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ là thiếu sắt, vì vậy có thể phòng tránh bệnh bằng những cách sau:

  • Phụ nữ thời kỳ mang thai nên bổ sung sắt dạng uống. Thai phụ cần 30-60 mg/ngày từ lúc mang thai cho đến sau sinh ít nhất 1 tháng.
  • Nuôi con bằng sữa mẹ hoặc dùng các loại sữa bổ sung sắt dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Tăng cường thực phẩm giàu sắt và vitamin vào chế độ dinh dưỡng như: Thịt đỏ, thịt gia cầm, phủ tạng động vật, hải sản, trứng, đậu, lạc, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt rau xanh đậm (rau ngót, rau dền, rau muống). Có thể kết hợp bổ sung các yếu tố giúp tăng cường khả năng hấp thu sắt cho cơ thể như vitamin C, citric, malic, và acid lactic… (như uống nước cam, chanh) sau khi ăn thức ăn nhiều sắt. Hạn chế sử dụng nhiều gia vị nhân tạo, dầu mỡ, hương liệu…
  • Hạn chế uống trà, cà phê sau bữa ăn do các thức uống này chứa các chất gây ức chế hấp thu sắt.
  • Khám sức khỏe tổng quát và xét nghiệm công thức máu định kỳ hàng năm hoặc khi có các triệu chứng nghi ngờ thiếu máu.

Khám sức khỏe định kỳ phòng tránh thiếu máu

Khám sức khỏe định kỳ phòng tránh thiếu máu

Giải đáp một số câu hỏi khác

Thiếu máu nhược sắc nên ăn gì?

Bị thiếu máu nhược sắc nên ăn gì là băn khoăn của khá nhiều người bệnh. Theo bác sĩ khuyến cáo, khi bị thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ, bạn nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu sắt, vitamin B12, acid folic như: thịt đỏ, hải sản, trứng, rau xanh và kết hợp sử dụng nước trái cây giàu vitamin C giúp cơ thể dễ hấp thu sắt. Bên cạnh đó, cần hạn chế các loại đồ uống kích thích như rượu, bia, trà, cà phê…

Các thực phẩm giàu sắt

Các thực phẩm giàu sắt

Ngoài ra, bạn có thể bổ sung sắt bằng viên uống để tăng khả năng hấp thu sắt, đặc biệt là phụ nữ mang thai nhằm đảm bảo thai nhi phát triển bình thường và, toàn diện. Tuy nhiên việc bổ sung viên sắt cần có sự chỉ định và tư vấn của bác sĩ có chuyên môn. Việc sử dụng các chất bổ sung sắt có thể gây cản trở khả năng xác định tình trạng thiếu sắt khi làm xét nghiệm, dẫn đến bỏ qua các bệnh nghiêm trọng khác như ung thư đại tràng.

Hồng cầu nhỏ nhược sắc nhưng không thiếu máu do đâu?

Một số người cảm thấy hoang mang khi làm xét nghiệm máu cho kết quả hồng cầu nhỏ nhược sắc nhưng bản thân lại không bị thiếu máu. Tình trạng này do cơ thể không đủ nguyên liệu tạo hồng cầu hoặc mắc α-Thalassemia thể ẩn, trên lâm sàng biểu hiện không thiếu máu hay thiếu máu nhẹ.

Hồng cầu nhỏ nhược sắc có thể là triệu chứng của bệnh Thalassemia (thiếu máu tán huyết di truyền) hoặc do thiếu sắt. Để xác định chính xác nguyên nhân, bạn cần làm các xét nghiệm sắt huyết thanh. Sắt huyết thanh giảm trong trường hợp thiếu máu thiếu sắt; sắt huyết thanh không giảm hoặc tăng trong trường hợp mắc bệnh thalassemia.

Hy vọng thông tin trong bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu hơn về thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc. Để phòng tránh tình trạng này, bạn cần chú ý từ thói quen ăn uống hàng ngày, kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường trong cơ thể.