Nguyên tắc hoạt động của an ninh quốc gia như thế nào?

Nguyên tắc hoạt động của an ninh quốc gia là tư tưởng chủ đạo và định hướng cơ bản về an ninh quốc gia, được thể hiện xuyên suốt toàn bộ hoặc một giai đoạn nhất định đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân theo.

Vậy hoạt động an ninh quốc gia có nguyên tắc gì?

Căn cứ theo Điều 5 Luật An ninh Quốc gia số 32/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 (gọi tắt là Luật An ninh Quốc gia năm 2004) quy định hoạt động của an ninh quốc gia có nguyên tắc sau:

Nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Đây là nguyên tắc được đặt lên hàng đầu trong các nguyên tắc hoạt động của an ninh quốc gia vì lí do sau đây:

Hiến pháp là hình thức văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành, có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quy định các vấn đề cơ bản nhất của Nhà nước như: hình thức và bản chất nhà nước, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa xã hội; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hiến pháp là luật cơ bản của một Nhà nước. Hiến pháp là cơ sở để xây dựng các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, được cụ thể hóa, chi tiết hóa bằng các văn bản pháp quy. Mọi văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật của Việt Nam đều phải phù hợp với Hiến pháp.

Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình.

Như vậy, phải đảm bảo tuân theo và không làm trái Hiến pháp, hệ thống pháp luật mà Nhà nước đã ban hành.

Ngoài ra phải đảm bảo lợi ích cho Nhà nước, đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức.

Nguyên tắc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước

Đảng tồn tại với mục đích nắm giữ quyền lực nhà nước, có vai trò cầm quyền. Do đó, mọi chính sách thực hiện phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam và đặc biệt là trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia.

Nhà nước vững mạnh là một Nhà nước thống nhất, xuyên suốt các cơ quan với nhau. Để vững mạnh và phát triển lâu dài cần đoàn kết và có sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt

Về lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia được quy định tại Điều 6 Luật An ninh Quốc gia số 32/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 (gọi tắt là Luật An ninh Quốc gia năm 2004) như sau:

+ Nhà nước xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia.

+ Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xây dựng lực lượng công an xã, dân quân tự vệ, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, bảo vệ dân phố, dân phòng tham gia hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; phối hợp có hiệu quả hoạt động an ninh, quốc phòng và đối ngoại

Căn cứ theo Điều 4 Luật An ninh Quốc gia số 32/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 quy định chính sách bảo vệ an ninh quốc gia như sau:

+ Thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.

+ Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị để bảo đảm an ninh quốc gia.

Nguyên tắc chủ động phòng ngừa, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia

Chủ động phòng ngừa, chủ động đấu tranh và phản ứng linh hoạt khi thấy có âm mưu và hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

Luật Hoàng Anh