Nguyên tắc đồng thuận và sự đoàn kết của ASEAN trong bối cảnh mới – BÌNH LUẬN – Tạp chí Cộng sản

Kiên trì khẳng định rõ nguyên tắc đồng thuận và sự đoàn kết

Gần 55 năm qua, ASEAN không chỉ xây dựng được hình ảnh và uy tín là một tổ chức khu vực thành công, mà còn tạo dựng được thông lệ quen đối thoại, tham vấn và xây dựng lòng tin giữa các nước trong khu vực, cũng như giữa các thành viên tổ chức với các đối tác bên ngoài khu vực; can dự một cách tích cực và chủ động, cùng với các nước lớn quản lý các xung đột ở khu vực; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, hội nhập kinh tế, văn hóa – xã hội ở khu vực Đông Á và rộng hơn là châu Á – Thái Bình Dương.

Những thành công đó của ASEAN được cho là bắt nguồn từ những đặc tính rất riêng biệt của ASEAN – một Hiệp hội khá lỏng lẻo về mặt pháp lý, song lại chặt chẽ về nguyên tắc, tiếp cận tiệm tiến và biến chuyển linh hoạt trong từng giai đoạn cụ thể. Thành công đó còn do phương thức vận hành tổ chức hết sức đặc biệt của ASEAN, đó là sự tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và đồng thuận trong mọi quyết định. Các đặc tính, phương thức vận hành, thói quen ứng xử và cách thức hợp tác trong nội Khối cũng như đối với bên ngoài đã tạo ra phương cách đặc biệt của ASEAN, với bản sắc riêng, không giống bất cứ tổ chức khu vực nào trên thế giới. Trong khi đó, nguyên tắc đồng thuận là một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản của ASEAN và cũng là nguyên tắc chủ đạo hình thành nên “phương cách ASEAN” – “huyết mạch” giữ cho ASEAN trở thành một khối gắn kết các quốc gia Đông Nam Á. Nguyên tắc đồng thuận đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình hình thành và phát triển của ASEAN, là nền tảng then chốt cho sự hợp tác của Hiệp hội trong nhiều thập niên qua. Đây là nguyên tắc gốc nhằm bảo đảm không một quốc gia thành viên nào bị “gạt ra ngoài lề” trong những vấn đề quan trọng, bảo đảm sự tham gia cân bằng của các bên trong quá trình thực hiện các quyết sách. Đây cũng là nền tảng quan trọng duy trì sự đoàn kết và tính bền vững của ASEAN.