Chuyên đề “Tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn”

Trong hoạt động quản lý và thực thi công vụ của bất cứ cơ quan, đơn vị nào cũng đều có sự phối hợp giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các phòng ban, bộ phận và giữa các cán bộ, công chức, viên chức trong cùng cơ quan, đơn vị với nhau. Hình thức và nội dung của sự phối hợp quản lý và thực thi công vụ bao gồm các hoạt động cung cấp thông tin, trợ giúp vật chất, phương tiện kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực, tài chính, xác định nội dung công việc và phạm vi trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân được phân công thực hiện những nhiệm vụ chung; tất cả những nội dung đó đều cần tuân thủ theo nguyên tắc phối hợp để đảm bảo đạt hiệu quả cao trong thực thi các nhiệm vụ. Nhận thấy được tầm quan trọng của sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tôi xin xây dựng chuyên đề thảo luận học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2021: “Tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn”.

3.3.1. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn:

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, không thể có một cá nhân, một tập thể, một cơ quan nào có thể giải quyết công việc một cách độc lập, tách rời mà phải luôn cần có sự phối hợp, trao đổi thông tin hay nói cách khác ở đâu có quản lý thì ở đó có nhu cầu phối hợp. Mục tiêu cuối cùng của phối hợp là tạo ra sự thống nhất, đồng thuận, bảo đảm chất lượng và hiệu quả trong quản lý. Nói cách khác, phối hợp là bố trí cùng nhau làm theo một kế hoạch để đạt một mục đích chung. Thông qua phối hợp, các bộ phận và cá nhân trong đơn vị được trao đổi hoạt động và thông tin với nhau, hỗ trợ cho nhau trong việc thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của tập thể và cá nhân, từ đó hiệu quả công việc được nâng cao. Nếu sự phối hợp có chất lượng và được thông qua những hình thức và cách thức thích hợp thì không chỉ tạo dựng sự đoàn kết, đồng thuận, hỗ trợ nhau giữa các bộ phận phòng ban; giữa các cá nhân cùng hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, mà còn có thể phát huy dân chủ, khai thác năng lực, sở trường của từng cá nhân trong công tác để cùng hướng vào thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác của đơn vị mình.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở đây là học tập và làm theo phong cách làm việc một cách khoa học của Người. Hồ Chí Minh yêu cầu làm việc gì cũng phải điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu để nắm chắc thực chất tình hình. Làm việc phải có chương trình, kế hoạch. Làm việc phải đúng giờ. Phải luôn đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, đường mòn. Đó là một phong cách không cố chấp, bảo thủ, luôn đổi mới. Cuộc đời Người là một tấm gương tuyệt vời về đổi mới, có sức động viên, khích lệ, gởi mở sự đổi mới, sáng tạo cho mỗi chúng ta. Hiệu quả trong công việc, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song một trong những yếu tố không thể thiếu đó là: “Tuân thủ nguyên tắc phối hợp”. Theo đó, một số nguyên tắc trong phối hợp: nguyên tắc lãnh đạo thống nhất; nguyên tắc chia sẻ thông tin; nguyên tắc chuyên môn hóa, hợp tác hóa; nguyên tắc đảm bảo tính khách quan, không cố chấp, bảo thủ; nguyên tắc đổi mới, sáng tạo; nguyên tắc đúng hẹn…

Có nhiều hình thức phối hợp trong công tác và các cá nhân, bộ phận có thực sự được sự phối hợp, trên tinh thần hỗ trợ nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công hay không, đó là biểu hiện cụ thể của dân chủ trong cơ quan. Vấn đề đặt ra là mức độ, phạm vi phối hợp đến đâu là hợp lý? Tất nhiên là không phải bất cứ vấn đề nào, bất cứ khi nào và ở đâu cũng phối hợp. Phối hợp cần được đặt trong mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ của nguyên tắc tập trung dân chủ. Đề ra yêu cầu phối hợp trong công tác phải đồng thời với khuyến khích tư duy độc lập và đề cao trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức thuộc phạm vi chức năng, thẩm quyền được phân công nhằm đạt hiệu quả cao trong mọi công việc.

Hiệu quả là đạt được một kết quả đúng như kế hoạch đã đề ra nhưng sử dụng ít thời gian, công sức và nguồn lực nhất. “Hiệu quả là kết quả của công việc và tác dụng của nó theo mục tiêu đã xác định”. Hiểu theo cả hai nghĩa trên thì hiệu quả bao hàm hai khía cạnh: Là kết quả công việc và kết quả đó phải có tác dụng đạt được theo mục tiêu đã xác định.

Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả trong công việc? Điều này còn phụ thuộc nhiều yếu tố, song: Tuân thủ nguyên tắc phối hợp là một trong những yếu tố cần thiết để tạo nên hiệu quả trong công việc; nắm vững các nguyên tắc phối hợp trong công việc và vận dụng hài hòa, phối hợp nhịp nhàng theo đúng nguyên tắc để tiết kiệm thời gian, công sức … hướng tới đạt hiệu quả cao theo kế hoạch đề ra.

3.3.2. Thực trạng công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan:

a. Những mặt đạt được:

Thực tế, trong những năm qua Sở Tài chính đã có những quy chế phối hợp cụ thể, rõ ràng trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao như quy chế phối hợp trong công tác thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, quy chế phối hợp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, các kế hoạch nhiệm vụ được Lãnh đạo Sở phân công phối hợp thực hiện giữa các phòng,… Các phòng trong Sở cũng như công chức, viên chức và người lao động trong Sở đã quan tâm và thực hiện tương đối tốt.

b. Những mặt hạn chế:

– Một số công việc tính phối hợp giữa các phòng chưa cao như chưa đảm bảo thời gian xử lý, chưa xác định được giới hạn xử lý công việc của từng phòng… dẫn đến hiệu quả công việc thấp.

– Việc phối hợp của một số cán bộ công chức trách nhiệm chưa cao và không đồng bộ dẫn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ nhiều lúc còn lúng túng, chưa đạt hiệu quả cao.

– Tổng hợp tham mưu chậm, chưa chú ý đến thời gian yêu cầu của các nhiệm vụ có giới hạn thời gian.

3.3.3. Nguyên nhân:

– Một số công việc có tính phối hợp nhưng chưa được ban hành quy chế.

– Tổ chức triển khai thực hiện các quy chế đó còn chưa chặt chẽ, chưa có sự kiểm tra giám sát, chưa tổng kết đúc rút kinh nghiệm; vấn đề tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ trong phối hợp chưa cao; Nội dung, hình thức, cách thức phối hợp chưa được quy định cụ thể và còn thực hiện theo kinh nghiệm.

– Nhận thức của một số công chức,viên chức và người lao động chưa thật sự đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của nguyên tắc phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ. Chưa nắm được nguyên tắc trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ.

– Công tác phối hợp còn lỏng lẻo, trách nhiệm trong phối hợp chưa cao, phạm vi công việc phối hợp còn tuỳ tiện, chất lượng phối hợp không cao.

– Quy chế phối hợp chưa có hướng dẫn cụ thể rõ ràng, một số cá nhân vẫn còn túng túng trong thực hiện; chưa đọc hoặc chưa nghiên cứu kỹ quy chế.

3.3.4. Giải pháp tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn:

Để công tác phối hợp ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả, bản thân xin đề xuất một số vấn đề sau:

– Cần tuyên truyền và phổ biến về mục đích, vai trò và tầm quan trọng của công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ cho công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan; Cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cho công chức, viên chức và người lao động, từ đó mỗi cá nhân nhận thức đúng đắn và có ý thức thực hiện đúng nguyên tắc phối hợp trong mọi công việc được giao.

– Giúp cho công chức và người lao động nắm vững nội dung một số nguyên tắc trong công tác phối hợp. Tuân thủ theo nguyên tắc tập trung dân chủ và thể hiện nhất quán sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phối hợp. Trao đổi hoạt động và thông tin với nhau; hỗ trợ nhau; tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau trong phối hợp và thực hiện nhiệm vụ.

– Cần có những quy định rõ ràng, cụ thể trong quy chế phối hợp để từ đó mỗi công chức, viên chức, người lao động có cơ sở thực hiện công tác phối hợp, nêu cao tính tự giác, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và kết quả công việc được giao.

– Để thực hiện tốt nhiệm vụ và có hiệu quả cao trong công việc, cơ quan cần quan tâm và tạo điều kiện về môi trường làm việc, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc, … cho công chức, người lao động; phấn đấu công bằng, công khai, minh bạch nhằm tạo động lực cho công chức, người lao động đều nỗ lực làm việc, nhiệt tình chăm chỉ và bền bỉ hơn, có trách nhiệm cao hơn; khi đó họ đều có khả năng làm được nhiều hơn những gì mà cấp trên mong chờ ở họ.

– Cần thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác phối hợp của từng phòng với các bộ phận; cá nhân với cá nhân và phối hợp của các cá nhân với từng bộ phận. Có kiểm tra và đánh giá kịp thời để giúp đỡ các cá nhân và bộ phận phòng ban khi cần thiết.

– Thực hiện tốt các nguyên tắc trong phối hợp công việc, mỗi cá nhân có tinh thần tự giác, tích cực trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhằm có được hiệu cao trong công việc. Phát huy sức mạnh tổng hợp để phấn đấu hoàn thành mọi kế hoạch đề ra một cách hiệu quả cao nhất.

– Nêu cao tinh thần hợp tác; thường xuyên chia sẻ những đề nghị, ý kiến, thông tin của mình với mọi người trong cơ quan để mọi người có dịp gần gũi và hiểu về cách làm việc của nhau.

– Nên lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp trước khi khéo léo bày tỏ sự đồng tình hay phản bác.

– Luôn chủ động thực hiện phần việc của mình; sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao kỹ năng, kiến thức cũng như thái độ làm việc.

– Trao đổi ngay với cấp trên về những thay đổi hay vấn đề phát sinh trong công việc.

– Nên nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc; cư xử với đồng nghiệp bằng sự tôn trọng; trao đổi cởi mở, tạo môi trường phối hợp thuận lợi.

– Nêu rõ nội dung báo cáo, phối hợp; xác định mục tiêu phối hợp.

– Chia sẻ thông tin, tài liệu trên ổ mạng dùng chung của phòng để mọi thành viên trong phòng có thể tiếp cận.

– Lãnh đạo phòng cần quan tâm, phản hồi với các phòng phối hợp để công việc được tiến hành đúng yêu cầu.

– Mỗi cá nhân cần linh hoạt trong cách giải quyết, tham mưu; không rập khuôn, máy móc và phải có sự phối hợp giữa mọi thành viên trong phòng với nhau.

Ban Biên tập Sở Tài chính./.