Nguyên tắc bảo hiểm | Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh

Định nghĩa về bảo hiểm

1. Theo Dennis Kessler: Bảo hiểm là sự đóng góp của số đông vào sự bất hạnh của số ít.

2. Theo Monique Gaullier: Bảo hiểm là một nghiệp vụ qua đó, một bên là người được bảo hiểm cam đoan trả một khoản tiền gọi là phí bảo hiểm thực hiện mong muốn để cho mình hoặc để cho người thứ ba trong trường hợp xảy ra rủi ro sẽ nhận được một khoản đền bù các tổn thất được trả bởi một bên khác: đó là người bảo hiểm. Người bảo hiểm nhận trách nhiệm đối với toàn bộ rủi ro và đền bù các thiệt hại theo các phương pháp của thống kê.

3. Tập đoàn bảo hiểm AIG của Mỹ định nghĩa: Bảo hiểm là một cơ chế, theo cơ chế này, một người, một doanh nghiệp hay một tổ chức chuyển nhượng rủi ro cho công ty bảo hiểm, công ty đó sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm các tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm và phân chia giá trị thiệt hại giữa tất cả những người được bảo hiểm.

4. Luật Kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam (2000): Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Bản chất của bảo hiểm: Là việc phân chia tổn thất của một hoặc một số người cho tất cả những người tham gia bảo hiểm cùng chịu. Bảo hiểm hoạt động dựa trên Quy luật số đông (the law of large numbers)

1. Nguyên tắc trung thực tuyệt đối (utmost good faith):

Tất cả các giao dịch kinh doanh cần được thực hiện trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, trung thực tuyệt đối. Cả người được bảo hiểm và người bảo hiểm đều phải trung thực trong tất cả các nội dung liên quan đến giao kết hợp đồng bảo hiểm.

1.1. Đối với người tham gia bảo hiểm

Đây là bổn phận khai báo đầy đủ và chính xác tất cả các yếu tố quan trọng có liên quan, dù được yêu cầu hay không được yêu cầu khai báo. Mục đích của nguyên tắc trung thực tuyệt đối là giảm chi phí đánh giá rủi ro và ràng buộc trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm. Theo nguyên tắc này, bên biết thông tin quan trọng liên quan đến hợp đồng bảo hiểm mà mình tham gia sẽ phải thông báo cho bên đối tác về thông tin đó. Phạm vi của nguyên tắc áp dụng cho cả công ty bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.

Một số lưu ý

(1) Yếu tố quan trọng là bất kỳ yếu tố nào có ảnh hưởng đến việc chấp nhận bảo hiểm và giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Ví dụ: Việc người được bảo hiểm có thói quen uống rượu. Thói quen ấy là một yếu tố quan trọng đối với công ty bảo hiểm nhận bảo hiểm thân thể, sinh mạng, bệnh tật của anh ta và bảo hiểm xe cơ giới do anh ta điều khiển. Một số yếu tố quan trọng trong các loại bảo hiểm:

– Đối với bảo hiểm nhà: Nguyên, vật liệu xây nhà loại gì, thiết kế như thế nào, nhà được xây dựng ở đâu,…

– Đối với bảo hiểm con người: độ tuổi, nghề nghiệp, tiền sử ốm đau của người được bảo hiểm, hồ sơ sức khoẻ của người trong gia đình,…

– Đối với bảo hiểm ô tô: Thời gian đã sử dụng của xe, tuổi lái xe, tiền sử tai nạn,…

(2) Bổn phận khai báo: Thông thường, người yêu cầu bảo hiểm phải khai báo các yếu tố quan trọng khi yêu cầu bảo hiểm. Việc khai báo phải hoàn thành trước khi hợp đồng bảo hiểm được ký kết. Khi người được bảo hiểm cố tình không khai báo đầy đủ các yếu tố quan trọng thì được xem là vi phạm nguyên tắc trung thực tuyệt đối và hợp đồng bảo hiểm có thể bị huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ.

1.2. Đối với công ty bảo hiểm

Nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong bảo hiểm không chỉ áp dụng đối với người tham gia bảo hiểm mà luật pháp yêu cầu công ty bảo hiểm khi giao dịch, giới thiệu để chào bán các nghiệp vụ bảo hiểm với khách hàng cũng phải thực hiện nghĩa vụ và nguyên tắc này. Công ty bảo hiểm thông qua cán bộ khai thác hoặc đại lý của mình phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm như quyền lợi bảo hiểm, phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, giải thích điều khoản, giải đáp những thắc mắc cho người tham gia bảo hiểm. Công ty bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để ký kết hợp đồng bảo hiểm thì Người được bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, công ty bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh do sai sót của mình.