Nhà nước là hiện tượng vĩnh cửu, bất biến đúng hay sai?

Nhận định “Nhà nước là hiện tượng vĩnh cửu bất biến” là Sai, bởi vì Nhà nước là một hiện tượng lịch sử – xã hội, có quá trình ra đời, hình thành và phát triển, vì thế Ph.Ăngghen đã khẳng định:

“Nhà nước tồn tại không phải là mãi mãi từ ngàn xưa. Đã từng có những xã hội không cần đến nhà nước, không có một khái niệm nào về nhà nước và chính quyền nhà nước cả. Đến một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định, giai đoạn tất nhiên phải gắn liền với sự phân chia xã hội thành giai cấp thì sự phân chia đó làm cho nhà nước trở thành một tất yếu”.

>> Xem thêm:

  • Tại sao nói áp dụng pháp luật mang tính sáng tạo?
  • Người đủ 18 tuổi trở lên là chủ thể của mọi quan hệ pháp luật đúng hay sai?
  • Mọi quan hệ xã hội đều là quan hệ pháp luật đúng hay sai?

Điều này chứng tỏ, nhà nước ra đời không phải xuất phát từ mục đích tự thân mà xuất phát từ nhu cầu tồn tại và phát triển xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, vì vậy, Ph.Ăngghen viết:

“Vì nhà nước nảy sinh ra từ những nhu cầu phải kiềm chế những đối lập giai cấp, vì nhà nước đồng thời cũng nảy sinh ra giữa cuộc xung đột của các giai cấp, cho nên theo lệ thường, nhà nước là của giai cấp có thế lực nhất, của các giai cấp thống trị về mặt kinh tế và nhờ có nhà nước mà cũng trở thành giai cấp thống trị về chính trị…”.

Kế thừa quan điểm của C.Mác và Ph. Ăngghen, V.I.Lênin đã làm rõ hơn về điều kiện ra đời, hình thành và phát triển của nhà nước, đó là:

“Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Bất cứ đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được, thì nhà nước xuất hiện. Và ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hòa được”.

Như thế, nhà nước là một hiện tượng lịch sử, sự tồn tại và tiêu vong của nó là tùy thuộc vào những điều kiện kinh tế – xã hội cụ thể, “nhà nước chỉ là một tổ chức thống trị của một giai cấp” và “bất cứ nhà nước nào cũng là một bộ máy để một giai cấp này trấn áp giai cấp khác”.

Điều này cho thấy, học thuyết mác – xít khác biệt về chất so với các học thuyết phi mác – xít về nguồn gốc ra đời của nhà nước. Sự khác biệt này không phải nằm ở chỗ thừa nhận hay không thừa nhận sự tồn tại của nhà nước mà nằm ở chỗ chỉ ra nhà nước ra đời từ đâu, ra đời để làm gì và ra đời để phục vụ ai? Học thuyết mác – xít đã lý giải tất cả những câu hỏi này bằng cơ sở hiện thực của nhà nước, đó là cơ sở kinh tế – xã hội đã quy định sự ra đời, hình thành, phát triển và tiêu vong của nhà nước.

Vì thế, nhà nước là một hiện tượng xã hội nhưng đây không là hiện tượng xã hội bất biến, thụ động mà nhà nước là thiết chế xã hội đặc biệt, năng động, sáng tạo và chỉ xuất hiện khi xã hội loài người phát triển đến một giai đoạn nhất định và sẽ tiêu vong khi những điều kiện khách quan cho sự tồn tại của nó mất đi.