Buồn nôn, nhạt miệng có phải dấu hiệu mang thai?

Ngoài nhạt miệng buồn nôn, còn có một số dấu hiệu khác cho thấy chị em đã mang thai. Đó là:

  • Mất kinh nguyệt: Đây là biểu hiện có thai đầu tiên. Nếu mất kinh nguyệt khoảng 1 tuần trở lên, có thể bạn đã có thai. Tuy nhiên, đây cũng có thể là biểu hiện gây lầm lẫn nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt không đều, đang lo lắng, căng thẳng hoặc dùng thuốc,… gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt;
  • Mệt mỏi: Đây là biểu hiện có thai khá phổ biến. Chị em thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức khi mang thai, đặc biệt trong 12 tuần đầu của thai kỳ. Trong thời kỳ đầu mang thai, nồng độ hormone progesterone trong cơ thể tăng vọt có thể khiến bạn buồn ngủ. Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể cũng khiến bạn mệt mỏi, nhạt miệng buồn nôn và dễ xúc động hơn;
  • Đau ngực: Khi mới mang thai, ngực của chị em có thể trở nên lớn hơn, có cảm giác căng tức giống như khi bước vào chu kỳ kinh nguyệt. Chị em cũng có thể cảm thấy đau râm ran ở ngực, các tĩnh mạch nổi rõ hơn, núm vú trở nên tối màu hơn, có hiện tượng rò rỉ sữa. Đây là biểu hiện do sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Cảm giác khó chịu này sẽ giảm sau vài tuần khi cơ thể thích ứng với sự thay đổi nội tiết tố;
  • Đi tiểu thường xuyên: Khi có thai, chị em có thể cảm thấy thường xuyên mắc tiểu hơn so với bình thường, kể cả vào ban đêm. Điều này là do lượng máu trong cơ thể tăng lên trong thai kỳ khiến thận lọc, thải nước tiểu nhiều hơn;
  • Táo bón: Sự thay đổi nội tiết tố khi bạn mang thai khiến hệ tiêu hóa hoạt động chậm lại, có thể gây táo bón;
  • Triệu chứng khác: Tăng tiết dịch âm đạo, trướng bụng, đầy hơi,…

Như vậy, đắng miệng, nhạt miệng buồn nôn là một trong những dấu hiệu mang thai. Việc nhận biết và xác định có thai càng sớm càng tốt để các thai phụ được chăm sóc trước sinh một cách tốt nhất.