Làm thế nào để vượt qua nỗi buồn vì nhớ người yêu cũ?

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video nhớ người yêu cũ phải làm sao

Gen Z có độ tuổi sinh từ năm 1997 đến 2012, theo nghiên cứu đây là thế hệ có nhiều mối lo nhất hiện nay. Đây là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng sự phát triển của Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh. Họ cũng là những người được tiếp xúc nhiều với các nội dung độc hại xuất hiện trên mạng xã hội cùng các hiện tượng quấy rối, bắt nạt.

So với các thế hệ đi trước, Gen Z không phải trải qua những khó khăn trong cuộc sống bằng nên đôi khi trước những sự việc không như mong muốn còn chưa biết cách phản ứng.

Theo báo cáo về nghiên cứu sức khỏe tinh thần của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, chỉ 45% Gen Z cho rằng sức khỏe tinh thần của họ tốt hoặc xuất sắc. Trong khi đó, tất cả các thế hệ khác đều có kết quả tốt hơn khi thực hiện nghiên cứu này. Bởi vậy, có quan điểm cho rằng Gen Z là “thế hệ lo âu”.

Vậy Gen Z đang làm thế nào để kiểm soát cảm xúc tiêu cực, chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình?

Tìm ra giá trị của bản thân

Lan Phương (20 tuổi) đã trải qua một vài mối tình. Cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, cô đã gặp phải nhiều thăng trầm cảm xúc, trong đó có cả sự tiêu cực. Tuy nhiên, qua đó Phương đã rút ra được nhiều bài học: “Điều tất yếu thể hiện thất bại của một mối tình là sự tiếc nuối của bản thân.

Sự dằn vặt và những câu hỏi “Làm thế nào để trở về như cũ?” cứ đeo bám mình mỗi đêm. Mình đã từng trốn tránh cảm xúc bằng cách tìm kiếm một tình yêu khác để lấp đầy cảm giác quen thuộc ấy. Thậm chí còn lên các ứng dụng hẹn hò để làm quen các chàng trai khác nhưng vẫn không có tác dụng.

Làm thế nào để vượt qua nỗi buồn vì nhớ người yêu cũ? - 1

Phương chia sẻ cô từng cố gắng tìm người mới chỉ để quên mối tình cũ nhưng đây không phải biện pháp đúng đắn (Ảnh: NVCC)

Sau khi trải qua bao vòng lặp, mình rút ra rằng: Buồn thì hãy cứ buồn và đặt “deadline” cho nỗi buồn ấy. Cố gắng hết sức để nỗi buồn ấy không chiếm hết thời gian để phát triển bản thân. Một điều quan trọng khác mình nhận ra là mình có bạn bè và quan trọng nhất là mình còn bản thân mình.

Để làm được, mình đã khám phá những sở thích của bản thân như móc len, vẽ vời, hay nhìn ngắm những thứ đẹp đẽ xung quanh. Một mình vi vu khắp phố phường Hà Nội, được ăn những món ăn do chính mình tìm ra, được trải nghiệm những nơi chỉ có mình mới biết, nghe có vẻ cô đơn nhưng rất tuyệt vời.

Bởi sau những chuyến đi, mình lại tìm được những điều mới mẻ. Đối với mình, điều này giống như một thành tựu vậy. Vì vậy, đâu cần ai bên cạnh cũng có thể vui. Chỉ cần mình nhận ra giá trị của bản thân và những ai xứng đáng nhận được giá trị ấy mà thôi”.

Ai cũng phải trải qua vài lần cảm giác buồn bã, mệt mỏi đến bất lực vì một lí do nào đó. Những người luôn lạc quan, yêu đời còn có những lúc cảm thấy muốn buông xuôi, gạt bỏ tất cả.

Ở độ tuổi đôi mươi có lẽ ai cũng từng có những trải nghiệm “để đời” trong cả tình bạn và tình yêu. Tuy nhiên, khi bạn nhận ra giá trị của mình, bạn sẽ thấy rằng bản thân xứng đáng với những điều tốt hơn thế và không đáng để buồn vì bất kì ai.

Đối mặt với sự thật và không trốn tránh

Khi xuất hiện cảm xúc không vui, chúng ta thường cố gắng đè nén với hy vọng hãy mau biến mất. Tuy nhiên, thực tế hành động này chỉ khiến những suy nghĩ tiêu cực đó khuếch đại lên. Vì vậy, thay vì né tránh hãy xác định và đối mặt với vấn đề khó khăn. Ta cần “dạy” cho bộ não phải “đối diện” chứ không được “trốn tránh”.

Huyền Chi (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền) có những chia sẻ về cách vượt qua cảm xúc tiêu cực khi còn học phổ thông: “Khoảng thời gian ôn thi đại học có thể nói là lúc mà mình phải đối mặt với nhiều cảm xúc tiêu cực nhất. Bạn bè xung quanh ai cũng cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất, chính vì vậy, mình lại càng có cảm giác bị tụt lại phía sau.

Cuối năm lớp 12, điểm thi thử vẫn lẹt đẹt khiến mình chỉ muốn bỏ cuộc, lo lắng đến mức mất ăn mất ngủ phải nhập viện. Đã từng có lúc mình định tìm đến bác sĩ tâm lý.

Làm thế nào để vượt qua nỗi buồn vì nhớ người yêu cũ? - 2

Huyền Chi vượt qua những cảm xúc tiêu cực nhờ việc viết nhật ký (Ảnh: NVCC).

Nhưng đến tháng cuối cùng, mình đã vượt qua nhờ việc viết nhật ký. Có lẽ mọi người sẽ thấy đây là cách kỳ cục nhưng thực chất lại vô cùng hiệu quả.

Mình đã viết ra những khó khăn khi học môn Tiếng Anh và mục tiêu đỗ vào ngôi trường yêu thích, thay vì trước đây mình luôn trốn tránh sự thật rằng đây là môn mình yếu và giấu dốt.

Sau khi thừa nhận điểm yếu bản thân, mình đã tìm được cách khắc phục và vô cùng tự tin, không còn những cảm xúc lo lắng, căng thẳng như trước”.

Chia sẻ cảm xúc

Nhiều người sợ rằng nếu nói với ai đó rằng mình đang lo lắng, tức giận, buồn… sẽ trở thành gánh nặng với họ, nhưng thực tế không phải vậy. Khi bạn nín nhịn 10 chuyện và đến chuyện thứ 11 bạn sẽ vỡ òa.

Lúc bế tắc nhất, hãy chia sẻ khó với những người bạn tin yêu, những ai bạn nghĩ có thể hiểu và cho bạn lời khuyên đúng đắn. Hãy nhớ rằng gia đình lúc nào cũng là bến đỗ, luôn dang rộng vòng tay đón bạn trở về.

Lan Chi (sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) tâm sự từ năm thứ nhất đại học đã “rục rịch” tìm kiếm những công việc làm thêm để có thêm trải nghiệm.

“Mình chưa từng nghĩ tìm kiếm việc làm thêm lại khó đến thế. Ngành mình học là kế toán – tài chính. Các công việc làm thêm liên quan đến mảng này không nhiều, cũng dễ hiểu vì sao các doanh nghiệp, công ty đều chỉ nhận các anh chị năm cuối hoặc đã ra trường.

Cuối cùng, mình đã tìm được 2 nơi phù hợp với bản thân. Lạ là, chỗ A thử việc được 1 tuần, đọc trên mạng xã hội thì mình phát hiện ra nơi này bị bóc phốt là lừa đảo, làm xong không trả tiền nên… mình chạy luôn.

Chỗ B thử việc trong 2 tuần nhưng cũng nhức đầu vì KPI bắt buộc phải nhập được ít nhất 2.000 chứng từ, hóa đơn trong 3 ngày. Mình xác định rằng “mình thua rồi”.

Khoảng thời gian đó mình vô cùng khủng hoảng, mình bắt đầu rơi vào trạng thái lửng lơ không trôi về đâu. Cảm xúc tiêu cực đấy đã quanh quẩn bám lấy mình trong suốt một thời gian dài khiến việc học tập bị ảnh hưởng khá nhiều, bản thân thì trở nên nhạy cảm.

Để vực dậy bản thân, mình bắt đầu sốc lại tinh thần bằng cách nghe Podcast của chị Chi Nguyễn, thầy Minh Niệm, anh Tun Phạm… để tìm lời khuyên.

Mính tâm sự với bố mẹ dù trước đây mình không bao giờ làm việc này vì sợ họ sẽ lo lắng và không hiểu được. Bố mẹ và mình tính cách cũng có phần trái ngược nên thường xuyên cãi nhau. Tuy nhiên, sau khi chia sẻ, mình đã nhận được những lời khuyên cực có ích. Bố mẹ và mình giờ đây cũng đã thân thiết hơn

Mình quyết định “xé nháp” quãng thời gian đen tối vừa rồi, hứa với bản thân phải cố gắng và nỗ lực hơn nữa”, Chi kể.

Hãy nhớ rằng những cảm xúc tiêu cực dù không đem lại sự dễ chịu nhưng ta có thể thay đổi khi biết cách phải làm gì với chúng. Nhà tư vấn tâm lý Jason Giove nói rằng: “Đừng xem những cảm xúc tiêu cực như một cơn bão mà bạn phải luôn trèo lái. Thay vào đó hãy xem chúng như chiếc la bàn chỉ dẫn bạn đi đúng hướng”.

Buồn bã, lo lắng, căng thẳng, tức giận… là trạng thái cảm xúc bất cứ ai trong chúng ta cũng phải trải qua. Tuy nhiên, làm như nào để đón nhận cũng như vượt qua mới là điều quan trọng, đặc biệt đối với “thế hệ lo âu” Gen Z.

Thay vì giữ mãi những cảm xúc tiêu cực hãy biến nó thành kinh nghiệm, động lực khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Vấp ngã trong quá khứ chính là tiền đề thành công trong tương lai.