Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7 và những giai điệu không thể nào quên

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video nhung bai hat ve ngay 27 thang 7

Tháng 7 trong lòng người dân Việt Nam gắn liền với ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7, ngày cả nước nghiêng mình tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống và cả những người còn sống nhưng mang những vết thương không thể lành để đem lại nền độc lập cho dân tộc.

Những năm tháng hào hùng không thể nào quên ấy được ghi dấu trong ký ức, trong sử sách, trong những hiện vật lịch sử, và đặc biệt, trong những giai điệu “đi cùng năm tháng,” viết về những tấm gương đã anh dũng hy sinh trong thời chiến, và những cựu chiến binh vẫn đang tiếp tục sống như những tấm gương trong thời bình.

1. “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”- nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn

Một bản anh hùng ca rất đặc biệt, với những giai điệu không mang tính chất mạnh mẽ, hào hùng mà sâu lắng thiết tha, mượt mà pha chút nghẹn ngào khi tưởng nhớ người con gái đất đỏ đã hy sinh anh dũng khi chưa đầy 20 tuổi để “cho mùa hoa lêkima nở.”

Người con gái hiện lên trong ca khúc như một mùa Xuân đẹp đẽ mà kiên cường, hiên ngang đối đầu với quân thù, ra đi anh dũng, để rồi mỗi khi những bông hoa lêkima nở, chị lại trở về trong tiếng hát, lời ca, vĩnh viễn bất tử trong trái tim những người dân miền đất đỏ.

2. “Cỏ non thành cổ” – nhạc sỹ Tân Huyền

Về ca khúc này, nhạc sỹ Tân Huyền từng nói: “Tôi đến Thành cổ Quảng Trị vào một buổi sáng mùa Xuân đẹp trời. Trên cao, những đám mây trắng bồng bềnh trôi. Dưới mặt đất, những thảm cỏ non xanh rờn trải rộng. Khi đến nhà lao Quảng Trị… vẫn cỏ non xanh như thế.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập đi cùng tôi cất tiếng: ‘Anh Huyền ơi, dưới thảm cỏ này là máu xương của chiến sỹ ta đã đổ xuống trong 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ, anh nên viết một bài hát về quá khứ chiến tranh hào hùng và khốc liệt.’

Trong tôi chợt bật lên giai điệu đầu tiên của bài hát: Cỏ non Thành cổ, một mầu xanh non tơ. Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa… Nào có ai ngờ, nơi đây một thời máu đổ. Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về…”

3. “Màu hoa đỏ” – nhạc sỹ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu

Đằng sau mỗi bản anh hùng ca là một nỗi đau đớn khôn nguôi của người ở lại. Người chiến sỹ năm ấy ra đi và rồi từ đó không về, để lại nơi quê nhà người mẹ già bạc tóc vì thương con.

Lời bài hát rất ngắn, chưa đến 100 chữ, như nỗi đau cô đọng của những người mẹ vẫn đang khắc khoải ngóng tin con.

Nhưng trên tất cả, đó vẫn là niềm tin về ngày chiến thắng qua màu hoa đỏ đang rực rỡ một góc rừng xa, khắc ghi máu xương của những người chiến sỹ đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc.

4. “Người mẹ của tôi” – nhạc sỹ Xuân Hồng

Trong chiến tranh, đã có biết bao cuộc chia ly, đã có biết bao người mẹ dứt ruột nói lời chia tay để những đứa con mình hết mực yêu thương bước vào chiến trường khói lửa.

Để rồi sau này, đâu đó trên khắp đất nước, có những bóng lưng đang lặng lẽ thắp nén hương cho một người con, cho nhiều người con đã vĩnh viễn không thể trở về.

Ra đời vào năm 1989, khi đất nước đã hòa bình, bài hát là lời biết ơn vô hạn của hàng triệu người con Việt Nam dành cho những người mẹ anh hùng ấy.

5. “Vết chân tròn trên cát” – nhạc sỹ Trần Tiến

May mắn hơn những người đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường, có những người thương binh trở về quê hương với một cơ thể không lành lặn, nhưng tâm hồn vẫn vẹn nguyên ý chí chiến đấu và nỗi khát khao về một cuộc sống tươi đẹp hơn cho mình và cho thế hệ mai sau.

Đó là câu chuyện giàu cảm xúc về một người thương binh đang ngày ngày chống nạng đến trường dạy nhạc cho những đứa trẻ lớn lên trong hòa bình, để chúng hiểu và không lãng quên về một thời hào hùng của cha ông.

6. “Cô gái mở đường” – nhạc sỹ Xuân Giao

Những nữ Thanh niên Xung phong một thời đã là nguồn cảm hứng cho biết bao nghệ sỹ.

Bước chân vào cuộc chiến tàn khốc, họ hy sinh tuổi trẻ tươi đẹp của mình không chút đắn đo, chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ mà vẫn luôn luôn lạc quan yêu đời, điểm tô cho hiện thực khốc liệt bằng những tiếng hát vui tươi.

Bài hát với giai điệu rộn rã, ca từ đẹp đẽ đã lưu lại những khoảnh khắc thanh xuân anh hùng của một thời không thể nào quên.

7. “Tình ca” – nhạc sỹ Hoàng Việt

“Tình ca” là ca khúc đã từng luôn xuất hiện ở mọi cuộc thi hát, với giai điệu hào hùng đưa người nghe trải dài trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, từ núi cao cho đến biển sâu.

Ca khúc ghi dấu ấn của một thời oanh liệt, khi tình yêu đôi lứa pha trộn với chất anh hùng, tạo nên những mối tình vượt không gian, vượt thời gian, và vượt qua mọi phong ba bão táp để cập bến bờ hòa bình của một tương lai không xa./.