Top 12 phim Việt kinh điển: Sống lại thời vàng son!

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video những bộ phim việt nam hay nhất thập niên 90

Nhân điện ảnh Việt Nam đang… phục sinh tại rạp chiếu từ Tết tới giờ, với 25 ngày liên tục Nhà bà Nữ trụ vững ở vị trí số 1, tiếp nối Chị chị em em 2 và sau đó là Vong nhi, tôi nghĩ nên làm một cái list về niềm tự hào phim Việt Nam.

Top 12 phim dưới đây, nằm trong danh mục “Top phim Việt kinh điển: Sống lại thời vàng son” có trên Galaxy Play – hy vọng sẽ mang lại cho các bạn những cái nhìn tích cực về điện ảnh Việt Nam trải dài qua 4 thập niên, từ những năm 80 của thế kỷ trước đến những năm gần đây.

Đã có một thời, những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam lan tỏa từ thành thị đến nông thôn, từ những rạp chiếu bóng quốc doanh đến những bãi chiếu phim công cộng. Đã có một thời, trong ký ức tuổi thơ của tôi, mỗi tập phim của Ván bài lật ngửa là một cơn sốt của điện ảnh Việt, khiến nhà nhà người người phải đổ xô đếp rạp hay bãi chiếu bóng công cộng để xem.

Nhà bà Nữ mới công bố kỷ lục vượt 5 triệu vé. Nhưng theo tôi biết qua những cuộc khảo cứu và phỏng vấn khi thực hiện cuốn 101 Phim Việt Nam Hay Nhất, mỗi tập của Ván bài lật ngửa hay Biệt động Sài Gòn thu hút không dưới 10 triệu lượt người xem.

fb-img-1678458977909-1678459146.jpg

Trong thời hoàng kim của điện ảnh Việt Nam thập niên 80, ngoài hai loạt phim dài tập nói trên (Ván bài lật ngửa 8 tập và Biệt động Sài Gòn 4 tập), còn có những bộ phim về đề tài chiến tranh lấy bối cảnh miền Tây Nam bộ mà bộ ba phim của đạo diễn Hồng Sến từ lâu đã trở thành kinh điển, bao gồm Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang và Mùa nước nổi. Hồi đó, chắc bác Hồng Sến cũng chưa biết đến khái niệm “trilogy” (một bộ ba phim có cùng chủ đề mang đậm dấu ấn hoặc phong cách của tác giả), nhưng với tôi, đây thực sự là một trilogy đậm chất nguyên bản với đề tài chiến tranh với bối cảnh sông nước miền Tây qua diễn xuất của những tên tuổi ngày trước như Lâm Tới, Lý Huỳnh, Thúy An, Thương Tín…

Thập niên 80 với âm hưởng anh hùng ca về chiến tranh Việt Nam – dù nó được kể qua góc nhìn của những thiếu niên dũng cảm – kết thúc với Tuổi thơ dữ dội (1989) của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Phùng Quán. Bộ phim này cũng phát hiện ra một gương mặt mới – Lê Công Tuấn Anh – người trở thành ngôi sao nam sáng giá nhất trong dòng phim mang hơi hướng giải trí, sau này thường được gọi là phim “mì ăn liền” của thập niên 90, đặc biệt là qua hai bộ phim thành công bậc nhất là Vị đắng tình yêu (1990) và Vĩnh biệt mùa hè (1992).

fb-img-1678458987385-1678459146.jpg

Sự thành công của loạt phim giải trí đầu thập niên 90 khiến điện ảnh Việt phát triển hưng thịnh và cũng thu hút nhiều đạo diễn hải ngoại về nước làm phim. Từ đây, một dòng phim “hương xa” mang tính nghệ thuật với chủ đề hoài niệm về văn hóa và con người Việt Nam được tái hiện qua những bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng, Lưu Huỳnh và sau này một chút là Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Leon Le…

Với tôi, đó là những bộ phim mang đậm giá trị nguyên bản của Việt Nam. Năm ngoái, khi tuyển chọn để giới thiệu tại Tuần phim Việt tại Lavelle Academy (TPHCM) hay sau đó là Tuần Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên tại Washington DC (Mỹ), tôi đã viết trong phần giới thiệu như sau:

“Giá trị nguyên bản đó là gì? Là một câu chuyện thấm đẫm hương vị Việt Nam được kể lại bằng điện ảnh. Là khi một giai điệu (âm nhạc) cất lên, một hình ảnh được phóng chiếu lên màn ảnh khơi gợi nỗi hoài nhớ về một nơi chốn, một quá khứ tươi đẹp, là ta đã kịp nhận ra đó là Việt Nam chứ không đâu khác.

Giống như đạo diễn Trần Anh Hùng từng kể lại trong một cuộc phỏng vấn, anh bắt đầu thực hiện Mùi đu đủ xanh bằng những ký ức tuổi thơ tại Việt Nam với những làn gió thổi mơn man trong một buổi chiều hè nóng nực của miền Trung Việt Nam, tiếng vo ve của côn trùng và hương thơm của mùi quả chín rụng dưới góc cây. Và đó cũng là cảm hứng để anh tạo nên bộ phim đầu tay về đề tài Việt Nam đẹp như một giấc mơ trong tiềm thức ấy.

fb-img-1678458995030-1678459146.jpg

Đó cũng có thể là những hồi ức & chiêm nghiệm của lão Kìm về một cuộc sống hoang dã, nổi trôi bất định và sự lặp lại bất tận của những phận người ở vùng sông nước miền Tây trong Mùa len trâu (Buffalo Boy) được đúc rút của cả một thời mới lớn đi len trâu du thủ du thực: “Cả đời tôi sống ở đây. Cà Mau hai mùa mưa nắng. Mùa mưa, nước phủ trùm lên tất cả. Cỏ và nhà. Người và trâu. Tới mùa khô, tôi chỉ nhớ được mùi đất, mùi của những rũ mục để lại từ nước…”

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã dùng ngôn ngữ điện ảnh giàu sức mạnh thị giác để tái hiện lại một khung cảnh kì vĩ của vùng sông nước Nam bộ được nhà văn Sơn Nam kể lại trong Hương rừng Cà Mau mà anh lấy làm chất liệu và cảm hứng để sáng tạo nên bộ phim đặc sắc này: “Trâu lội vài trăm con, đen đồng, đặc nước, giống như hồi thiên địa sơ khai, càn khôn hỗn độn.

Đó, cũng là thể là lời tự sự trầm buồn của Dũng ‘Thiên Lôi’ được mở ra ngay từ đoạn voice-over của Song Lang về một thời tươi đẹp đã vĩnh viễn mất đi: “Ngày xưa, ba tôi thường nói, đối với ông, chiếc Song Lang là cụ tổ của nghề hát. Nó không chỉ để giữ tiết tấu, nhịp điệu cho lời ca, tiếng đàn mà nó còn là âm thanh nhịp sống, nhắc nhở chúng ta theo đó để giữ gìn khuôn khổ đạo đức của một người nghệ sĩ. Nhưng, từ lâu rồi, cuộc đời của tôi đã không còn vang lên những âm thanh này nữa”…

fb-img-1678459010849-1678459146.jpg

12 bộ phim Việt Nam trải dài trong 4 thập kỷ – dù chưa đầy đủ để giới thiệu về những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau – nhưng có lẽ cũng đủ để giúp khán giả được sống lại những ký ức của một thời vàng son.

Xin mời các bạn cùng bước lên 12 chuyến tàu để ngược thời gian về quá khứ:

1. Ván bài lật ngửa (Đạo diễn Khôi Nguyên a.k.a Lê Hoàng Hoa)

2. Mùa gió chướng (Đạo diễn Hồng Sến)

3. Mùa nước nổi (Đạo diễn Hồng Sến)

4. Tuổi thơ dữ dội (Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn)

5. Vị đắng tình yêu (Đạo diễn Lê Xuân Hoàng)

6. Vĩnh biệt mùa hè (Đạo diễn Lê Hoàng Hoa)

7. Áo lụa Hà Đông (Đạo diễn Lưu Huỳnh)

8. Trăng nơi đáy giếng (Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn)

9. Mùi đu đủ xanh (Đạo diễn Trần Anh Hùng)

10. Mùa hè chiều thẳng đứng (Đạo diễn Trần Anh Hùng)

11. Mùa len trâu (Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh)

12. Song lang (Đạo diễn Leon Le).

Nguồn: Lê Hồng Lâm

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbid02DoJfNBJVJVo87zfr3L2pt652joJZ77xeh98vZNhSnkp9dsZhQ9MqjK2S8r7ErxvPl&id=1395810416&mibextid=Nif5oz