Nếu có nợ xấu thì mở thẻ tín dụng được không? Hướng dẫn cách xóa nợ xấu

Video nợ xấu có làm thẻ tín dụng được không

Bạn muốn mở thẻ tín dụng nhưng lại đang có nợ xấu. Và một trong những câu hỏi phổ biến mà nhiều người đặt ra là liệu có thể mở thẻ tín dụng khi có nợ xấu hay không. Tìm hiểu ngay thông tin này qua bài viết dưới đây của TPBank.

1. Nợ xấu là gì? Phân loại nhóm nợ xấu được tính như thế nào?

Nợ xấu là một thuật ngữ để chỉ những khoản nợ mà người vay không thể trả đầy đủ hoặc không thể trả đúng hạn như theo thỏa thuận trong hợp đồng với ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến nợ xấu như thất nghiệp, đau ốm, bệnh tật và những khó khăn hoặc rủi ro không mong muốn khác.

Nợ thường được phân loại thành một số nhóm với mức độ khác nhau dựa trên thời hạn chậm trễ trả nợ cũng như khoản nợ đã vay. Dưới đây là các nhóm phân loại nợ thường gặp:

Có nhiều nguyên nhân khiến bạn có nợ xấu như thất nghiệp, bệnh tật và những khó khăn không mong muốn khác

Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn

Những người đi vay chậm thanh toán trong khoảng thời gian dưới 10 ngày sẽ nằm trong nhóm nợ tiêu chuẩn. Tuy trả chậm nhưng nhóm này sẽ có đủ khả năng thanh toán đầy đủ khoản vay cả gốc và lãi.

Nhóm 2: Nợ cần lưu ý

Nhóm này gồm những người vay vẫn có khả năng thanh toán, nhưng thời gian chậm trả nợ sẽ dài hơn từ 10 đến 90 ngày. Người vay cần lưu ý và cố gắng thanh toán đầy đủ cho ngân hàng để tránh ảnh hưởng đến điểm tín dụng.

Đọc thêm: Tất cả thông tin về điều kiện mở thẻ tín dụng tại ngân hàng mà bạn cần biết.

Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn

Với nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, thời gian quá hạn thanh toán sẽ từ 90 đến 180 ngày. Khả năng không thể trả được đầy đủ khoản vay là tương đối cao.

Nhóm 4: Nợ nghi ngờ mất vốn

Với thời gian chậm thanh toán lên tới 180 đến 360 ngày, người vay trong nhóm này có nghi ngờ rất cao về khả năng không thể thu hồi khoản nợ.

Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn

Đây là nhóm nợ xấu được coi là rủi ro cao nhất đối với người cho vay và thường không có cơ hội thu hồi nợ khi thời gian quá hạn thanh toán đã quá 360 ngày.

Như vậy, chỉ những người vay thuộc nhóm 3,4,5 mới được xem là có nợ xấu. Nếu nợ của bạn rơi vào 3 nhóm này thì sẽ khó được cho vay cũng như mở thẻ tín dụng trong tương lai.

Nợ sẽ được phân loại thành các nhóm với mức độ nghiêm trọng khác nhau

2. Giải đáp thắc mắc: Nợ xấu có thể mở thẻ tín dụng được hay không?

Một trong những thắc mắc phổ biến liên quan đến nợ xấu là khả năng mở thẻ tín dụng. Có phải người có nợ xấu sẽ không thể mở thẻ tín dụng hay không? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây:

– Quy định của các ngân hàng và tổ chức tín dụng: Mỗi tổ chức tín dụng sẽ có quy định và tiêu chí riêng khi xem xét việc cấp thẻ tín dụng. Một số nơi có thể từ chối cấp thẻ tín dụng cho những người có nợ xấu vì họ coi đó là rủi ro cao.

– Mức độ nghiêm trọng của nợ xấu: Nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến khả năng mở thẻ tín dụng của bạn. Tuy nhiên, không phải tất cả những người có nợ xấu đều không thể làm thẻ tín dụng. Các tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng sẽ xem xét mức độ nghiêm trọng của nợ xấu và quyết định xem có nên cho bạn làm thẻ tín dụng hay không.

– Những yếu tố quan trọng khác: Ngoài nợ xấu, còn có một số yếu tố khác mà các tổ chức tín dụng quan tâm bao gồm lịch sử tín dụng, thu nhập hàng tháng và khả năng thanh toán hiện tại. Điều này có nghĩa rằng người có nợ xấu vẫn có cơ hội mở thẻ tín dụng nếu đáp ứng được những tiêu chí này.

Nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến khả năng mở thẻ tín dụng của bạn

3. Hướng dẫn cách xóa nợ xấu từ TPBank

Cách tốt nhất để có thể được mở thẻ tín dụng một cách dễ dàng và thuận lợi là bạn hãy tìm cách xóa nợ xấu trước khi làm thẻ. Sau đây là những gì bạn cần làm để không còn nợ xấu:

– Thỏa thuận với ngân hàng: Trước hết, bạn hãy liên hệ với ngân hàng mà bạn đang nợ và thỏa thuận với họ về việc thanh toán nợ. Bạn nên hỏi rõ ngân hàng về số tiền cần thanh toán cũng như thời hạn để hoàn tất việc trả nợ.

– Thanh toán nợ đầy đủ và đúng hạn: Đây là cơ hội tốt để bạn thoát khỏi nợ xấu bằng cách đảm bảo trả nợ theo đúng những gì đã thỏa thuận với ngân hàng. Sau khi đã thanh toán nợ, bạn đừng quên yêu cầu ngân hàng cung cấp cho bạn một bản sao hóa đơn thanh toán làm bằng chứng.

– Cập nhật thông tin với CIC: CIC là Trung tâm tín dụng Quốc gia Việt Nam. Thông tin nợ xấu của khách hàng sẽ được lưu trên hệ thống CIC tối đa 5 năm, hoặc cho đến khi ngân hàng báo cáo khoản nợ đã được tất toán. Do vậy, sau khi đã hoàn thành việc thanh toán nợ, bạn cần yêu cầu ngân hàng thông báo cho CIC để cập nhật thông tin của bạn trên hệ thống. Để thực hiện điều này, bạn cần cung cấp bản sao hóa đơn thanh toán và thông tin cá nhân cho ngân hàng để họ gửi tới CIC.

– Theo dõi tình trạng lịch sử tín dụng: Điều này giúp đảm bảo rằng các thông tin liên quan đến nợ xấu của bạn trên CIC đã được xóa bỏ hoàn toàn.

Bạn nên cố gắng xóa nợ xấu trước khi làm thẻ tín dụng

Tóm lại, việc có nợ xấu có thể ảnh hưởng đến khả năng mở thẻ tín dụng của bạn, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ hoàn toàn không thể mở thẻ. Tùy vào quy định của từng ngân hàng cũng như mức độ nghiêm trọng của khoản nợ mà bạn có thể được xem xét để làm thẻ tín dụng. Và tốt nhất, bạn hãy cố gắng xóa nợ xấu để có thể dễ dàng vay tiền cũng như mở thẻ tín dụng.

Nếu bạn có nhu cầu mở thẻ tín dụng hoặc các loại thẻ khác, bạn có thể tìm chọn các sản phẩm thẻ của TPBank. TPBank cung cấp đa dạng các loại thẻ với các chức năng, ưu đãi và đặc quyền vô cùng hấp dẫn và độc đáo. Gọi ngay đến Hotline 1900 5858 85/ 1900 6036 của TPBank để được tư vấn và chọn loại thẻ phù hợp bạn nhé.