Thủ tục khi chuyển nơi đăng ký thường trú sang nhà mới

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hiện nay

Tôi độc thân, nên hộ khẩu của tôi vẫn chung với bố mẹ quê ở tỉnh Hà Giang. Tôi mới mua 1 căn hộ ở TP.HCM. Vậy tôi có thể tách khẩu, không chung với bố mẹ nữa mà chuyển sang đăng ký thường trú ở nhà mới được không? Thủ tục ra sao?

Việc tôi từ bỏ hộ khẩu ở tỉnh Hà Giang, liệu có ảnh hưởng gì đến quyền lợi như đất đai được nhà nước cấp cho hộ gia đình mà bố mẹ tôi đang đứng tên trên sổ đỏ không? Tôi nên làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?

Bạn đọc Ngô Tiến.

Luật sư tư vấn

Luật sư Tô Thị Bích Liên, Công ty luật TNHH Đại Việt tư vấn, theo khoản 3, điều 38, luật Cư trú, sổ hộ khẩu giấy chỉ có giá trị đến hết ngày 31.12.2022. Hiện nay, nếu người dân làm các thủ tục liên quan đến xác nhận cư trú làm thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu thì sổ hộ khẩu sẽ bị thu hồi lại.

Theo quy định, không có việc “tách khẩu” mà chỉ có “tách hộ”. Tức là thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp, còn trường hợp bạn thì không phải là tách hộ.

Luật sư Tô Thị Bích Liên

Công dân có chỗ ở hợp pháp, thuộc quyền sở hữu của mình, thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở đó (điều 20 luật Cư trú). Việc bạn đã mua căn hộ ở TP.HCM, thì hoàn toàn có thể chuyển nơi đăng ký thường trú từ tỉnh Hà Giang đến TP.HCM, tại địa chỉ căn hộ mới.

Theo điều 21 luật Cư trú và điều 5 Nghị định 62 năm 2021, thủ tục để đăng ký thường trú gồm: tờ khai thay đổi thông tin cư trú; giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (hợp đồng mua nhà ở…).

Sau đó, bạn nộp hồ sơ trực tiếp tại công an cấp xã nơi đăng ký thường trú mới, hoặc nộp hồ sơ online qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Công an cấp xã kiểm tra tính pháp lý và nội dung của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và cấp phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả cho bạn. Từ đó, công an cấp xã nơi đăng ký thường trú mới sẽ cập nhật thông tin cư trú của bạn vào cơ sở dữ liệu về cư trú.

Riêng đối với tài sản là đất đai, mà nhà nước cấp cho hộ gia đình, thì theo khoản 29 điều 3 luật Đất Đai: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung, và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Như vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang đứng tên bố mẹ bạn, nhưng được cấp cho hộ gia đình, thì nó sẽ là tài sản chung của các thành viên trong hộ. Khi có sự thay đổi liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung (như chuyển nhượng thửa đất này cho người khác) thì phải có sự thỏa thuận của các thành viên trong hộ.

Do đó, việc bạn chuyển nơi thường trú tới TP.HCM không ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản của bạn.