Nghiên cứu Quốc tế

Đến nay, kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ sau cuộc đột kích của nhóm chiến binh Hồi giáo ngày 07.10.2023, đã khiến ít nhất 2.400 người thiệt mạng và gần 10.000 người bị thương. Sau cú sốc ban đầu, Israel giờ đây đang dồn toàn lực để tung đòn đáp trả khốc liệt vào Dải Gaza, khiến mảnh đất nhỏ bé nằm trong khu vực Trung Đông một lần nữa chìm trong lửa đạn tang thương. Nguyên cớ là điều dễ nhận ra, nhưng căn nguyên mới là căn bản.

1. Dải Gaza – mảnh đất thiêng nằm trong khu vực Trung Đông

Trung Đông là thuật ngữ chỉ bộ phận khu vực từ phía đông và phía nam Địa Trung Hải đến ven sát bờ vịnh Ba Tư. Về địa lí, Trung Đông bao gồm Tây Á (trừ Ngoại Kavkaz) và Ai Cập, là khu vực nối liền giữa châu Phi và lục địa Á – Âu. Khu vực này được hiểu bao gồm 17 quốc gia, có diện tích khoảng 7,2 triệu km2 và dân số khoảng 371 triệu người. Các nước Trung Đông bao gồm: Arabia Saudi, Iran, Iraq, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman, Qatar, Bahrain, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Palesstine, Syria, Lebannon, Jordan, Yemen, Cyprus và Ai Cập.

Bản đồ khu vực Trung Đông

Dải Gaza dài 40 km và rộng khoảng 14 km, được bao quanh bởi Israel, Ai Cập và biển Địa Trung Hải. Vùng đất này từng nằm dưới sự cai trị của đế chế Ottoman và sau đó là đế quốc Anh. Dải Gaza đã trở thành nơi tị nạn của hơn 200.000 người Palestine, phải rời bỏ quê hương sau Chiến tranh Ả Rập – Israel năm 1948. Ai Cập cai trị Gaza cho tới khi khu vực này rơi vào tay của Israel trong cuộc Chiến 6 ngày 1967. Năm 2005, Israel rút quân khỏi Gaza, từ bỏ các khu định cư cho người Israel.

Khu vực Dải Gaza

Trong khoảng một thập kỷ, cho đến năm 2006, dải Gaza nằm dưới sự quản lý của cơ quan quyền lực Palestine, cơ quan này cũng quản lý Bờ Tây Jordan. Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) với nòng cốt là phong trào Fatah, đã chi phối mạnh mẽ cơ quan quyền lực Palestine và đã ký một thỏa thuận hòa bình với Israel. Tháng Giêng năm 2006, Hamas chiếm được đa số trong cuộc bầu cử lập pháp. Phong trào Hamas (“Harakat al-Muqawama al-Islamiya” – “Phong trào kháng chiến Hồi giáo”) được thành lập vào cuối năm 1987. Mục tiêu tuyên bố của Hamas là tiêu diệt Nhà nước Israel và thành lập một nhà nước Ả rập trên tất cả các lãnh thổ lịch sử của Palestine được hoạch định trước năm 1948. Hamas đưa ra khẩu hiệu “Allah là mục tiêu, Nhà tiên tri Muhammad là hình mẫu, Kinh Koran là hiến pháp, Thánh chiến là con đường duy nhất và được chết vì Allah là sự thể hiện lòng trung thành”. Vì những lý do đó, Hamas khước từ mọi giải pháp hòa bình, không công nhận nhà nước Israel.

Vốn không thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái cùng tư tưởng chống Israel cực đoan, Hamas đã xung đột với Fatah. Và đến năm 2007, Hamas rút sang Gaza. Israel tuyên bố đây là “thế lực thù địch”, đồng thời áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm cắt điện, hạn chế nhập khẩu và ban hành lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới với lý do “bảo vệ người dân của mình”. Kể từ đó, các cuộc đối đầu đẫm máu liên tiếp xảy ra giữa Israel và Hamas ở Gaza. Trong khi Hamas kiểm soát an ninh ở Gaza, nguồn tài trợ cho y tế, năng lượng và các dịch vụ khác chủ yếu đến từ Liên Hiệp quốc và các nước ngoài, trực tiếp hoặc thông qua chính quyền Palestine.

Trước khi xảy ra giao tranh ngày 07.10.2023, lần gần nhất hai bên xảy ra xung đột toàn diện là vào năm 2021. Sau nhiều tuần leo thang đối đầu ở thủ đô Jerusalem của Israel, trong đó có vụ lực lượng an ninh Israel đột kích vào khu phức hợp nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem. Đây là một trong những thánh địa linh thiêng của đạo Hồi. Khi đó, cảnh sát Israel đụng độ với người Palestine ở Al-Aqsa, dẫn đến việc Hamas bắn một loạt tên lửa vào Israel. Đáp lại, Israel phát động chiến dịch không kích khiến hơn 250 người ở dải Gaza thiệt mạng. Giao tranh năm 2021 kết thúc sau 11 ngày với lệnh ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian.

2. Căn nguyên dẫn đến chiến sự bùng nổ trên dải Gaza

Sau lệnh ngừng bắn 2021 được 1 năm, vào cuối năm 2022, tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập nhóm, các lãnh đạo của Hamas đã dự đoán về một “cuộc đối đầu công khai” với Israel vào năm 2023. Ngày 01.10.2023, có khoảng 250 người Do Thái tràn vào thánh đường của những người Hồi giáo, đây được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự bùng nổ xung đột tại dải Gaza.

Các tín đồ Do Thái cực hữu xông vào đền Al-Aqsa ở Đông Jerusalem vào ngày 4.10.2023. Ảnh: Anadolu

Cáo buộc hành vi “xúc phạm” nhà thờ Al-Aqsa từ phía Israel, ngày 7.10.2023, Tổ chức vũ trang Hamas đã tiến hành tấn công quân sự lớn nhất vào Israel trong những năm gần đây với tên gọi “Chiến dịch Bão Al-Aqsa”. Hamas đã phóng khoảng 5.000 quả rocket vào các thành phố Israel, đồng thời tổ chức nhiều mũi xâm nhập sâu vào lãnh thổ đối phương bằng đường biển, đường bộ và dù lượn. Lãnh đạo nhóm tuyên bố hôm nay là ngày khởi đầu “cuộc chiến lớn nhất để chấm dứt tình trạng chiếm đóng” ở Palestine.

Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa (phía Israel gọi là Núi Đền ở Đông Jerusalem) là một trong những địa điểm linh thiêng bị tranh chấp khốc liệt nhất trên thế giới. Đáp lại các cuộc tấn công của Hamas, Israel tuyên bố sẽ hủy diệt Hamas và Dải Gaza một lần nữa lại chìm trong lửa đạn tang thương. Nguyên cớ đã rõ ràng, nhưng đâu là căn nguyên sâu xa dẫn đến sự xung đột dai dẳng và đẫm máu này?

Một là, Thỏa thuận Oslo không được thực hiện trên thực tế.

Hiệp ước hòa bình Oslo là một hiệp định giữa Chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO): Hiệp định Oslo I, ký kết tại Washington, DC, năm 1993 và Hiệp định Oslo II, ký tại Taba, Ai Cập, vào năm 1995. Hiệp định Oslo đánh dấu bước khởi đầu của tiến trình Oslo, một tiến trình hòa bình nhằm đạt được một hiệp ước hòa bình dựa trên các Nghị quyết 242 và 338 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, và để hoàn thành “quyền của người dân Palestine đối với việc tự quyết”. Tiến trình Oslo bắt đầu sau các cuộc đàm phán bí mật ở Oslo, dẫn đến sự công nhận của PLO đối với Nhà nước Israel và sự công nhận của Israel đối với PLO là đại diện của người dân Palestine và là một đối tác trong các cuộc đàm phán.

Lãnh thổ Israel – Palestine hiện nay (trái) và do Liên Hợp Quốc đề xuất năm 1947.

Đồ họa: Việt Chung

Tuy nhiên, trên thực tế, giải pháp 2 Nhà nước (Israel và Palestine) cùng tồn tại không được thực thi. Nhà nước Palestine cho đến nay vẫn chưa được công nhận, trong khi Israel với tiềm lực của mình cùng sự hậu thuẫn từ nước ngoài đã không ngừng mở rộng lãnh thổ và chiếm đóng tới 78% diện tích tranh chấp với Palestine. Không những thế, Israel còn cho xây dựng khoảng 160 khu định cư và đưa khoảng 1 triệu người sang sinh sống tại khu vực tranh chấp. Mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo đan xen giữa người Hồi giáo và người Do Thái đã tồn tại dai dẳng từ lâu đời đã thổi bùng ngọn lửa xung đột mà đỉnh cao là ngày 07.10.2023, Hamas đã bắn hơn 5.000 quả rocket, vượt qua lưới lửa phòng không được ví như “vòm sắt” bất khả xâm phạm vào lãnh thổ của người Israel.

Hai là, Liên Hợp quốc mờ nhạt, trong khi Mỹ với vai trò trung gian nước lớn lại thiếu công bằng và thể hiện sự thiên vị với Israel.

Như đã nêu ở trên, mặc dù đã có nhiều Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc được thông qua với các nội dung: Kêu gọi ngừng bắn; coi việc xây dựng khu tái định cư của người Israel là bất hợp pháp… Tuy nhiên, trên thực tế các Nghị quyết này thường bị phớt lờ hoặc không được thực thi nghiêm túc đã cho thấy vai trò mờ nhạt của Liên Hợp quốc trong việc xử lý xung đột tại khu vực Trung Đông và dải Gaza.

Trong bối cảnh đó, quan điểm của Mỹ với vai trò trung gian hòa giải lại thể hiện lập trường thiếu nhất quán, không công bằng và thiên vị đối với Israel. Chẳng hạn, trong thời kỳ Tổng thống D.Trump cầm quyền, chính quyền Mỹ đã công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel (12.2018) và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tenavid về đặt tại đây. Đồng thời, công nhận vùng tranh chấp tại Cao nguyên Goland mà Israel chiếm đóng là thuộc lãnh thổ của nước này (3.2019). Với những quyết định trên, đã khiến bạo loạn đẫm máu nổ ra tại đây và hơn 2.000 người đã thiệt mạng.

Gần đây nhất, ngày 18.10.2023 vừa qua, Mỹ đã phủ quyết Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc kêu gọi Israel cho phép mở các hành lang nhân đạo vào Gaza, tạm dừng giao tranh và bỏ yêu cầu dân thường rời Bắc Gaza. Nghị quyết do Brazin soạn thảo đã được 12 trong số 15 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc ủng hộ trong khi Anh và Nga bỏ phiếu trắng.

Thảm cảnh của người Plestine khi Israel tấn công vào dải Gaza.

Ảnh: Guardian

Ba là, tư tưởng cực hữu bao trùm trong bộ máy chính quyền đương nhiệm của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Tư tưởng cực hữu trong bộ máy chính quyền đương nhiệm của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã được thể hiện từ lâu thông qua việc không thừa nhận và ngăn cản việc xây dựng một nhà nước Palestine độc lập. Tư tưởng đó được đẩy lên đỉnh cao sau sự kiện ngày 07.10.2023, khi Hamas tiến công quân sự vào lãnh thổ của Israel, chính quyền của Thủ tướng B.Netanyahu đã tuyên bố sẽ hủy diệt Hamas khiến chiến sự ngày càng trở nên khốc liệt. Tư tưởng đó đã khiến chiến sự bùng phát và leo thang.

Dòng tiêu đề “Thất bại tháng 10 năm 2023” trên tờ nhật báo bán chạy nhất Israel Yedioth Ahronoth, nhằm gợi lại sự thất bại của Israel trong việc lường trước một cuộc tấn công kép của Ai Cập và Syria vào tháng 10.1973 vốn đã khiến Thủ tướng khi đó là Golda Meir phải từ chức. Theo đó, Amotz Asa-El, nhà nghiên cứu tại Viện Shalom Hartman ở Jerusalem, đã dự đoán số phận tương tự đối với ông Netanyahu và Đảng Likud bảo thủ, vốn đã thống trị chính trường Israel lâu dài của ông. Amotz Asa-El nhận định với Reuters, “không quan trọng có ủy ban điều tra hay không, hay ông ấy có thừa nhận lỗi hay không. Tất cả vấn đề là ‘người Israel trung lưu’ nghĩ gì – Họ nghĩ đây là một thất bại và Thủ tướng phải chịu trách nhiệm. Ông ấy sẽ ra đi, và toàn bộ cơ sở của ông ấy sẽ ra đi cùng với ông ấy”.

Bốn là, Hamas muốn gửi thông điệp cứng rắn của mình đến Israel, các nước Ả Rập và cộng đồng quốc tế

Mặc dù bị cấm vận, phong tỏa với thế giới bên ngoài, nhưng Hamas chứng tỏ cho Israel thấy rằng tiềm lực của mình vẫn không ngừng lớn mạnh, khiến cho Israel bị bất ngờ và lưới lửa phòng không “vòm thép” của Israel vốn được hết lời ca tụng bỗng chốc trở nên lạc hậu. Đồng thời Hamas cũng cho thấy ý chí, nghị lực kiên cường bất khuất của người Hồi giáo trước vũ khí tối tân của Israel. Không những thế, đây cũng là thông điệp mạnh mẽ của người Palestine gửi đến cộng đồng người Hồi giáo tại các nước Ả Rập khi mà một số các quốc gia như Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ma Rốc, Xu Đăng… đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nhưng ít còn quan tâm đến Palestine – những người cùng tôn giáo với họ. Chiến sự nổ ra cũng khiến cộng đồng quốc tế phải nhìn nhận lại, khi mà các nước lớn hiện chỉ quan tâm đến xung đột quân sự Nga-Ukraine, tình hình bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan… và cạnh tranh lẫn nhau mà ít quan tâm giải quyết những tồn đọng và những diễn biến đang tại dải Gaza – khu vực Trung Đông đã kéo dài từ hơn 75 năm về trước.

Thay cho lời kết

Mâu thuẫn dai dẳng và xung đột đẫm máu tại dải Gaza đã kéo dài hơn ¾ thế kỷ khiến hàng triệu người thương vong kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Hơn bao giờ hết, chiến tranh cần được chấm dứt, hòa bình phải được thiết lập ở khu vực có giá trị địa chiến lược quan trọng này. Muốn vậy, cộng đồng quốc tế, nhất là Liên Hợp quốc và các nước lớn cần nhìn thẳng vào căn nguyên để cùng nhau tập trung giải quyết. Bởi mâu thuẫn kéo dài và chiến sự khốc liệt nổ ra tại đây, nhưng nhân tố quyết định đến chấm dứt chiến tranh và thiết lập hòa bình lại nằm bên ngoài dải đất Gaza.

Nguyễn Đình Thiện – Phạm Hồng Minh

Tài liệu tham khảo

1. ISRAEL PHẢI LÀM GÌ ĐỂ TRÁNH RƠI VÀO BẪY CỦA HAMAS? Nguồn: TTXVN (Rome 16/10/2023).

2. ĐIỀU GÌ XẢY RA TIẾP THEO ĐỐI VỚI HAMAS VÀ ISRAEL? Nguồn: TTXVN (Trang mạng csis.org, ngày 10/10/2023).

3. VÒNG XOÁY BẠO LỰC MỚI Ở TRUNG ĐÔNG. Nguồn: TTXVN (Trang mạng Quan sát Thượng Hải, Trung Quốc), ngày 12/10/2023.

4. “QUẢ BOM HẸN GIỜ” ISRAEL-PALESTINE TIẾP TỤC PHÁT NỔ. Nguồn: TTXVN (Hong Kong 9/10/2023).