Vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng có bị phạt nguội không?

Hiện nay, người tham gia giao thông thường mắc lỗi vượt đèn đỏ và bị xử phạt vi phạm hành chính. Người vi phạm còn có thể bị phạt nguội vượt đèn đỏ bên cạnh hình thức xử phạt trực tiếp. Vậy mức phạt đối với lỗi này được quy định như thế nào? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật Quang Huy.

1. Phạt nguội là gì?

Phạt nguội là hình thức xử phạt người tham gia giao thông có hành vi vi phạm được phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng chức năng hoặc được ghi thu bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hoặc những thông tin, hình ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội mà lực lượng chức năng không dừng xe xử lý ngay được.

Điều 24 Thông tư số 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông nêu rõ, những thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tiếp nhận từ các nguồn: Ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) và thông tin, hình ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…

Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh đúng, xác định có hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Theo quy định mới của Bộ Công an, thời hạn xử lý phạt nguội tăng lên 10 ngày thay vì 5 ngày như hiện tại. Trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông, người có thẩm quyền sẽ xử phạt trong thời hạn 10 ngày. Kết quả phạt nguội cũng được gửi đến cơ quan công an nơi người vi phạm cư trú để giải quyết.

2. Vượt đèn đỏ có bị phạt nguội không?

Vượt đèn đỏ là hành vi không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông, hiện nay, việc xử phạt vi phạm giao thông có 2 hình thức: phạt trực tiếp và phạt nguội. Theo quy định của pháp luật, tất cả các hành vi vi phạm giao thông đều được xử phạt 1 trong 2 hình thức trên. Do vậy, người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn đỏ vẫn bị phạt nguội nếu chưa bị phạt trực tiếp.

Theo như định nghĩa về phạt nguội và các hình thức tiếp nhận thông tin phàn ánh vi phạm giao thông nêu trên thì mọi hành vi vi phạm giao thông khi được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đều bị phạt nguội. Điều này đồng nghĩa với vượt đèn đỏ sẽ bị phạt nguội.

3. Lỗi vượt đèn đỏ có cần hình ảnh không?

Hiện nay, trên phạm vi tuyến đường giao thông cả nước, nhiều nhất ở Hà Nội, tại các nút giao thông hầu hết được gắn camera phạt nguội, với hình thức phạt nguội, hình ảnh rõ nét trích xuất từ camera thì đó là bằng chứng mạnh mẽ cho việc vi phạm. Do vậy, khi tham gia giao thông người điều khiển phương tiện giao thông ngày càng phải nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông.

Thông tư số 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông đã quy định rõ, chỉ một số lỗi vi phạm giao thông bắt buộc phải ghi lại hình ảnh người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông mới có thể lập biên bản, ra quyết định xử phạt được.

Ví dụ các lỗi như: Chạy quá tốc độ, một số lỗi xử lý nguội qua hình ảnh camera… Còn đối với trường hợp nêu trên, người điều khiển vi phạm “Không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông”, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông là người làm nhiệm vụ bằng mắt thường phát hiện vi phạm và tiến hành dừng xe thông báo vi phạm, tiến hành lập biên bản xử lý và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản đó.

Theo đó, lỗi vi phạm “Không chấp hành đèn tín hiệu giao thông” không cần phải chứng minh bằng hình ảnh.

Phạt nguội vượt đèn đỏ
Phạt nguội vượt đèn đỏ

4. Mức phạt nguội vượt đèn đỏ

Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022; sau đây gọi tắt là nghị định 100/2019/NĐ-CP), tùy vào loại phương tiện điều khiển mà hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ, đèn vàng không đúng quy định) sẽ bị xử phạt, cụ thể:

4.1. Đối với xe ô tô, xe tương tự xe ô tô

Mức phạt ô tô vượt đèn đỏ được quy định theo điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Theo đó, người điều khiển xe mắc lỗi vượt đèn đỏ cũng như không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông có thể bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, người lái còn phải chịu thêm các hình phạt bổ sung. Theo điểm b, c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, xe ô tô vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng. Trong trường hợp không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông và gây tai nạn, người lái sẽ bị tước giấy phép từ 02 – 04 tháng.

Theo khoản 1 và 2 Điều 6 của Thông tư số 153/2011/TT-BTC​​, quy định về thủ tục thu và nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt, cá nhân hoặc tổ chức bị xử lý vi phạm có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với cơ quan xử lý vi phạm. Cùng với đó, người bị xử lý cũng có quyền tố cáo các hành vi vi phạm trong việc xử lý hành chính. Trong trường hợp khiếu nại được thông qua, thời gian hoàn trả số tiền phạt là 15 ngày.

4.2. Đối với xe máy, xe mô tô

Xe máy, mô tô vi phạm quy định về dừng đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng (theo điểm e, khoản 4, điểm b Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm g Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Ngoài ra, hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng (theo điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

4.3. Đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dụng

Máy kéo, xe máy chuyên dùng khi vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, đồng thời tạm tước một số giấy tờ sau:

  • Quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo).
  • Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng).
  • Thời gian tạm tước các loại giấy tờ trên từ 1 tháng đến 3 tháng. Trường hợp gây tai nạn sẽ bị tước từ 2 đến 4 tháng (Điểm đ Khoản 5; Điểm a, b Khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

4.4. Đối với xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện, người đi bộ

Nếu vượt đèn đỏ, xe đạp, xe đạp máy và cả xe đạp điện sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng (điểm đ khoản 2 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Người đi bộ vượt đèn đỏ cũng sẽ bị phạt hành chính như khi điều khiển các phương tiện khác, vì hành vi này cũng gây ra nhiều mối nguy hiểm khi giao thông. Cụ thể, mức phạt cho người đi bộ vượt đèn đỏ là từ 60.000 – 100.000 đồng (điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Pháp luật còn quy định vượt đèn vàng cũng coi như là vi phạm trong một số trường hợp. Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ giải thích tín hiệu đèn giao màu vàng là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.

Nếu người điều khiển xe chưa đi quá vạch dừng xe khi đèn vàng bật sáng nhưng vẫn cố tình đi tiếp sẽ phạm lỗi vượt đèn vàng và bị xử phạt; trừ trường hợp xe vẫn chưa đi quá vạch dừng xe nhưng nếu dừng lại sẽ gây nguy hiểm cho mình hoặc cho phương tiện khác. Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ và chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường hoặc các phương tiện khác.

5. Phạt nguội vượt đèn đỏ tra cứu ở đâu

Người điều khiển phương tiện giao thông có thể tra cứu phạt nguội trên website của Cục Cảnh sát giao thông qua các bước sau đây:

Bước 1: Truy cập website của Cục Cảnh sát giao thông tại địa chỉ https://www.csgt.vn/

Bước 2: Chọn mục “Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh” (nằm phía bên phải màn hình)

Bước 3: Nhập thông tin theo yêu cầu gồm biển số xe cần kiểm tra và chọn loại phương tiện (Ô tô hoặc xe máy).

Bước 4: Nhập mã bảo mật (Cụm ký tự chữ và số bên cạnh ô trống)

Đôi khi xảy ra tình trạng nhập mã bảo mật không được, bạn đọc vui lòng thực hiện nhiều lần, nhập chính xác cụm ký tự chữ và số này. Sau đó, nhấn Tra cứu để tìm kết quả.

Bước 5: Hệ thống sẽ hiển thị kết quả:

Nếu phương tiện của bạn không bị phạt nguội thì màn hình sẽ hiện dòng chữ “Không tìm thấy kết quả”.

Khi bị phạt nguội vượt đèn đỏ, người tham gia giao thông có thể nộp phạt qua những cách sau:

  • Tại trụ sở công an giao thông được ghi trong thông báo nộp phạt.
  • Trực tiếp tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại Kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu phạt được ghi trong quyết định xử phạt.
  • Chuyển khoản vào tài khoản Kho bạc nhà nước trong quyết định xử phạt.
  • Nộp cho người có thẩm quyền xử phạt trong các trường hợp: Xử phạt hành chính không lập biên bản hành chính, tại vùng núi sâu xa, gần biên giới, đi lại khó khăn.
  • Nộp vào Kho bạc nhà nước thông qua dịch vụ bưu chính công ích (Bưu điện).

6. Cơ sở pháp lý

  • Thông tư số 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông;
  • Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
  • Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề phạt nguội vượt đèn đỏ theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn luật giao thông trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.