Ngày ông Táo về trời – UBND huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình

Hằng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp thì nhiều gia đình Việt sẽ sửa soạn mâm cơm để cúng ông Công ông Táo. Mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của tục lệ này qua bài viết dưới đây để biết thêm về nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt!

ong tao ve troi ngay bao nhieu 1

Theo truyền thống dân gian Việt Nam, ngày đưa ông Công ông Táo về trời là ngày 23 tháng chạp hằng năm, tức vào ngày 23.12 Âm lịch. Năm nay ngày ông Táo về trời vào thứ 7, ngày 14/01/2023, là một trong những lễ cúng quan trọng trong dịp trước Tết Nguyên Đán.

Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt cổ chuyển hóa thành sự tích “Hai ông một bà”.

Sự tích bắt đầu rằng, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, dần dà Trọng Cao hay kiếm chuyện, dằn vặt vợ.Một lần, chỉ vì một chuyện nhỏ, Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và gặp được Phạm Lang. Hai người phải lòng nhau và kết thành vợ chồng.Về phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì ân hận về hành động của mình nên đã lên đường tìm kiếm vợ. Sau nhiều ngày tìm kiếm, hết gạo hết tiền, Trọng Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Tình cờ, Trọng Cao tìm xin ăn đúng nhà của Thị Nhi đúng lúc Phạm Lang đi vắng. Nhi nhận ra người hành khất là người chồng cũ nên mời vào nhà, nấu cơm thết đãi. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Vì sợ chồng nghi oan nên Thị Nhi bèn giấu Cao dưới đống rạ sau vườn.

Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi hốt hoảng lao mình vào để cứu chồng cũ ra. Thấy vợ mình nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo khiến cả ba đều chết trong đám lửa. Cảm động trước tình nghĩa của 3 người, nên Ngọc Hoàng đã phong cho làm vua bếp. Theo đó, người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ phụ trách trông coi việc chợ búa.

Theo sự tích dân gian Việt Nam, hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Vì thế vào ngày này, các gia đình Việt sẽ thường làm mâm cơm để đưa ông Công ông Táo lên chầu trời. Ông Táo là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ. Bên cạnh đó, ông còn ngăn cản sự xâm nhập của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

Vì thế vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng để lên Thiên đình trình báo tất cả mọi việc làm tốt, xấu của gia chủ trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho gia chủ. Cho đến vào đêm Giao thừa thì Táo quân mới trở lại hạ giới để tiếp tục thực hiện công việc trông coi bếp lửa cho gia đình.

Ngày ông Công ông Táo từ lâu đã đi vào tiềm thức của người Việt. Vì thế, vào ngày này, người dân sẽ làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Ngoài ra, đây cũng là dịp để mọi người trở về nhà để sum họp, quây quần sau một năm làm việc vất vả. Chị Trần Thị Huyền – xã Kim Đông đã chuẩn bị cho lễ cúng ông Công ông Táo từ mấy ngày nay: Theo tục lễ cha ông truyền lại thì gia đình tôi cũng chuẩn bị một mâm cỗ tươm tất để tiễn ông Táo về trời, tôi thường làm các món như gà luộc, xôi gấc, giò, nem, canh mọc, rau xào để cúng Táo Quân, qua đó cũng gửi gắm mong muốn một năm mới bình an, sức khỏe cho cả gia đình.

ot1

Ngoài mâm cơm thì lễ cúng ông táo luôn có mũ ông Công ông Táo ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ dành cho các Táo ông có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này có gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công ông Táo thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Hia ông Táo, một ít vàng mã tượng trưng và hoa quả, ấm trà sen, 3 chén rượu, quả cau, lá trầu, lọ hoa cúc. Đồng thời, một thứ không thể thiếu đó là cá chép – vật được quan niệm là linh thú đưa ông Táo về trời. Người dân thường chuẩn bị 1 hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem “phóng sinh” ở sông, ao, hồ, nghĩa là để đưa ông Táo về trời. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam. Chị Vũ Thị Điệp- người dân xã Kim Hải cho biết: “Tôi được biết là phong tục thả cá chép cúng ông Công ông Táo với ý nghĩa “cá chép hóa rồng”, cá chép sẽ chở ông Táo bay lên trời, tâu mọi chuyện đã qua ở nhân gian với Ngọc Hoàng. Những con cá chép được dâng lên cúng Táo Quân , tôi thường chọn những con cá chép có màu đỏ, to khỏe mạnh, không bị trầy xước trên thân cá và vảy cá nguyên vẹn không bị tróc. Khi thả cá thì giữ một trạng thái tâm lý vui tươi, phấn khởi để mong năm mới vạn sự may mắn”

Tuy nhiên, đôi khi người dân không chỉ thả cá mà còn thả cả bát hương, bàn thờ và đặc biệt là túi nilon xuống lòng sông, hồ. Thậm chí, nhiều người vội công việc chỉ dừng xe trên cầu thả túi đựng cá, ném túi tro vàng xuống sông gây nên lớp bụi mù mịt và tạo ra hình ảnh ứng xử thiếu văn minh, gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Chính vì thế, nhiều năm gần đây, thông điệp “Thả cá, đừng thả túi nilong”, “đừng để Táo mang cả túi nilong lên chầu” hay “cá đi, túi ở lại” đã được lan tỏa mạnh mẽ khắp nơi, hòa chung với nét văn hóa cổ truyền của dân tộc và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mỗi người dân. Riêng đối với huyện Kim Sơn, là huyện ven biển có hệ thống sông ngòi dày đặc, cung cấp nguồn sống cho rất nhiều sinh vật thì việc “thả cá, không thả túi nilong” càng quan trọng hơn nữa để giữ gìn môi trường nước, môi trường sống tươi đẹp hơn, cũng là góp phần thực hiện phong trào “Thứ bảy xanh, chủ nhật sạch” – để phong trào được lan tỏa mạnh mẽ. Mỗi người dân cần tự nâng cao nhận thức để việc thả cá chép ngày 23 tháng Chạp luôn là một nét đẹp văn hóa trong đời sống người Việt.

ot2

Nơi góc bếp nhà nào, dù là vách lá đơn sơ hay trong căn biệt thự sang trọng, bàn thờ ông Táo vẫn có một vị trí quan trọng. Đó đã là một phần của văn hóa cha ông từ ngàn xưa còn lại. Có lẽ trong ngày 23 tháng Chạp, nhìn mọi nhà nô nức ra bờ sông thả cá chép vàng, mỗi người chúng ta đều cảm thấy sự ấm áp ngày giáp Tết, cảm thấy rằng Tết đã đến rất gần. Tục cúng ông công ông Táo là một nét văn hóa đẹp, mang nhiều nét tâm linh, hướng tới bình an của người Việt Nam. Hy vọng qua bài viết này, đã giúp quý vị hiểu hơn về nguồn gốc, ý nghĩa của phong tục lâu đời này và ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ môi trường từ những việc đơn giản nhất.

Diệu Hoa