Paracetamol là một loại thuốc giảm đau vô cùng phổ biến, thường có mặt trong tủ thuốc gia đình hay các đơn thuốc. Tuy nhiên, bạn đã biết chính xác paracetamol là thuốc gì chưa? Tác dụng của paracetamol cũng như cách dùng paracetamol như thế nào? Những lưu ý khi dùng thuốc paracetamol?
Thuốc paracetamol thường được sử dụng trong các trường hợp cần giảm đau, hạ sốt. Đây là thuốc có thể được bác sĩ kê đơn hoặc không kê đơn, mọi người có thể tự mua về dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nắm được những thông tin cơ bản về thuốc, đặc biệt là cách dùng và liều dùng paracetamol, sẽ giúp bạn có thể sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn, không để lại tác dụng phụ không mong muốn.
Paracetamol là thuốc gì?
Paracetamol (còn có tên gọi khác là acetaminophen) là một dạng thuốc giảm đau không kê đơn. Loại thuốc này thường được sử dụng trong các trường hợp giảm đau nhẹ đến vừa hoặc có thể được dùng như thuốc hạ sốt, thuốc hỗ trợ điều trị cảm lạnh, cảm cúm. (1)
Không giống như các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), thuốc paracetamol không có hoạt tính kháng viêm cũng như có độ an toàn cao, không gây ra những tổn thương làm ảnh hưởng đến tim mạch, đường tiêu hóa,… Vì vậy, loại thuốc này có thể được sử dụng cho cả trẻ em, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú (với liều lượng phù hợp theo khuyến cáo).
Tuy nhiên, các trường hợp sử dụng thuốc paracetamol không đúng liều lượng vẫn có thể gây nên một số tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, mỗi người cần tìm hiểu kỹ về chỉ định, chống chỉ định cũng như cách dùng và liều dùng paracetamol để đảm bảo có thể dùng thuốc một cách an toàn nhất.
Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc paracetamol
Paracetamol được chỉ định sử dụng trong các trường hợp nào?
Thông thường, paracetamol có thể được dùng để làm giảm các triệu chứng đau, chẳng hạn như đau đầu, đau lưng, đau răng, đau khớp, đau cơ, đau do viêm khớp… Ngoài ra, thuốc còn có công dụng hạ sốt trong các trường hợp sốt do cảm cúm, sốt do tiêm vaccine,…
Chống chỉ định sử dụng
Mặc dù paracetamol được chứng minh là một loại thuốc giảm đau an toàn, ít để lại tác dụng phụ nhưng vẫn có một số trường hợp chống chỉ định sử dụng paracetamol hoặc nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Cụ thể gồm:
- Người bệnh dị ứng, mẫn cảm với paracetamol.
- Người có tiểu sử mắc các bệnh lý về gan, bị tổn thương gan.
- Người nghiện bia rượu hoặc thường xuyên sử dụng thức uống có cồn và các loại chất kích thích khác.
- Suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
- Đang sử dụng một số loại thuốc khác có thể gây tương tác thuốc không tốt cho người bệnh.
Chưa có nghiên cứu về tác dụng phụ của thuốc paracetamol đối với 2 nhóm đối tượng phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Do đó, các trường hợp mang thai hay đang cho con bú sữa mẹ có thể sử dụng thuốc nhưng tốt nhất cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.
Các dạng và hàm lượng thuốc paracetamol
Thuốc paracetamol được điều chế ở nhiều dạng khác nhau, bao gồm dạng viên nén, viên nang, dạng lỏng, viên hòa tan và cả dạng thuốc truyền qua đường tĩnh mạch. Tùy theo từng dạng điều chế mà thuốc sẽ có hàm lượng khác nhau như 250mg, 325mg, 500 mg,…
- Viên nén: Thuốc được điều chế thành dạng viên, đặc trưng nhất chính là Panadol. Thông thường, paracetamol dạng viên nén có hàm lượng 325mg, 500mg.
- Viên đặt hậu môn: Paracetamol có thể được sản xuất dưới dạng viên đặt hậu môn, có các loại hàm lượng như 80mg, 150mg và 300mg. Đây là dạng thuốc phổ biến dành cho trẻ em.
- Lỏng: Một số loại thuốc có thành phần chính là paracetamol được điều chế dưới dạng dung dịch, dạng siro uống với các hàm lượng như 160 mg/5 ml (120ml, 473ml); 160 mg/5ml (118ml); 500 mg/5 ml (240ml);…
- Viên hòa tan hoặc dạng bột hòa tan: Thuốc paracetamol còn có ở dạng viên sủi hay dạng bột, được hòa tan trong nước một cách dễ dàng. Thông thường, gói bột thường có hàm lượng 80mg, 150mg và 250mg (thường dành cho trẻ em) trong khi viên sủi có hàm lượng 500mg (thường dành cho người lớn).
- Thuốc truyền tĩnh mạch: Một dạng điều chế paracetamol khác đặc biệt hơn chính là thuốc truyền qua đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, dạng này chỉ được chỉ định và thực hiện bởi bác sĩ. (2)
Công dụng của paracetamol
Paracetamol có sẵn ở dạng thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn. Tác dụng của paracetamol được dùng trong nhiều trường hợp khác nhau như: (3)
- Đau đầu
- Đau nửa đầu
- Đau lưng
- Thấp khớp và đau cơ
- Đau răng
- Đau bụng trong chu kỳ kinh
- Cảm lạnh, cảm cúm
- Đau họng
- Đau sau phẫu thuật
- Sốt
Tác dụng của paracetamol có thể được dùng để điều trị giảm đau thay thế cho aspirin. Tuy nhiên, loại thuốc này không có khả năng điều trị viêm như aspirin, chỉ một số trường hợp viêm khớp nhẹ mới sử dụng.
Cách dùng và liều dùng paracetamol
“Paracetamol liều dùng bao nhiêu?”, “Được uống mỗi lần bao nhiêu viên paracetamol?”, “Cách dùng paracetamol như thế nào?” là những thắc mắc chung của nhiều người bởi hầu hết các trường hợp, paracetamol được dùng như thuốc không kê đơn, không có hướng dẫn chi tiết từ bác sĩ. Về cơ bản, mỗi người có thể dùng paracetamol theo liều lượng được khuyến cáo chung như sau: (4)
Cho người lớn
Hàm lượng paracetamol sử dụng để giảm đau, hạ sốt cho người lớn thường là:
- Liều chung: Mỗi lần uống hoặc đặt hậu môn một viên với hàm lượng 325 – 650mg, sử dụng cách nhau 4 – 6 giờ. Nếu dùng thuốc với hàm lượng 1000mg thì thời gian giữa 2 lần dùng thuốc cách nhau 6 – 8 giờ.
- Viên nén Paracetamol 500mg: 1-2 viên/liều uống cách nhau 4 – 6 giờ.
- Với liều dùng paracetamol dạng viên đặt hậu môn, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh chỉ nên dùng thuốc trong khoảng 10-20 mg/kg/liều. Mỗi lần dùng paracetamol đặt hậu môn phải cách nhau khoảng 4 giờ khi cần thiết và tuyệt đối không dùng quá 5 lần và 75 mg/kg trong vòng 24 giờ liên tiếp.
Cho trẻ em
Liều dùng paracetamol cho trẻ em sao cho an toàn được tính dựa trên trọng lượng cơ thể của trẻ:
- Đối với paracetamol đường uống:
- Trẻ sơ sinh: 10-15mg/kg, mỗi lần dùng cách 6 – 8 giờ (một ngày dùng khoảng 3-4 lần).
- Trẻ lớn hơn: Liều dùng giống với trẻ sơ sinh nhưng có thể cho trẻ dùng mỗi lần cách nhau 4 – 6 giờ, tức trong ngày dùng 4-6 lần nhưng kèm theo lời khuyên không dùng quá năm lần trong vòng 24 giờ.
- Đối với paracetamol dùng qua đường đặt hậu môn:
- Trẻ từ 6 – 11 tháng tuổi: 80 mg mỗi 6 giờ và liều tối đa không quá 320 mg/ngày.
- Trẻ từ 12 – 36 tháng tuổi: 80 mg mỗi 4 – 6 giờ và liều tối đa không quá 400 mg/ngày.
- Trẻ từ 3 – 6 tuổi: 120 mg mỗi 4 – 6 giờ và liều tối đa không quá 600 mg/ngày.
- Trẻ 6 – 12 tuổi: 325 mg mỗi 4 – 6 giờ và liều tối đa không quá 1625 mg/ngày.
- Trẻ > 12 tuổi: 650 mg mỗi 4 – 6 giờ và liều tối đa không quá 3900 mg/ngày.
Tác dụng phụ của paracetamol
Nhìn chung, paracetamol được đánh giá là một loại thuốc tương đối an toàn với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thuốc vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là khi sử dụng không đúng cách. (5)
Xem thêm : DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN
Cụ thể, thuốc có thể gây nên một số phản ứng dị ứng như phát ban, nổi mẩn đỏ trên da, ngứa da, sưng mặt hoặc môi, sưng lưỡi, sưng họng,… Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, người dùng có thể cảm thấy khó thở. Cơ quan giám sát thuốc, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cũng cảnh báo, paracetamol có thể gây hoại tử biểu bì độc hại, bong da. Tuy nhiên, đây là trường hợp rất hiếm xảy ra.
Ngoài ra, paracetamol cũng có thể gây tình trạng đột ngột tăng huyết áp hoặc hạ thân nhiệt trong trường hợp sử dụng cùng với một số thuốc giảm huyết áp có thành phần chứa phenothiazin.
Trong trường hợp thấy cơ thể có các phản ứng bất thường sau khi sử dụng paracetamol, người bệnh nên lập tức ngưng dùng thuốc, uống nhiều nước và theo dõi các biểu hiện phản ứng của cơ thể. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm hay ngày càng tăng nặng, cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
Quá liều và quên liều paracetamol thì có sao không?
Ngộ độc paracetamol do sử dụng quá liều
Sử dụng thuốc paracetamol nhiều hơn liều lượng quy định được xem là dùng thuốc quá liều. Các trường hợp sử dụng paracetamol vượt quá 4g/24 giờ(với người lớn) và 50-70mg/kg/24 giờ (với trẻ em) thì thành phần thuốc này sẽ bắt đầu chuyển hóa theo con đường có thể gây ngộ độc cho gan.
Bên trong paracetamol có chứa một chất có thể biến thành chất độc cho gan, đó là N-acetylbenzoquinonimin. Khoảng 4% paracetamol sẽ biến thành chất độc này. Sau khi bạn dùng thuốc, paracetamol sẽ được hấp thu vào máu và chuyển hóa qua gan. Lúc này, gan phải “huy động” glutathione để trung hòa chất độc từ paracetamol. Trường hợp bạn dùng thuốc quá liều thì cơ thể không đủ lượng glutathione cần thiết để trung hòa paracetamol, từ đó chất độc gây hại cho gan sẽ tồn tại trong cơ thể và dẫn đến nhiễm độc gan hay thậm chí là hoại tử tế bào gan.
Bên cạnh đó, paracetamol cũng có thể truyền qua nhau thai nên nếu phụ nữ mang thai dùng quá liều thì cũng có thể gây hại cho thai nhi. Phụ nữ mang thai lạm dụng paracetamol cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.
Với người cao tuổi, việc sử dụng paracetamol lâu dài, dùng quá liều có thể làm suy giảm phân tử hemoglobin trong tế bào hồng cầu. Đây là phân tử mang oxy nên nếu mất đi một lượng lớn phân tử này sẽ gây mệt mỏi, khiến người cao tuổi uể oải, mất năng lượng.
Khi dùng paracetamol quá liều, phần lớn thuốc sẽ lập tức được hấp thu trong vòng 2 giờ đầu tiên và nồng độ đỉnh đạt được sau khi sử dụng thuốc là 1 giờ kể từ lúc sử dụng.
Biểu hiện lâm sàng khi ngộ độc paracetamol còn phụ thuộc vào liều lượng đã uống và thời gian uống thuốc. Thông thường, tổn thương gan do ngộ độc paracetamol (nếu có) sẽ chia làm 4 giai đoạn chính:
- Giai đoạn khởi đầu (24 giờ đầu sau khi dùng thuốc): Không có triệu chứng hoặc triệu chứng không đặc hiệu, khó nhận biết. Một số biểu hiện thường gặp bao gồm vã mồ hôi, chán ăn, buồn nôn, nôn ói,…
- Giai đoạn tổn thương gan (24-48 giờ sau khi dùng thuốc): Biểu hiện đau bụng, căng tức vùng hạ sườn phải. Lúc này, khi xét nghiệm men gan có thể thấy thời gian đông máu PT kéo dài và AST, ALT, bilirubin có thể tăng. Hầu hết người bệnh bị ngộ độc paracetamol không tiến triển quá giai đoạn này.
- Giai đoạn suy gan (3-5 ngày sau ngộ độc): Người bệnh có biểu hiện buồn nôn, nôn ói tăng nặng. Đi kèm theo đó là tình trạng mệt mỏi, vàng da, lú lẫn, hạ đường huyết, rối loạn đông máu, suy thận, men gan tăng tối đa,… hay thậm chí là hôn mê, có thể tử vong.
- Giai đoạn hồi phục: Nếu người bệnh ngộ độc paracetamol không được điều trị thì có thể tử vong trong 4-18 ngày sau khi dùng thuốc. Trường hợp người bệnh được điều trị thì chức năng gan sẽ được hồi phục, các triệu chứng không kéo dài. Tuy nhiên, cần lưu ý việc điều trị chậm trễ có thể gây nên tổn thương gan không hồi phục.
Quên liều paracetamol có sao không?
Trong trường hợp quên liều paracetamol, hiệu quả giảm đau sẽ không còn do thuốc chỉ có tác dụng trong 4-6 giờ đầu tiên. Tuy nhiên, thuốc không gây tác dụng phụ hay phản ứng nghiêm trọng nếu quên liều.
Ngay khi phát hiện quên liều, nếu còn cảm giác đau thì người bệnh nên sớm dùng thuốc để tránh cảm giác đau và khó chịu.
Dược học
Dược lực học
Paracetamol là một dẫn xuất p-aminophenol có tác dụng giảm đau và hạ sốt, không có khả năng chống viêm. Paracetamol được cho là có tác dụng giảm đau thông qua ức chế trung tâm tổng hợp prostaglandin.
Dược động học
Paracetamol được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa với nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được khoảng 10 đến 60 phút sau khi uống. Paracetamol được phân bố vào hầu hết các mô cơ thể.
Thuốc chứa paracetamol sẽ liên kết với protein huyết tương không đáng kể ở liều điều trị thông thường nhưng tăng khi tăng liều. Thời gian bán thải thay đổi từ khoảng 1 đến 3 giờ.
Paracetamol được chuyển hóa nhiều ở gan và thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng liên hợp glucuronid và sulfat không có hoạt tính. Dưới 5% được bài tiết dưới dạng không đổi. Các chất chuyển hóa của paracetamol bao gồm một chất trung gian hydroxyl hóa nhỏ có hoạt tính gây độc cho gan. Chất chuyển hóa trung gian này được giải độc bằng cách liên hợp với glutathione, tuy nhiên, chất độc này vẫn có thể tích lũy sau khi dùng quá liều paracetamol và nếu không được điều trị có thể gây tổn thương gan không hồi phục.
Paracetamol được chuyển hóa khác nhau ở trẻ sinh non, trẻ sơ sinh, nhũ nhi và trẻ nhỏ so với người lớn. Trong đó, dạng liên hợp sulfat là dạng chuyển hóa thường gặp nhất.
Tương tác thuốc
Paracetamol có thể tương tác với thuốc nào?
Khi sử dụng paracetamol, bạn cần lưu ý bởi thuốc chứa paracetamol có thể tương tác với một số thuốc không kê đơn, có kê đơn và cả thảo dược, thực phẩm chức năng, bao gồm: Tramadol, Amitriptyline, Amlodipine, Caffeine, Amoxicillin, Diclofenac, Metformin, Aspirin, Atorvastatin, Codeine, Clopidogrel, Furosemide, Diazepam, Gabapentin, Lansoprazole, Ibuprofen, Naproxen, Levofloxacin, Levothyroxine, Pantoprazole, Naproxen, Pregabalin, Omeprazole, Prednisolone, Pantoprazole, Ramipril, Ranitidine, Sertraline và Simvastatin.
Xem thêm : Hoàn cảnh sáng tác Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân
Ngoài ra, paracetamol cũng có tương tác với những loại thuốc khác có chứa paracetamol nếu sử dụng cùng lúc.
Paracetamol tương tác với rượu và thức ăn
Ngoài tương tác với một số loại thuốc khác, paracetamol cũng có gây tương tác với rượu, các loại thức ăn hay đồ uống có chứa cồn, làm ảnh hưởng đến gan. Bạn sẽ gặp các phản ứng như sốt, cảm thấy ớn lạnh, chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, suy nhược,… Ngoài ra, bạn cũng có thể cảm thấy đau khớp, sưng khớp, vàng da hoặc vàng lòng trắng mắt, ngứa da, phát ban, chảy máu hoặc bầm tím,…
Cách bảo quản thuốc paracetamol
Paracetamol thường được dùng như một loại thuốc dự phòng trong nhiều gia đình hay cơ quan, văn phòng. Vì thế, cần phải có cách bảo quản hợp lý để tránh thuốc bị hỏng, biến đổi chất, không còn hiệu quả.
Với thuốc chứa paracetamol dù là dạng viên uống hay dạng viên sủi, dạng viên đặt hậu môn,… thì bạn cũng cần lưu ý bảo quản thuốc ở nơi khô thoáng, tránh ánh sáng và nhiệt độ cao, không để thuốc ở nơi ẩm thấp hay tiếp xúc với nước. Nhiệt độ tốt nhất để bảo quản thuốc paracetamol là từ 15-30°C, tránh đông lạnh thuốc. Riêng dòng paracetamol dạng viên đặt hậu môn là có thể bảo quản trong tủ lạnh.
Đặc biệt, để thuốc trên cao, tránh xa tầm tay của trẻ em. Nếu phát hiện thuốc có dấu hiệu biến đổi về màu sắc, mùi hay kết câu thì ngưng sử dụng ngay lập tức.
Lưu ý khi sử dụng thuốc paracetamol
Thuốc paracetamol có thể được sử dụng như một loại thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên, nên cẩn trọng khi sử dụng thuốc để tránh những tác dụng phụ có thể xảy ra.
Một số lưu ý cần nắm khi dùng paracetamol gồm có:
- Cần phải đọc thật kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.
- Trường hợp không đau nhức, không sốt cao trên 38,5 độ thì không được sử dụng thuốc.
- Với người lớn, không được dùng paracetamol quá 10 ngày liên tục còn với trẻ em, tuyệt đối không dùng thuốc liên tiếp trên 5 ngày trừ khi có các chỉ định khác từ bác sĩ.
- Với các trường hợp cần sử dụng paracetamol giảm đau (đau đầu, đau khớp, đau răng,…) thì không nên sử dụng liên tục mà cần đợi sau 4-6 giờ do thuốc sẽ có tác dụng trong khoảng 4 giờ. Việc uống thuốc liên tục không làm tăng hiệu quả giảm đau mà ngược lại có thể khiến bạn bị ngộ độc thuốc, tổn thương gan do sử dụng quá liều.
- Khi dùng thuốc, cần tuân thủ đúng theo liều lượng được hướng dẫn, không uống quá liều.
- Không được uống rượu, bia hoặc dùng thức uống, đồ ăn có chứa cồn khi dùng paracetamol.
- Trẻ em nên dùng paracetamol dưới sự giám sát của người lớn.
- Với người say rượu; mắc bệnh gan, tim, phổi, thận; người mẫn cảm với thành phần của thuốc; người bị thiếu máu hoặc người bệnh thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase;… thì không nên tự ý sử dụng thuốc.
- Nếu bạn không biết mình có thuộc nhóm đối tượng không được sử dụng thuốc hay không, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Có thể sử dụng paracetamol theo cơ chế phóng thích chậm để tránh làm hại đến gan.
- Nên dùng paracetamol sau bữa ăn từ 30 phút đến 1 giờ. Không dùng thuốc trong bữa ăn để tránh thức ăn làm giảm khả năng hấp thụ của thuốc.
- Dùng thuốc với nước ấm sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ. Không uống thuốc cùng với nước trà, cà phê, nước ngọt có gas,… Tốt nhất chỉ uống thuốc với nước lọc.
- Nếu bạn muốn kết hợp paracetamol với các loại thuốc khác, cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ.
- Với thuốc paracetamol dạng viên sủi, nên hòa tan 1 viên thuốc với khoảng 150-200 ml nước. Với thuốc paracetamol dạng bột, cần ít nhất 5-10 ml nước. Cần chú ý đợi thuốc hòa tan hoàn toàn với nước rồi mới uống.
- Trường hợp dùng paracetamol dạng đặt hậu môn, cần rửa tay sạch trước và sau khi đặt thuốc. Lưu ý không tắm, đi vệ sinh sau khi đặt thuốc.
Câu hỏi thường gặp về viên uống paracetamol
Paracetamol phát huy tác dụng trong bao lâu?
Khi dùng paracetamol thì thuốc sẽ có tác dụng giảm đau trong bao lâu là điều nhiều người quan tâm, đặc biệt là những bệnh nhân tự sử dụng thuốc trị đau đầu tại nhà.
Theo đó, thời gian để thuốc paracetamol phát huy tác dụng là sau khoảng 5 – 15 phút kể từ khi uống thuốc. Thuốc sẽ phát huy tác dụng hiệu quả nhất trong khoảng thời gian từ 4 – 6 tiếng. Sau thời gian này, bạn có thể thấy cơn đau bắt đầu quay trở lại và có thể cần phải tiếp tục sử dụng thuốc.
Paracetamol có phải thuốc kháng sinh không?
Một vấn đề khác cũng được rất nhiều người quan tâm chính là liệu paracetamol có phải là một loại thuốc kháng sinh hay không? Câu trả lời là thuốc paracetamol không phải là thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc cũng nên cẩn thận và tuân thủ đúng các hướng dẫn, chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc để đảm bảo tính hiệu quả và sự an toàn.
Uống paracetamol khi đói được không?
Có thể uống paracetamol khi đói không? Nên sử dụng thuốc paracetamol vào thời điểm nào trong ngày là tốt nhất? Theo các nghiên cứu cho thấy, khi dùng thuốc paracetamol để giảm đau lúc bụng đói làm tăng nguy cơ xảy ra các phản ứng bất lợi, chẳng hạn như cảm giác buồn nôn hay hiện tượng nôn ói. Thành phần thuốc cũng dễ dẫn đến chứng táo bón nếu người bệnh thường xuyên dùng paracetamol trong lúc đói.
Một lưu ý quan trọng nữa là nên hạn chế dùng thuốc trong bữa ăn bởi thức ăn sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của thuốc. Thời gian dùng thuốc tốt nhất là sau bữa ăn từ 30 – 60 phút. Và nên dùng thuốc với nước ấm để làm tăng khả năng hấp thụ của thuốc và giúp tăng hiệu quả điều trị.
Phụ nữ cho con bú có thể uống paracetamol không?
Thuốc paracetamol được đánh giá là một loại thuốc giảm đau an toàn, có thể sử dụng cho cả phụ nữ đang mang thai và cả phụ nữ cho con bú. Paracetamol sẽ được bài tiết một lượng cực nhỏ (
Tuy nhiên, nếu bạn đang cho con bú nhưng bị dị ứng, mẫn cảm với paracetamol hay suy dinh dưỡng, thuộc nhóm chống chỉ định dùng thuốc, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về loại thuốc điều trị thay thế.
Để đặt lịch khám, kiểm tra, tư vấn điều trị các bệnh lý tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Thuốc paracetamol là một loại thuốc giảm đau hay hỗ trợ hạ sốt, trị cảm lạnh, cảm cúm… hiệu quả. Tuy nhiên, với những cơn đau đầu kéo dài, không nên lạm dụng thuốc để tránh lờn thuốc và các tác dụng phụ nguy hiểm. Tốt nhất nên đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh để được bác sĩ hỗ trợ thăm khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp