Việc Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 1512/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội thu hút sự chú ý của dư luận những ngày qua. Trong đó, vẫn còn nhiều người chưa hiểu lý do vì sao “trường đại học” lại được chuyển thành “đại học”, và sự chuyển đổi này khác nhau như thế nào?
Trong Từ điển Tiếng Việt cũng không có sự phân biệt giữa các từ ngữ này. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục Đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), “trường đại học” và “đại học” là hai khái niệm khác nhau. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018 thì “2. Trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này. 3. Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung”. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học thì cơ sở giáo dục đại học bao gồm đại học, trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Bạn đang xem: Sự khác nhau giữa “trường đại học” và “đại học”
Xem thêm : Kinh đô của nhà nước Văn Lang đóng ở đâu?
Theo các quy định trên thì “đại học” và “trường đại học” là những cơ sở giáo dục đại học có quy mô khác nhau. Trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành, còn đại học là cơ sở đào tạo nhiều lĩnh vực. Theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018 thì ngành có phạm vi hẹp hơn lĩnh vực, lĩnh vực bao gồm nhiều ngành. Cụ thể, ngành là tập hợp kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ, do Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê, phân loại. Lĩnh vực là tập hợp các nhóm ngành có điểm chung về kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ, do Thủ tướng Chính phủ thống kê, phân loại.
Ngoài ra, “trường đại học” và “đại học” còn khác nhau về cơ cấu, tổ chức. Cơ cấu tổ chức của trường đại học bao gồm: Hội đồng trường đại học; hiệu trưởng; phó hiệu trưởng; hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác; khoa, phòng chức năng, thư viện, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức phục vụ đào tạo khác; trường, phân hiệu, viện nghiên cứu, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của trường đại học.
Xem thêm : Cách phân biệt ẩn dụ và hoán dụ
Cơ cấu tổ chức của đại học bao gồm: Hội đồng đại học; giám đốc đại học; phó giám đốc đại học; hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); trường đại học, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác; khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học.
Như vậy, đại học là một tổ chức giáo dục có các trường đại học thành viên. Còn trường đại học có thể là một cơ sở giảng dạy đại học độc lập hoặc là thành viên của một đại học. Các “trường đại học” sẽ được xem xét chuyển thành “đại học” nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018.
Phan Hiền
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp