Theo quy định của Luật PCTN năm 2018 thì tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Luật cũng quy định rõ “người có chức vụ, quyền hạn” là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó (bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội Nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an Nhân dân; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó). Còn “vụ lợi” là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.
Hiện nay, các hành vi tham nhũng được chia thành 2 nhóm với các các chủ thể thực hiện khác nhau, bao gồm: Các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước thực hiện và các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện. Trong đó:
– Các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước thực hiện là: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
– Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện là: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Từ những quy định trên, có thể thấy, tham nhũng có một số đặc điểm nhận biết cơ bản sau:
Xem thêm : BIỂN BÁO GIAO THÔNG HÌNH TRÒN – 102 – CẤM ĐI NGƯỢC CHIỀU
Thứ nhất, chủ thể của tham nhũng phải là những người có chức vụ, quyền hạn trong trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước hoặc doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.
Thứ hai, người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng địa vị công tác, nhiệm vụ được giao để không làm, làm trái với việc mình phải thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, xã hội hoặc công dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Thứ ba, người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi với động cơ vụ lợi cho bản thân mình, cho người khác hoặc một nhóm người mà mình quan tâm.
Bên cạnh đó, có thể thấy tham nhũng là một cụm từ chung, bao gồm rất nhiều hành vi, trong đó có hành vi “tham ô tài sản” hay nói các khác “tham ô tài sản” là một biểu hiện của tham nhũng. Vậy, nếu chỉ nói “tham ô” là chưa chính xác, theo quy định của pháp luật phải gọi chính xác là “tham ô tài sản”. Mặt khác, Luật PCTN năm 2018 đã giải thích cụ thể về tham nhũng cũng như quy định các hành vi tham nhũng cụ thể (trong đó có tham ô tài sản), nhưng lại không giải thích cụ thể khái niệm “tham ô tài sản” là gì. Vậy, làm thế nào để nhận biết các dấu hiệu của “tham ô tài sản”? Theo quy định tại khoản 1 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “tham ô tài sản” là: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này (Chương XXIII), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.”
Như vậy, từ quy định về tham nhũng nói chung và quy định cụ thể về tội tham ô tài sản nói riêng như đã phân tích ở trên có thể thấy một số dấu hiệu cơ bản của “tham ô tài sản” là:
Xem thêm : Bằng C lái xe gì? Điều kiện thi giấy phép lái xe hạng C đúng quy định
Thứ nhất, chủ thể thực hiện là người có chức vụ, quyền hạn trong trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước hoặc doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.
Thứ hai, người có chức vụ quyền hạn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
Thứ ba, người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi với động cơ vụ lợi cho bản thân mình.
Tóm lại, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi, tham nhũng là một cụm từ chung, bao gồm nhiều hành vi cụ thể; không có hành vi tham ô, mà phải gọi chính xác là tham ô tài sản và tham ô tài sản là một biểu hiện, một hành vi của tham nhũng./.
Vũ Thị Minh Ngân
Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp