Pháp luật đóng vai trò rất quan trọng nhằm đảm bảo thiết lập trật tự một xã hội an toàn, ổn định văn minh và tốt đẹp, đảm bảo cho mọi hoạt động đời sống của người dân. Để Nhà nước tổ chức và hoạt động, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật (khoản 1, Điều 8, Hiến pháp năm 2013), ngoài yêu cầu phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thì ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân, công dân cũng cần được đề cao.
Với chức năng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang luôn chú trọng nâng cao ý thức pháp luật cho học viên nhằm lan toả, khơi dậy tinh thần, ý thức tôn trọng và thực hiện pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đề cao ý thức thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội.
Bạn đang xem: Thực đơn
Ý thức pháp luật là gì?
Ý thức pháp luật là hệ thống tri thức, quan điểm, học thuyết về pháp luật thể hiện qua nhận thức, tư tưởng, ý chí, tình cảm, niềm tin, thái độ, sự đánh giá của con người (cá nhân, tổ chức, xã hội) về sự cần có của pháp luật, về bản chất và giá trị, tính đúng đắn, hợp lý, công bằng của pháp luật trong quá khứ, của pháp luật hiện hành và pháp luật cần phải có, về các mối quan hệ giữa pháp luật với hành vi của các chủ thể pháp luật trong các quan hệ pháp luật cụ thể[1].
Ý thức pháp luật phản ánh quan điểm, trình độ nhận thức, sự hiểu biết, hệ thống tri thức về pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật cũng như thái độ, phản ứng của chủ thể đối với việc thực hiện pháp luật và hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể khác. Ý thức pháp luật bao gồm tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật. Tư tưởng pháp luật phản ánh thông qua quan điểm, quan niệm, sự hiểu biết, nhận thức của cá nhân về pháp luật. Tâm lý pháp luật biểu hiện tâm trạng, xúc cảm, thái độ của con người đối với pháp luật và các hiện tượng pháp lý khác[2].
2. Vai trò của ý thức pháp luật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được đặt thành nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta, được ghi nhận tại Hiến pháp 2013 và nhiều văn kiện của Đảng. Điều 8 Hiến pháp 2013 đã quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật…”. Trong một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ý thức pháp luật đóng vai trò quan trọng, cụ thể:
Ý thức pháp luật là điều kiện trước tiên để nhà nước thực hiện được vai trò quản lý đối với mọi hoạt động xã hội. Hoạt động quản lý của nhà nước thể hiện trên ba khía cạnh cơ bản, đó là xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật. Cả ba hoạt động này không thể tiến hành có hiệu quả nếu các chủ thể xã hội không có ý thức pháp luật hoặc ý thức pháp luật không cao.
Ý thức pháp luật góp phần quan trọng vào việc duy trì trật tự, kỷ cương của nhà nước và xã hội. Các chủ thể trong xã hội có ý thức pháp luật sẽ đảm bảo việc thực hiện các quy định pháp luật của nhà nước một cách nghiêm minh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Ý thức pháp luật còn góp phần bảo đảm quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội của nhà nước; ý thức pháp luật đảm bảo thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Xem thêm : Top 20 phim tâm lý tình cảm Âu Mỹ lãng mạn hay nhất mọi thời đại
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng là nhà nước được xây dựng và hoạt động trên cơ sở pháp luật, là nhà nước trong đó pháp luật được đặt lên hàng đầu, mọi quan hệ xã hội đều phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Điều đó có nghĩa các chủ thể trong xã hội đều cần phải coi pháp luật là thước đo hành vi xử sự, là tiêu chí đánh giá hành vi của con người, muốn vậy cần phải có ý thức pháp luật, cần phải có sự hiểu biết nhất định về pháp luật, có tình cảm đối với pháp luật, từ đó mới có xử sự hợp lý khi tham gia các quan hệ xã hội.
3. Thực trạng ý thức pháp luật của học viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang
Thời gian qua, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học viên. Trong chương trình học của các lớp trung cấp lý luận chính trị có học phần “Những vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa” cơ bản trang bị những kiến thức về hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật, về pháp chế chế xã hội chủ nghĩa và thực hiện pháp luật. Ngoài ra, Nhà trường còn chú trọng quán triệt, lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng chính sách pháp luật của nhà nước và đặc biệt bổ sung kiến thức pháp luật cho học viên trong các phần học có liên quan khác, trong những vấn đề thực tiễn, trong những buổi phổ biến pháp luật, ngày pháp luật, sinh hoạt lớp…
Qua đó, nhìn chung ý thức pháp luật của học viên tại trường khá tốt, luôn tuân thủ theo quy định của pháp luật, chấp hành nghiêm quy định, quy chế của nhà trường, không có học viên vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Mặc dù học viên của Trường đã được nâng cao về hiểu biết pháp luật và thực hiện pháp luật, song vẫn còn có nội dung học viên chưa nắm chắc, chưa hiểu sâu, hiểu không đầy đủ và hạn hẹp. Vẫn còn hiện tượng học viên vi phạm quy định, quy chế của nhà trường và vi phạm pháp luật ngoài xã hội như: Vi phạm luật giao thông, còn đi học muộn, điểm danh đối phó, chưa chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid -19… Điều đó cho thấy ý thức pháp luật và kiến thức pháp luật của một bộ phận học viên còn thấp, chưa đồng đều, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường và việc thực hiện nghiêm pháp luật trong đời sống xã hội.
4. Một số giải pháp nâng cao ý thức pháp luật cho học viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền đối với công tác nâng cao ý thức pháp luật.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, cần quán triệt Chỉ thị số 32/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên về công tác giáo dục pháp luật. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải luôn xác định vai trò gương mẫu của các đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và vai trò tiên phong của họ trong việc tuyên truyền giáo dục và chấp hành pháp luật; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý giữa các cơ quan, đơn vị với Trường Chính trị.
Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Chính trị cần quan tâm hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho học viên.
Thứ hai, kết hợp nâng cao ý thức pháp luật với giáo dục tư tưởng, chính trị đạo đức, lối sống cho học viên.
Xem thêm : Không Có Giấy Kết Hôn Có Ly Hôn Được Không?
Muốn nâng cao ý thức pháp luật cần phải đặt trong mối quan hệ với các hình thái ý thức xã hội khác nhất là mối quan hệ với ý thức chính trị, ý thức đạo đức. Pháp luật là sự thể chế hóa đường lối chính trị là phương tiện để các đường lối chính trị được thực hiện nghiêm chỉnh trong xã hội. Do vậy, nâng cao ý thức pháp luật là giáo dục chính trị, đường lối, chủ trương quan điểm của Đảng và cũng qua việc giáo dục chính trị để nâng cao nhận thức, thái độ đối với các quy định của pháp luật, biến thành những hành vi ứng xử đúng đắn trong cuộc sống.
Kết hợp giáo dục pháp luật với chính trị, giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm với nâng cao trình độ chung của học viên. Đạo đức và văn hoá là những yếu tố quan trọng để tạo ra ý thức pháp luật đúng đắn, đồng thời giữa đạo đức, văn hoá và pháp luật xã hội chủ nghĩa có quan hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, để nâng cao ý thức pháp luật đạt kết quả, cần kết hợp với giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật. Ngoài ra, cần lồng ghép tuyên truyền, quán triệt về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kết hợp với các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật cho học viên.
Thứ ba, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, tuyên truyền ý thức pháp luật cho học viên.
Muốn học viên có ý thức pháp luật tốt, không vi phạm pháp luật, giữ vững kỷ cương, an ninh trật tự của trường, có ý thức tuân thủ nghiêm túc những nội quy, quy định của trường. Nhà trường thấy được tầm quan trọng của việc giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật cho học viên, thấy được tầm quan trọng của môn học “Những vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa” và việc giáo dục, tuyên truyền ý thức pháp luật cho học viên. Cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục về pháp luật nói chung để nâng cao ý thức pháp luật cho học viên, đảm bảo tính phù hợp, chất lượng, hiệu quả.
Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nhà trường.
Để nâng cao ý thức pháp luật của học viên phải xây dựng được đội ngũ những người làm công tác giáo dục pháp luật, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị nói chung và giảng viên dạy pháp luật nói riêng. Cụ thể, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; đảm bảo đầy đủ tài liệu, trang thiết bị… cho đội ngũ giảng viên. Bản thân mỗi giảng viên cũng cần tự học, tự rèn, thường xuyên cập nhật những văn bản mới của Đảng, Nhà nước, các văn bản luật… đồng thời rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, giáo dục pháp luật để thu hút người nghe và truyền đạt hiệu quả nội dung pháp luật để học viên nhớ, hiểu, vận dụng và thực hiện nghiêm pháp luật. Qua đó sẽ góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời cũng góp phần nâng cao uy tín, chất lượng cho nhà trường.
Thứ năm, tăng cường quản lý, sinh hoạt và nhắc nhở việc nâng cao ý thức pháp luật cho học viên.
Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang cần tăng cường quản lý, sinh hoạt và nhắc nhở việc nâng cao ý thức pháp luật cho học viên một cách thường xuyên hơn nữa. Trong đó, cần phát huy vai trò chủ động, tích cực của đội ngũ giảng viên và ý thức của người học. Thường xuyên quản lý, đôn đốc nhắc nhở việc tuyên truyền giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật cho học viên. Ngoài ra, có thể áp dụng báo cáo chuyên đề ngoại khoá và những cách thức tuyên truyền phù hợp để người học nghiên cứu, vận dụng và thực hiện nghiêm pháp luật.
Có thể khẳng định, nâng cao ý thức pháp luật, xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật của học viên tại Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang là yêu cầu khách quan quan trọng và cấp thiết hiện nay. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên để nâng cao ý thức pháp luật cho học viên của trường. Qua đó, góp phần thực hiện thượng tôn pháp luật trong nhà trường, gia đình và xã hội, đồng thời góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
- https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quan-triet-va-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/824718/nang-cao-y-thuc-phap-luat-cua-can-bo%2C-cong-chuc%2C-vien-chuc%2C-dap-ung-yeu-cau-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam.aspx
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp