Luật dân sự là gì ? Đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Luật dân sự?

Luật dân sự được coi là luật gốc của hệ thống các văn bản và đạo luật. Nội dung của luật dân sự đưa ra các quy định thuộc hầu hết các lĩnh vực và quan hệ xã hội trong đời sống.

Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568

1. Luật dân sự là gì?

Luật dân sự là một ngành luật độc lập trong quan hệ thống pháp luật nhà nước Việt Nam, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật dân sự do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ tài sản và các quan hệ nhân thân phi tài sản hoặc có liên quan đến tài sản của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác, dựa trên nguyên tắc bình đẳng về mặt pháp lí, quyền tự định đoạt, quyền khởi kiện dân sự và trách nhiệm tài sản của những người tham gia quan hệ đó.

Luật dân sự là ngành luật trong hệ thống pháp luật, là tổng hợp những quy phạm điều chỉnh các quan hệ tài sản và một số quan hệ nhân thân trong giao lưu dân sự trên cơ sở bình đẳng, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia các quan hệ dân sự. Luật dân sự gồm các nguyên tắc cơ bản và có chế định khác nhau như: chế định tài sản và quyền sở hữu; chế định nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự; chế định nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật; chế định thực hiện công việc không có ủy quyền; chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; chế định thừa kế; chế định chuyển quyền sử dụng đất; chế định quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Mỗi chế định của luật dân sự đều có những nguyên tắc riêng trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản và có những quy phạm được tập hợp theo những tiêu chí riêng phù hợp với chế định đó.

Trong khoa học pháp lý, khái niệm luật dân sự được hiểu dưới các góc độ: một bộ phận của hệ thống pháp luật Việt Nam, một ngành khoa học pháp lý, một môn học thuộc chương trinh đào tạo đại học, cao học…

• Dựa vào đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh, có thể định nghĩa luật dân sự như sau: Luật dân sự VN là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực tài sản và nhân thân của cá nhân và pháp nhân trên nguyên tắc bình đẳng về mặt pháp lý, tôn trọng quyền tự định đoạt và khả năng tự chịu trách nhiệm về tài sản của các chủ thể.

Luật dân sự là luật gốc của luật tư.

• Luật dân sự được gọi là luật chung.

• Trong quan niệm thống trị của các nước, luật dân sự thiết lập các nguyên tắc cơ bản chi phối toàn bộ hệ thống luật tư. Các nguyên tắc này phải được tôn trọng trong quá trình xây dựng các luật chuyên ngành, nhằm bảo đảm tính thống nhất về quan điểm lập pháp của một hệ thống luật. Điều này được khẳng định trong luật của nhiều nước Châu Âu và đang dần được khẳng định trong quá trình hoàn thiện pháp luật dân sự Việt nam

Luật dân sự tiếng anh là Civil Law

Ngoài ra, còn một số những thuật ngữ khác là tên các Bộ luật thông dụng như:

Bộ Luật Lao động: The Labor Code

Bộ Luật hình sự Việt Nam: The Criminal Code of Vietnam

Bộ Luật Tố Tụng hình sự: The Criminal Procedure Code

Bộ Luật Tố tụng dân sự: Code of Civil Procedure

Bộ luật hàng hải Việt Nam: Vietnam Maritime Code

2. Đối tượng điều chỉnh của luật dân sự:

Đối tượng điều chỉnh của một ngành luật là những nhóm quan hệ xã hội xác định, có đặc tính cơ bản giống nhau và do những quy phạm thuộc ngành luật đó điều chỉnh. Đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh là căn cứ để phân chia các ngành luật trong hệ thống pháp luật. Đối tượng điều chỉnh được ghi ngay đoạn đầu các bộ luật hoặc văn bản luật. Đối tượng điều chỉnh được hiểu là ghi nhận quan hệ xã hội đó bằng pháp luật, hướng dẫn cách xử sự của các bên tham gia quan hệ xã hội đó và bảo vệ khi quan hệ xã hội đó bị xâm hại.

Đối tượng điều chỉnh của pháp luật được xác định bằng những dấu hiệu chung và dấu hiệu riêng. Dấu hiệu chung gồm có:

• Đối tượng điều chỉnh của pháp luật là những quan hệ xã hội trong đó thể hiện xử sự của con người.

• Đối tượng điều chỉnh của pháp luật không phải là tất cả quan hệ xã hội mà chỉ những quan hệ xã hội nào mà pháp luật có thể tác động được.

• Đối tượng điều chỉnh của pháp luật là những quan hệ xã hội mà trong những điều kiện kinh tế – chính trị, xã hội nhất định đòi hỏi một cách khách quan phải được điều chỉnh bằng pháp luật.

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định rằng Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các mối quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).

Với tư cách là một ngành luật trong hệ thống pháp luật nước ta. Luật dân sự điều chỉnh hai nhóm quan hệ cơ bản là: các quan hệ tài sản và các quan hệ nhân thân.

– Nhóm quan hệ nhân thân:

Là quan hệ giữa người với người không mang tính kinh tế, không tính được thành tiền. Nó phát sinh do 1 giá trị tinh thần gắn liền với 1 người hoặc 1 tổ chức nhất định và không dịch chuyển được.

Ví dụ: Quyền được đứng tên trên các tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình… mà người đó là tác giả hay quyền bất khả xâm phạm về nhãn hiệu hàng hoá của 1 doanh nghiệp.

Có 2 loại quan hệ nhân thân là:

+ Quan hệ nhân thân không liên quan đến tài sản:

Là những quan hệ giữa người với người về những lợi ích tinh thần không liên quan đến tài sản như quan hệ về tên gọi, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân hoặc tổ chức nhất định.

+ Quan hệ nhân thân có liên quan đến tài sản:

Là những quan hệ nhân thân là cơ sở làm phát sinh quan hệ tài sản tiếp sau.

Ví dụ: Trong lĩnh vực quyền tác giả (ở đây quan hệ nhân thân là cơ sở khẳng định rằng người sáng tạo ra tác phẩm có quyền đứng tên là tác giả của tác phẩm. Quyền này là quyền nhân thân không thể tách rời chuyển dịch của người sáng tạo. Nhưng đồng thời với việc được thừa nhận là tác giả của tác phẩm người đó còn được hưởng thù lao như nhuận bút theo luật định.

Như vậy: Đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự: là những quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu dùng các sản phẩm hàng hoá nhằm thoả mãn nhu cầu hàng ngày của các thành viên trong xã hội.

3. Phương pháp điều chỉnh của luật dân sự:

Phương pháp điều chỉnh của ngành luật là tổ hợp các phương tiện, biện pháp, cách thức tác động lên các quan hệ xã hội do ngành luật đó điều chỉnh.

Phương pháp điều chỉnh là những biện pháp pháp lý được sử dụng để tác động vào các quan hệ xã hội nhằm làm cho những quan hệ xã hội đó phát sinh, phát triển, thay đổi chấm dứt theo chí của nhà nước thể hiện trong các quy phạm pháp luật. Phương pháp điều chỉnh của ngành luật là cách thức mà nhà nước sử dụng trong pháp luật để tác động tới cách xử sự của những chủ thể – những cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia các quan hệ xã hội.

Thông qua đó, pháp luật tác động vào các quan hệ xã hội một cách đồng bộ làm nảy sinh, xác lập, bảo vệ, phát triển hoặc phòng ngừa, ngăn cấm, hạn chế đến sự nảy sinh, tồn tại, phát triển các quan hệ xã hội mà nhà cầm quyền mong muốn trong các lĩnh vực hoạt động nhất định của Nhà nước, xã hội và công dân.

Phương pháp điều chỉnh của luật dân sự là phương pháp bình đẳng, thỏa thuận (trên cơ sở tôn trọng sự tự do, tự nguyên cam kết, thỏa thuận của các bên, đảm bảo cho các bên có vị trí bình đẳng).

– Đặc điểm:

• Địa vị pháp lý của các chủ thể đều bình đẳng.

• Bảo đảm quyền được lựa chọn, định đoạt của các chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự.

• Quy định trách nhiệm dân sự cho các bên và đảm bảo cho các chủ thể được quyền khởi kiện dân sự

– Bình đẳng về địa vị pháp lý: Có nghĩa là không có bấp kỳ sự phân biệt nào về địa vị xã hội, tình trạng tài sản, giời tính và dân tộc… tất cả để được bình đẳng không có sự ưu tiên nào.

– Độc lập về tổ chức và tài sản: Tổ chức không có sự phụ thuộc vào quan hệ cấp trên hay cấp dưới, các quan hệ hành chính khác .

Tài sản khi tham gia vào quan hệ pháp luật, cá nhân, tổ chức hoàn toàn độc lập với nhau, không có sự nhầm lẫn hay đánh đồng giữa cá nhân này với tổ chức khác, hay giữa các cá nhân với nhau.

– Chế tài trong luật dân sự: Do đối tượng áp dụng của luật dân sự rất rộng và đa dạng vậy nên chế tài trong luật dân sự mang tính đa dạng và theo pháp luật Việt Nam ban hành, hậu quả khác nhau để áp dụng cho từng hành vi, vi phạm tương ứng, tuy nhiên dựa vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà áp dụng chế tài xử pháp khác nhau, chế tài có các mức phạt khác nhau như cải chính, bồi thường thiên tai hay vi phạm đều có các chế tài.

Luật Dân sự sử dụng phương pháp bình đẳng thỏa thuận và phương pháp tự định đoạt, tự chịu trách nhiệm để điều chỉnh các quan hệ pháp luật đó, thể hiện:

– Luật Dân sự chỉ thừa nhận những giao dịch được thực hiện trên cơ sở bình đẳng giữa các bên, nếu có sự áp đặt ý chí hoặc ra lệnh thì giao dịch đó bị coi là vô hiệu. Trong khuôn khổ pháp luật, nhà nước trao cho các chủ thể quyền tự định đoạt và tự nguyện tham gia vào các quan hệ dân sự, lựa chọn đối tác, xác lập cách thức thực hiện quyền và nghĩa vụ cũng như áp dụng các biện pháp chế tài đối với hành vi vi phạm.

– Nhà nước công nhận sự thỏa thuận của các bên nếu những thỏa thuận đó không trái quy định của pháp luật.

Liên quan đến vị trí của Bộ luật dân sự, Bộ luật dân sự không chỉ bao gồm các quy định cụ thể mà còn phải được nhìn nhận như một bản “Hiến pháp” trong hệ thống luật tư. Nó thể hiện suy nghĩ và bản sắc của một dân tộc. Chính trong Bộ luật dân sự, chúng ta có thể tìm thấy các nguyên tắc cho phép xác định thực trạng nền văn hóa, văn minh của một dân tộc, cũng như các nguyên tắc cơ bản mà dân tộc đó phải tuân theo. Riêng cá nhân tôi nghĩ rằng Bộ luật dân sự là một bộ luật cơ bản và có thể gọi là văn bản cao nhất điều chỉnh lĩnh vực tư.