Một số vấn đề về mối quan hệ giữa cung và cầu đối với thị trường báo chí

Theo các nhà kinh tế học trên thế giới thì lý thuyết về cung và cầu “phản ánh sở thích, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loại hàng hóa như thế nào, trong khi chi phí kinh doanh lại là nền tảng của phía cung các hàng hóa đó”. Vận dụng theo lý luận về cung – cầu trong kinh tế học, có thể xem xét sự mong muốn về sản phẩm báo chí truyền thông tương tác với chi phí sản xuất dựa theo các câu hỏi: “sản xuất cái gì?”, “sản xuất như thế nào?” và “sản xuất cho ai?”.

Thuật ngữ “Cầu”trong kinh tế truyền thông thể hiện tập hợp các nhu cầu xã hội đối với các hàng hóa – nội dung báo chí truyền thông đa dạng. Nó được hình thành từ tập hợp các nhu cầu cá thể của công chúng, có bản chất đa dạng, phức tạp và không ổn định. Ngược lại, cũng là cái mà các cơ quan báo chí truyền thông đưa ra, bao gồm hàng hóa (nội dung), cách thức bán hàng và dịch vụ (tiếp cận công chúng) trong những điều kiện nhất định.

Vấn đề cầu trong truyền thông thể hiện ở việc thu phí và trả phí đối với các sản phẩm truyền thông. Tuy nhiên, nhu cầu và lệ phí phụ thuộc vào chất lượng của sản phẩm truyền thông và tùy từng vùng, địa phương chất lượng của sản phẩm truyền thông được đánh giá khác nhau.

Đối với các sản phẩm báo chí truyền thông mà công chúng không phải trả tiền trực tiếp khi sử dụng, vấn đề nhu cầu được thể hiện có phần khác biệt. Sự khác biệt đó xuất phát từ khía cạnh quan điểm, yêu thích, hâm mộ của công chúng dành cho mỗi kênh sóng, mỗi chương trình, mỗi trang báo đều rất khác nhau. Khi càng có nhiều đài truyền hình, chương trình truyền hình xuất hiện thi công chúng càng bị phân chia.

Nhu cầu của các nhà quảng cáo đối với việc tiếp cận công chúng là một đặc điểm khác của yếu tố cầu trong thị trường báo chí truyền thông. Nhà quảng cáo quan tâm đến loại hình phương tiện nào, ví dụ như phát thanh hay truyền hình, báo hay tạp chí, do chính đối tượng công chúng mà loại hình đó tác động chứ không phụ thuộc vào đặc điểm công nghệ, kỹ thuật.

Ảnh hưởng của giá trị hàng hóa báo chí đến cung và cầu, trong đó hành vi của người tiêu dùng là vấn đề kinh tế quan trọng, ảnh hưởng đến tình trạng của bất kỳ ngành công nghiệp nào, kể cả công nghiệp báo chí truyền thông. Nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm báo chí truyền thông giống hay khác nhau được hình thành trongquá trình xác định giá trị của nội dung hàng hóa. Giá trị (value) trong trường hợp này là khái niệm, tiêu chuẩn để tính giá trị thực tiễn của hàng hóa hay dịch vụ, thể hiện sự sẵn sàng chi trả của người mua. Giá trị được xác định bởi sự ưa chuộng hơn của người mua khi lựa chọn. Đây thường được coi là tính chất vốn không có trong hàng hóa ngay từ ban đầu mà xuất hiện trong quá trình trao đổi. Khái niệm giá trị của hàng hóa/dịch vụ bắt nguồn từ khái niệm nhu cầu, đó là tập hợp các nhu cầu xã hội đối với các mặt hàng/dịch vụ khác nhau, được tạo nên từ những nhu cầu cụ thể của người tiêu dùng. Cầu thường xuyên tương tác với cung, quan hệ tương hỗ này là một trong những quy luật kinh tế chính của thị trường hàng hóa.

Theo lý thuyết kinh tế, Cung và Cầu được xác định bởi khách quan cuộc sống chẳng hạn như các chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất, hoặc phát sinh trong việc thực hiện dịch vụ. Cung và cầu trong báo chí truyền thông cũng không đi ngược lại quy luật của kinh tế học, Cầu tạo ra Cung và điều này xuất phát từ nhu cầu thông tin xã hội của người dân và nhu cầu nâng cao kiến thức của công chúng.

Áp dụng khái niệm về giá trị trong kinh tế học, ta có thể suy ra giá trị kinh tế của các loại hình báo chí được xác định bởi công chúng và các nhà quảng cáo. Giá trị đó không xuất hiện ngay khi phương tiện truyền thông sinh ra mà trong quá trình công chúng và nhà quảng cáo tài trợ lựa chọn, sử dụng, trả tiền mua.

Trong kinh tế thị trường, với tư thế của một doanh nghiệp, lợi nhuận của cơ quan báo chí cũng là một trong những yếu tố xác định giá trị của cơ quan đó. Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp thông thường, giá trị của một doanh nghiệp- cơ quan báo chí còn được xác định dựa trên sự ảnh hưởng của thị trường đối với những nội dung của sản phẩm báo chí truyền thông, uy tín của tòa soạn, sức hút của vị thế cơ quan báo chí….

Có một yếu tố quan trọng làm tăng giá trị của các cơ quan báo chí truyền thông, đó là khả năng đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động của nó. Trong bối cảnh nội dung thông tin đang tràn ngập, giá trị của mỗi cơ quan báo chí truyền thông sẽ cao hơn nếu những doanh nghiệp này tiến hành hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, hay còn gọi là hội tụ các sản phẩm khác nhau trong một hệ thống.

Giá trị tiềm tàng của các cơ quan báo chí truyền thông chỉ xác định một phần qua khả năng mang lại lợi nhuận, bởi báo chí không chỉ là một doanh nghiệp mà còn là một lĩnh vực hoạt động chính trị – xã hội quan trọng. Chính vì vậy, giá trị kinh tế của các cơ quan báo chí truyền thông còn được xác định bởi các khả năng tạo ảnh hưởng đến đời sốngchính trị – xã hội mà chúng mang lại cho người sở hữu. Không phải ngẫu nhiên mà vai trò “quyền lực thứ tư” được các nước phương Tây tôn vinh cho báo chí truyền thông.

Giá trị đối với công chúng:Tạo ra các giá trị nằm trong hàng hóa hay dịch vụ là nhiệm vụ chính trong hoạt động của bất kỳ một doanh nghiệp nào. Để có thể tồn tại được trên thị trường, bất kỳ một đơn vị nào cũng cần thu hút khách hàng bằng giá trị nhất định của sản phẩm mà nó làm ra, mang đến cho người tiêu dùng những hàng hóa hay dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của họ. Trên thực tế, việc tạo ra giá trị của hàng hóa/dịch vụ là một quy trình gồm các giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn hình thành nên một phần giá trị khác nhau, tổng hợp tất cả các giá trị trung gian đó sẽ tạo nên giá trị cuối cùng cho người tiêu dùng. Nhà kinh tế học R. Picard đã xác định mô hình “chuỗi giá trị” (value chain) trong kinh tế thị trường:

Chuỗi giá trị tới người tiêu dùng = Chuỗi giá trị của nhà cung cấp + Chuỗi giá trị của nhà sản xuất + Chuỗi giá trị của nhà phân phối

Quan điểm “chuỗi giá trị” có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho tổ chức xác định được những nhiệm vụ cụ thể vàmục tiêu cuối cùng trong hoạt động của mình. Quan điểm “chuỗi giá trị” còn có ý nghĩa lớn hơn trong quá trình liên kết kinh tế, đặc biệt là đối với lĩnh vực báo chí truyền thông. Nhờ sự phát triển của các công nghệ thông tin liên lạc hiện đại, khả năng số hóa nội dung và sự xuất hiện của các kênh truyền dẫn phân phối mới, quy trình sản xuất trong lĩnh vực truyền thông càng có tính liên kết chặt chẽ hơn. R. Picard cho rằng: “Nền tảng cơ bản trong hoạt động truyền thông vẫn là quy trình: Sáng tạo nội dung – hệ thống hóa – đóng gói – phân phối nó”.

Capture

Tất cả các cơ quan báo chí như báo, tạp chí, truyền hình, phát thanh, internet về bản chất đều là nhà sản xuất nội dung. Mặc dù loại hình hoạt động của mỗi đơn vị không giống nhau, trong đó “giai đoạn phân phối” có thể khác biệt đáng kể, tuy nhiên bản chất của hoạt động kinh tế của tất cả các phương tiện này đều dẫn đến việc sản xuất nội dung mới hay sử dụng lại nội dung đã có.

Phân tích “chuỗi giá trị” trong công nghiệp báo chí cho thấy, giá trị được tạo ra trong các giai đoạn sản xuất chủ chốt đều gắn liền với yếu tố nội dung. Nhu cầu của công chúng đối với báo chí được hình thành dưới tác động của tổ hợp các tham số: Các nhu cầu thông tin và giải trí của công chúng, nhu cầu thông tin của xã hội, các đặc điểm về loại hình phương tiện truyền thông quan niệm của công chúng về giá trị của chúng.