Quỹ đầu tư phát triển là gì? Chức năng và nguyên tắc hoạt động của quỹ

Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn mở rộng kinh doanh cũng cần có vốn. Nguồn vốn này không thể phụ thuộc hoàn toàn vào huy động mà doanh nghiệp cũng cần có sự chuẩn bị trước. Thông thường, quỹ đầu tư phát triển là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để sử dụng trong tương lai. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Chứng khoán VINA tìm hiểu về thông tin chi tiết về loại quỹ này nhé.

Quỹ đầu tư phát triển là gì?

Đúng như tên gọi, quỹ đầu tư phát triển được thành lập nhằm mục đích tập trung, dành nguồn tiền cho việc đầu tư phát triển trong tương lai. Trong doanh nghiệp, quỹ đầu tư phát triển là quỹ hình thành từ việc trích lập một phần lợi nhuận sau thuế. Quỹ này được sử dụng với mục đích mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư để kiếm thêm lợi nhuận.

Quỹ đầu tư phát triển là tài sản hay nguồn vốn?

Quỹ đầu tư phát triển được trích lập từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nên sẽ được coi như nguồn vốn.

Nguồn vốn được chia thành 2 loại, vốn chủ sở hữu và nợ. Thông thường, phần lớn nguồn vốn của doanh nghiệp được hình thành từ nợ. Nghĩa là, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi sở hữu nguồn vốn đó. Tuy nhiên, quỹ đầu tư phát triển được hình thành từ chính lợi nhuận của doanh nghiệp, không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ nên nó được hình thành từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Phân loại quỹ đầu tư phát triển

Quỹ đầu tư phát triển hiện nay được chia thành 2 loại chính. Đó là quỹ phát triển doanh nghiệp và quỹ phát triển của địa phương. Trong đó, quỹ của doanh nghiệp được hình thành để đầu tư nhằm mục đích phát triển của chính doanh nghiệp đó trong tương lai. Khi doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị; nghiên cứu và ứng dụng sản phẩm mới, bổ sung nguồn vốn…

Khác với quỹ phát triển của doanh nghiệp, quỹ đầu tư phát triển của địa phương hoạt động như một tổ chức tài chính cấp địa phương, làm nhiệm vụ cung cấp nguồn vốn đóng góp vào sự phát triển của địa phương đó. Do đó, quỹ này có tư cách pháp nhân, có quy định vốn điều lệ và có thực hiện lập bảng cân đối kế toán như một doanh nghiệp.

Chức năng của quỹ đầu tư phát triển

Có 2 loại quỹ đầu tư phát triển, mỗi loại được sử dụng với những chức năng khác nhau.

  • Đối với quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp: Được sử dụng cho các hoạt động, mục đích mở rộng hoạt động và quy mô kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai.
  • Đối với quỹ đầu tư phát triển địa phương: Quỹ làm nhiệm vụ huy động nguồn vốn trung và dài hạn từ các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật. Đồng thời, thực hiện phân bổ, quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đó theo đúng mục tiêu phát triển như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội cho địa phương…

chuc-nang-cua-quy-dau-tu-phat-trien

Nguồn vốn của quỹ lấy từ đâu?

Như đã nhắc tới ở phần trên, nguồn vốn được hình thành từ nợ và vốn chủ sở hữu. Nghĩa là vốn huy động và vốn do các chủ sở hữu đóng góp. Quỹ đầu tư phát triển được quy về nguồn vốn nên cũng được hình thành từ 2 nguồn này. Nghĩa là, nó có thể hình thành từ trích lập lợi nhuận sau thuế và cũng bao gồm vốn do chủ sở hữu đóng góp.

Vốn chủ sở hữu

Trong doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu là nguồn vốn do các chủ sở hữu của doanh nghiệp đóng góp. Đây là nguồn vốn cần có ban đầu để doanh nghiệp có thể bắt đầu hoạt động kinh doanh. Nguồn vốn này đảm bảo khả năng thanh toán, trả nợ, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, vốn chủ sở hữu có thể tăng lên từ lợi nhuận giữ lãi chưa phân phối, chủ sở hữu góp thêm, thặng dư vốn cổ phần, chênh lệch đánh giá tài sản… và một số nguồn khác. Nếu phát sinh bất kỳ vấn đề gì, vốn chủ sở hữu là nguồn vốn cuối cùng được sử dụng, sau khi các biện pháp khác không hiệu quả. Nguồn vốn chủ sở hữu chiếm đa số trong quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp.

Còn đối với quỹ đầu tư phát triển địa phương, nguồn vốn chủ sở hữu bao gồm trích từ vốn điều lệ trong dự toán chi ngân sách, nguồn tăng thu ngân sách các địa phương, các khoản đóng góp và viện trợ.

Vốn huy động

Vốn huy động là nguồn vốn hình thành vốn góp của các cổ đông, vốn vay, tiền ủy thác đầu tư… Khi quỹ đầu tư phát triển có ít vốn, doanh nghiệp có thể huy động thêm vốn từ cổ đông, vay vốn, phát hành chứng chỉ quỹ, phát hành thêm trái phiếu… để bổ sung vào nguồn vốn của quỹ.

Trái ngược với quỹ doanh nghiệp, nguồn vốn của quỹ địa phương phần lớn hình thành từ vốn huy động. Do hoạt động như một tổ chức tài chính nên cũng có thể huy động thêm vốn từ việc đi vay, phát hành trái phiếu hoặc các hình thức huy động khác theo quy định pháp luật Việt Nam.

Nguyên tắc hoạt động của quỹ đầu tư phát triển

Nguyên tắc của quỹ đầu tư phát triển địa phương

Đối với quỹ đầu tư phát triển địa phương, nguyên tắc hoạt động như sau:

  • Đảm bảo tự chủ tài chính đối với nguồn vốn hình thành quỹ, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước.
  • Đảm bảo nguồn vốn của quỹ phải được sử dụng cho các mục tiêu bảo toàn và phát triển địa phương, không sử dụng với mục đích lợi nhuận.
  • Không được sử dụng nguồn vốn của quỹ để đầu tư, hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp mà người chủ sở hữu/người quản lý/người đại diện doanh nghiệp đó là người thân trong gia đình của người quản lý quỹ.
  • Không được sử dụng nguồn vốn của quỹ để góp vốn, mở công ty con hay thành lập tổ chức kinh tế mới, ký kết hợp động dưới mọi hình thức.
  • Thực hiện các hoạt động của một tổ chức tài chính đúng với mục đích thành lập quỹ, theo đúng quy định pháp luật.
  • Đối với hoạt động cho vay, phải cho vay đúng đối tượng sau khi đã thẩm định dự án có khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ trong thời hạn tối đa 15 năm.

quy-dau-tu-phat-trien-dia-phuong

Nguyên tắc của quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp

Nguyên tắc hoạt động của quỹ đầu tư phát triển trong doanh nghiệp như sau:

  • Đảm bảo sử dụng đúng với mục đích phát triển doanh nghiệp là đầu tư mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh.
  • Không sử dụng quỹ với mục tiêu lợi nhuận, không sử dụng để trả nợ hoặc thực hiện các trách nhiệm tài chính khác của doanh nghiệp.
  • Việc trích lập và sử dụng quỹ này phải tuân theo chính sách tài chính hiện hành của mỗi loại hình doanh nghiệp và quyết định của các chủ sở hữu.

Doanh nghiệp thành lập quỹ đầu tư phát triển làm gì?

Quỹ đầu tư phát triển được doanh nghiệp hình thành nhằm mục đích sau:

  • Đầu tư mở rộng quy mô, chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh.
  • Đổi mới các trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất, dây chuyền công nghệ.
  • Áp dụng công nghệ hiện đại hơn vào hoạt động sản xuất và quản lý doanh nghiệp.
  • Cải thiện trang thiết bị và điều kiện làm việc cho người lao động.
  • Tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng nhân sự trong doanh nghiệp.
  • Bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, đầu tư khi cần thiết.
  • Sử dụng cho những mục tiêu khác được quy định trong quy chế tài chính của doanh nghiệp.

Qũy đầu tư phát triển đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp và địa phương. Đây là bước chuẩn bị lâu dài cho sự phát triển của doanh nghiệp và địa phương trong tương lai. Chứng khoán VINA hy vọng qua bài viết này có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về quỹ đầu tư phát triển, nguồn vốn, cách hoạt động và nguyên tắc hoạt động của quỹ này. Từ đó có thêm các thông tin, kiến thức khi lựa chọn và tìm hiểu về doanh nghiệp.