Đồng tình với quy định chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là sĩ quan dự bị
Về Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng (Điều 20), giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, căn cứ ý kiến thảo luận của các đại biểu tại kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Đa số ý kiến nhất trí Phương án 1 quy định: “Chỉ huy trưởng là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã, sĩ quan dự bị; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã”. Có ý kiến nhất trí Phương án 2 quy định “Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm” để tương thích với Công an xã đang xây dựng chính quy, đồng thời có lộ trình bố trí sĩ quan đảm nhiệm chức danh này ngay từ thời bình phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, thực hiện Phương án 1 là hợp lý, vì đã thể chế Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; thống nhất với Điều 16 Luật Quốc phòng; không làm tăng biên chế, phù hợp với tính chất của DQTV “là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác” và yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cũng đồng tình với quy định như phương án 1 trong dự thảo luật và nhấn mạnh: Thực tế hiện nay, cơ bản chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã đã được đào tạo ngành quân sự, có cơ sở phong quân hàm sĩ quan dự bị, được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật. Do đó, trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã sẽ được gọi phục vụ tại ngũ và trở thành sĩ quan dự bị; khi hết hai tình trạng này thì được giải ngũ theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Nếu quy định sĩ quan chính quy đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngay từ thời bình sẽ làm tăng thêm rất nhiều biên chế, ngân sách nhà nước không thể bảo đảm, làm dôi dư và phát sinh thêm nhiều chính sách đối với một số công chức. Do đó sẽ không phù hợp với tính chất của DQTV là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, công tác. Trong khi thực tế thời gian qua, thực hiện các quy định hiện hành, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã vẫn bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Xem thêm : Học Tiếng Anh chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng
Cho rằng trong thời bình, không cần bố trí sĩ quan chuyên nghiệp đảm nhiệm chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, song đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nêu lên thực tế là, thời gian qua, ở một số địa phương, nhất là xã biên giới, xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh, tình hình tội phạm ma túy, buôn lậu, buôn người, vượt biên trái phép, tội phạm xuyên quốc gia hoạt động tinh vi, phức tạp. Việc bảo đảm điều kiện bố trí sĩ quan Quân đội nhân dân đảm nhiệm chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là cần thiết, nhằm tăng cường khả năng ứng phó với tình hình, nâng cao công tác phối hợp với các lực lượng khác trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Vì vậy, đại biểu Phạm Thị Thu Trang đề nghị nghiên cứu sửa lại là: Chỉ huy trưởng là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã, sĩ quan dự bị; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã. Đối với xã trọng điểm quốc phòng, an ninh, xã biên giới, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan Quân đội nhân dân đảm nhiệm” để phù hợp với tình hình hiện nay.
Nâng độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV
Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV trong thời bình cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Một số ý kiến đề nghị nâng độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV cho phù hợp với dự kiến nâng độ tuổi nghỉ hưu; một số ý kiến đề nghị giảm độ tuổi và thời hạn tham gia DQTV.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN.
Xem thêm : Bánh sinh nhật để tủ lạnh được bao lâu? 5 TUYỆT CHIÊU bảo quản cực đơn giản
Giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nêu rõ: Quy định độ tuổi tham gia DQTV cơ bản kế thừa Luật DQTV hiện hành, đã thực hiện ổn định và thực tế không phải tất cả công dân trong độ tuổi đều được tuyển chọn tham gia DQTV. Ngoài ra, việc quy định kéo dài độ tuổi và thời hạn nhằm khắc phục một số nơi thiếu người để tổ chức đơn vị DQTV và thu hút công dân có kinh nghiệm, khả năng vào phục vụ trong DQTV. Mặt khác, nhu cầu tuyển chọn công dân vào DQTV không lớn. Nếu tăng độ tuổi lên 5 năm và kéo dài thời hạn đến hết độ tuổi lao động sẽ không phù hợp với hoạt động quốc phòng, quân sự, phát sinh chi phí quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) kiến nghị cần quy định rõ độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV đối với các lực lượng tự vệ từ các cơ quan, đơn vị có tính ổn định về nhân sự theo quy định của Bộ luật Lao động. Mặt khác, đại biểu cũng đề nghị, ban soạn thảo cần đánh giá tác động toàn diện về độ tuổi, đối chiếu với Bộ luật Lao động đang được sửa đổi để quy định cho phù hợp nhằm tận dụng trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đối với lực lượng DQTV, nhất là đối với một số lĩnh vực như: Phòng không không quân, pháo binh, hóa binh, công binh và y tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) thì cho rằng, theo quy định tại dự thảo Luật, độ tuổi thực hiện nghĩa vụ DQTV với nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45; nữ từ đủ 18 đến hết 40 tuổi, nếu tình nguyện có thể kéo dài đến hết 50 với nam và 45 với nữ. Đại biểu đồng tình với quy định điều chỉnh độ tuổi cao hơn để phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến, đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) kiến nghị cần mở rộng hơn thời gian tự nguyện tham gia lực lượng này. ”Sau khi hoàn thành nghĩa vụ DQTV, công dân thực hiện tốt, có nhu cầu, tâm huyết được phục vụ thêm thì nên tạo điền kiện để bổ sung lực lượng. Thực tế nhiều địa phương thiếu hụt nguồn lực nên việc khuyến khích kéo dài tuổi tham gia với lực lượng này là hết sức quan trọng”, đại biểu phân tích.
PHƯƠNG HẰNG
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp