Sự ra đời của Luật GTĐB 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019 và tiếp sau đó là Nghị định 100/2019 đánh dấu một bước chuyển mình đáng chú ý trong văn hoá rượu bia của người Việt Nam.
Công ty TNHH Vận tải Khánh Nhung bị Bảo hiểm Bảo Minh từ chối bồi thường sau tai nạn khi tài xế có chỉ số nồng độ cồn trong máu trên “0” dù vẫn dưới ngưỡng trị số bình thường. Rất nhiều người vui vẻ mà nói rằng, họ đã thoát khỏi cảnh bị ép rượu mỗi khi về quê hay tham dự sự kiện nào đó. Rất nhiều người khác cũng đã chuyển sang đi taxi mỗi khi đi nhậu.
Mặt tích cực thì khỏi phải bàn cãi, tuy vậy, mặt trái của con số “không” tuyệt đối vẫn khiến cho nhiều tài xế rơi vào cảnh hàm oan.
Theo quy định hiện hành tại khoản 8 điều 8 luật GTĐB 2008 sửa đổi bổ sung ngày 5/7/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, người điều khiển bị cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có cồn.
Điều trớ trêu ở đây là quy định này dường như đang thách thức tính thực tiễn khi mà các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng, dù không hề sử dụng rượu bia, một người bình thường vẫn có thể có một hàm lượng nhỏ ethanol sinh học trong máu. Điều này thậm chí còn được quy định bằng văn bản và được Bộ Y tế ban hành.
Theo danh mục Quy trình kỹ thuật chuyên ngành hoá sinh số thứ tự 60 về định lượng cồn (Ethanol) trong máu, được ban hành kèm theo Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/1/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, khi xét nghiệm mà có kết quả nồng độ cồn trong máu dưới 10,9 mmol/L (tương đương 50.23 mg/dl hoặc 0.5023 mg/ml) thì được coi là không có.
Theo cách giải thích của nhiều chuyên gia y tế, chỉ số nồng độ cồn này là hoàn toàn tự nhiên do cơ chế sinh học của con người sinh ra. Hay nói cách khác, bất kỳ ai khi bị đưa đi xét nghiệm máu thì cũng đều có thể có nồng độ cồn trong máu dù cho cả đời chưa bao giờ đụng đến dù chỉ một giọt rượu bia.
Bảo hiểm Bảo Minh cố tình lợi dụng “số 0 tuyệt đối” trong quy định của Luật GTĐB để từ chối bồi thường bảo hiểm
Trong thời gian vừa qua, không ít trường hợp lái xe hoàn toàn không sử dụng rượu bia nhưng vẫn bị các công ty bảo hiểm từ chối bồi thường với lý do trong máu có cồn, bất chấp việc nồng độ cồn hoàn toàn nằm trong giới hạn bình thường (dưới ngưỡng) và được coi là nồng độ cồn tự nhiên trong cơ thể, không phải do tác dụng của rượu bia gây ra.
Các chủ xe cho biết họ rất bức xúc vì bị các hãng bảo hiểm từ chối bồi thường một cách oan ức, nhưng hoặc vì thiếu hiểu biết pháp luật hoặc vì chán nản do thủ tục khiếu kiện kéo dài nên họ đành chấp nhận bỏ cuộc.
Xét theo cái cách lập luận của nhiều công ty bảo hiểm, chắc hẳn họ sẽ chẳng phải bồi thường cho bất kỳ khách hàng nào, bởi cứ mang họ đi xét nghiệm máu, chắc chắn khách hàng đó sẽ có nồng độ cồn trong máu.
Rõ ràng ai cũng hiểu và ủng hộ việc cấm sử dụng rượu bia khi lái xe. Tuy vậy, việc các hãng bảo hiểm cố tình vận dụng, lợi dụng “số 0 tuyệt đối” trong quy định của Luật GTĐB là chưa thực sự thuyết phục, bởi các bằng chứng khoa học cũng như quy định của Bộ Y tế đều chỉ ra rõ: “Một người bình thường không sử dụng rượu bia nhưng vẫn có một hàm lượng nhỏ ethanol nhất định trong máu”.
Vì thế có thể thấy “số 0 tuyệt đối” đang đẩy người lái xe vào tình thế ‘tình ngay lý gian’ và có nguy cơ phải chịu rủi ro pháp lý một cách oan uổng.
Văn bản của GĐ BVQY 120 trả lời công văn của TAND TP Mỹ Tho giải thích quá trình lên men rượu tự nhiên trong cơ thể. Việc có nồng độ cồn trong máu ở dưới ngưỡng 50,23 mg/dL là bình thường và không phải do sử dụng rượu bia hay thức uống có cồn gây ra
Xem thêm : Nêu tác dụng của biện pháp ẩn dụ và hoán dụ – Ngữ văn 6
Nên chăng các nhà làm luật, các cơ quan quản lý giám sát về lĩnh vực bảo hiểm có thể xem xét điều chỉnh, hướng dẫn lại quy định của pháp luật để phù hợp hơn với cơ chế sinh học tự nhiên của con người dựa trên các căn cứ khoa học?
Thiết nghĩ sự điều chỉnh hay những hướng dẫn cụ thể, khoa học ấy dẫu chỉ giải oan cho những trường hợp hy hữu hay đa số người tham gia giao thông thì cũng là việc nên làm để xây dựng niềm tin vào pháp luật với những tài xế đã nghiêm túc chấp hành quy định về nồng độ cồn.
Theo quy định của Bộ Y tế, đơn vị biểu thị kết quả xét nghiệm được sử dụng là mg/L hoặc mmol/L. Hệ số chuyển đổi là mmol/L x 4,608 = mg/100mL hoặc mmol/L x 0,04608 = g/L.
Trong khi đó, theo quy định tại NĐ100/2019, đơn vị được tính đối với nồng độ cồn trong máu để áp dụng hình thức xử phạt là mg/mL.
Như vậy, ta có thể quy đổi mức giới hạn bình thường của một người không sử dụng rượu bia (được coi là không sử dụng rượu bia) là khi có chỉ số nồng độ cồn trong máu nhỏ hơn một trong các chỉ số sau (theo đơn vị biểu thị kết quả tương ứng):
– 10,9 mmol/L
– 50,23 mg/dL
– 0.5023 mg/mL
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp