Trẻ bị tích tụ ráy tai, nên làm thế nào?

Không nên loại bỏ ráy tai nếu nó không gây ra các triệu chứng và không ngăn cản bác sĩ nhi khoa khám tai cho con bạn. Nếu bạn định làm sạch tai cho con mình, hãy dùng khăn mềm để lau sạch ráy tai bám vào phần ngoài của tai.

Không cho bất cứ thứ gì vào tai, không sử dụng tăm bông để đưa vào ống tai trẻ với mục đích loại bỏ ráy tai bởi điều này có thể khiến ráy tai vào sâu hơn. Ngoài ra, điều này còn khiến trẻ có nguy cơ bị rách màng nhĩ và tình trạng tích tụ ráy tai càng trở nên tồi tệ hơn vì ráy tai bị đẩy vào sâu hơn bên trong ống tai.

Nếu có ráy tai bên tai ngoài của trẻ, bạn có thể lau sạch bằng tăm bông hoặc tốt hơn nên dùng khăn ướt. Nếu trẻ có nhiều ráy tai tích tụ bên trong tai, nên đưa trẻ đến bác sĩ để được xem xét kỹ hơn. Để loại bỏ ráy tai tích tụ quá mức ở trẻ, bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp sau đây:

  • Thuốc nhỏ tai: để làm mềm ráy tai và làm cho nó tự bong ra, thuốc nhỏ tai nên được sử dụng ít nhất một lần một ngày. Lượng thuốc và thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ tích tụ ráy tai. Mẹ hãy đặt trẻ nằm xuống, xoay phía tai cần nhỏ thuốc lên trên và nhẹ nhàng nhỏ vài giọt thuốc vào tai.

Giữ tư thế nằm trong vài phút trước khi cho bé ngồi dậy. Tuyệt đối không bao giờ dùng ngón tay hoặc bông tăm để lấy ráy tai ra ngoài. Ráy tai sẽ tự bong ra sau khi được làm mềm. Thuốc làm mềm ráy tai thường có sẵn tại các hiệu thuốc và không cần kê đơn nhưng bác sĩ khuyến cáo không sử dụng thuốc này cho trẻ dưới 6 tuổi trừ khi được bác sĩ kê đơn hoặc khuyên dùng.

  • Lấy ráy tai bằng phương pháp thủ công: Nếu ráy tai quá cứng, mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ. Các bác sĩ chuyên khoa có một bộ dụng cụ chuyên dụng để lấy ráy tai thủ công một cách an toàn. Tuy nhiên, bố mẹ sẽ phải bế bé vì trẻ thường sẽ không chịu nằm yên hoặc nếu ráy tai quá cứng có thể gây đau đớn cho trẻ, các bác sĩ sẽ cân nhắc việc sử dụng thuốc gây mê hoặc gây tê. Trong trường hợp trẻ bị nhiễm trùng ống tai, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh sau thủ thuật loại bỏ ráy tai.