Cao hổ cốt không có tác dụng chữa bệnh “thần kỳ” như đồn thổi
Theo báo cáo của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), tính đến năm 2015 Việt Nam chỉ còn dưới 5 cá thể hổ sống ngoài tự nhiên. Mặc dù vậy, trên thực tế, hổ có thể không còn ở Việt Nam nữa.
Bạn đang xem: Những nhận thức sai lầm về tác dụng của cao hổ cốt và các sản phẩm từ hổ
Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ hổ ở Châu Á, đặc biệt là tại Việt Nam và Trung Quốc, là nguyên nhân chính thúc đẩy tình trạng suy giảm số lượng của loài này. Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ xuất phát từ niềm tin vào các đặc tính được cho là có thể chữa bệnh và trừ tà của các sản phẩm từ hổ. Cụ thể, các sản phẩm làm từ xương và máu hổ được tiêu thụ do các đặc tính được cho là có thể chữa bệnh, các sản phẩm mang tính biểu tượng tâm linh như xương sọ, da, móng vuốt và răng nanh thường được sử dụng như vật trang trí hoặc trang sức.
Cao hổ được quảng cáo, rao bán trên mạng xã hội. Ảnh: Báo Lao động
Từ xa xưa các loài cây cỏ và động vật đã được con người sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. Trong một số tài liệu về y học cổ truyền của Việt Nam, cao hổ cốt được đề cập đến với vị mặn cay, tính ấm, quy vào kinh thận và can. Cao hổ cốt cũng được dân gian lưu truyền về tác dụng bổ thận, giảm đau, trừ phong thấp, làm mạnh gân cốt, dùng để chữa các chứng đau nhức, tê thấp, đi lại khó khăn, chân tay co quắp, thoái hóa xương khớp, suy nhược cơ thể, loãng xương… Thế nên nhiều người đã chạy đua trong cuộc săn lùng xương và cao của “ông ba mươi” vốn đang sắp tuyệt chủng.
Tuy nhiên y học đã phát triển mạnh mẽ và việc sử dụng các phương pháp chữa bệnh bằng kinh nghiệm hoặc bằng truyền miệng dân gian, hay như việc cúng bái để chữa bệnh không còn nhiều hiệu quả. Nhất là trong thời đại phát triển hiện nay, các sản phẩm từ hổ, cao hổ cốt từ xa xưa được đồn thổi có tác dụng chữa bách bệnh, mang lại sức khoẻ thì không như đồn đoán.
Theo đánh giá của các chuyên gia y học, cao hổ cốt không có tác dụng chữa bệnh “thần kỳ” như lời đồn thổi. Bác sĩ của Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đến nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh được tác dụng giải độc hoặc chữa bệnh của những sản phẩm như sừng tê, cao hổ… được đồn thổi trong dân gian. Theo vào đó, là các phản ứng dị ứng và nhiễm độc do các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như sừng tê giác, mật gấu, cao hổ… thường khá nặng và diễn biến dai dẳng, ít đáp ứng với điều trị.
Xem thêm : Góc nhọn là gì? Tất tần tật kiến thức chi tiết về góc nhọn của hình học
Bác sỹ Nguyễn Văn Thế, Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) cho rằng, các bài thuốc có sử dụng sản phẩm từ động vật, sản phẩm động vật như mật gấu, tê giác, cao hổ… không có tác dụng như lâu nay người ta vẫn đồn đoán. Nhiều bệnh nhân vẫn mơ hồ về công dụng thực sự của những sản phẩm này.
Bác sỹ Nguyễn Văn Thế chia sẻ: “Cao hổ cốt bản chất chủ yếu là canxi mà canxi để vào xương phụ thuộc vào 3 vấn đề. Để hấp thụ được canxi, bác sĩ phải kê đến 3 loại thuốc. Nếu chỉ dùng cao hổ cốt mà xương hấp thụ được canxi thì hơi khó khăn, do đó, hiệu quả rất thấp so với số tiền bỏ ra. Hơn nữa ngày nay cao hổ bị làm giả rất nhiều”.
Theo Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học Cổ truyền Bệnh viện Quân đội 108, kẻ xấu thường dùng các loại cao xương động vật khác như trâu, bò, lợn, gà… mạo danh là cao hổ để bán với giá tương đương. Nguy hiểm nhất, chúng thường trộn một số thuốc Tây dạng chống viêm, giảm đau mạnh để lừa những người đang bị hành hạ bởi chứng đau khớp… Việc dùng sản phẩm này dù có tác dụng đi nữa nhưng không xứng với số tiền bỏ ra.
Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội đông y Việt Nam, khẳng định, đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào trong y văn cho thấy cao hổ cốt có hiệu quả điều trị các bệnh lý xương khớp, tác dụng “thần kỳ” của cao hổ cốt chỉ là lời đồn đại, huyền thoại và lâu dần trở thành niềm tin.
Sử dụng, tiêu thụ các chế phẩm từ động vật hoang dã bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Có một thực tế là con người đã và đang tự ý sử dụng cao hổ cốt với nhiều mục đích chữa bệnh khác nhau, thậm chí là mục đích cho tặng hoặc thể hiện đẳng cấp xã hội một cách không đúng đắn. Hành vi này không chỉ đe dọa nghiêm trọng tới sự sinh tồn của giống loài này trong tương lai, mà còn khiến nhu cầu sử dụng và buôn bán cao hổ gia tăng, nằm ngoài sự kiểm soát của các cấp có thẩm quyền. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các họat động buôn bán, tiêu thụ, quảng cáo các sản phẩm từ hổ và các động vật hoang dã khác nói chung trở nên phức tạp. Mặc dù pháp luật Việt Nam và pháp luật thế giới hoàn toàn nghiêm cấm. Đặc biệt, săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý… có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Động vật hoang dã được lực lượng chức năng phát hiện tại một nhà hàng ở thị trấn Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa -Ảnh: TTXVN
Xem thêm : 20, 21 điểm khối D nên chọn trường nào?
Tại Việt Nam, thu nhập quốc dân tăng cùng với nhận thức thấp về mức độ ảnh hưởng của buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái pháp luật của cộng đồng khiến tình trạng buôn bán và tiêu thụ ĐVHD gia tăng đáng kể. Năm 2017, một báo cáo của Tổ chức TRAFFIC đã chỉ ra rằng 6% số người tham gia khảo sát sinh sống tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tự nhận đã từng sử dụng hoặc từng mua sản phẩm từ hổ, và 64% trong số họ nói sẽ khuyến khích người khác sử dụng các sản phẩm này. Cao hổ cốt là sản phẩm được sử dụng nhiều nhất với 83% người tham gia khảo sát thừa nhận đã từng mua và sử dụng. Đối tượng sử dụng cao hổ cốt là nam, nữ có độ tuổi từ 45-60, sinh sống tại các thành phố lớn, có thu nhập trung bình từ 20 triệu VNĐ trở lên, có học thức cao và công việc ổn định (ví dụ làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, chủ doanh nghiệp hoặc công việc tự do khác). Họ thường biếu tặng cao hổ cốt để nhận được sự tôn trọng từ các thành viên lớn tuổi trong gia đình và đối tác của họ. Một trong những mục đích sử dụng chính là sử dụng cao hổ cốt để phòng và chữa bệnh có liên quan đến xương khớp.
Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ được xem là mối đe dọa tới sự sinh tồn của giống loài này trong tương lai. Từ năm 2000, Việt Nam đã tịch thu gần 216 cá thể hổ, con số này chiếm khoảng gần 10% cá thể hổ bị tịch thu tại 13 quốc gia ghi nhận hổ hoang dã sinh sống. Không những vậy, hổ và các bộ phận, sản phẩm từ hổ còn được rao bán sôi nổi trên các nền tảng trực tuyến với chủ yếu các tài khoản mua bán đến từ Việt Nam. 75% trong số 675 tài khoản mạng xã hội buôn bán, quảng cáo trái pháp luật các sản phẩm từ hổ trong khoảng thời gian từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2022 được xác định đến từ Việt Nam.
Trong nhiều năm trở lại đây, việc bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam được quan tâm hơn và đạt được nhiều kết quả khích lệ. Trong đó, có những nỗ lực trong việc tăng cường thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và khắc phục những lỗ hổng pháp lý, nâng cao khung hình phạt và cải tiến khung pháp lý nói chung, đồng thời đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm pháp luật để bảo vệ chặt chẽ những loài nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam, giảm cầu tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.
Theo đó, các hành vi săn bắt, giết hại, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm đã được đấu tranh, ngăn chặn mạnh mẽ; hầu hết các vụ buôn bán, săn bắt trái phép động vật hoang dã đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật nhỏ hay ít. Trong đó, các loài động vật hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý hiếm bị thu giữ trong các vụ vi phạm pháp luật được cơ quan chức năng cấm và không tiến hành bán đấu giá, phát mại đối với tang vật thu giữ.
Theo báo cáo “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam năm 2022” được phân tích dựa trên 156 vụ án hình sự về động vật hoang dã phát hiện trong năm 2022: Kết quả phân tích cho thấy, 95% các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ; 79% các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ đã được đưa ra xét xử và kết án với một hoặc nhiều đối tượng có liên quan.
Chúng ta được biết đến Việt Nam có nguồn tài nguyên cây thuốc đa dạng với hơn 5.000 loài đã được ghi nhận. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng sở hữu vốn tri thức phong phú về sử dụng các cây cỏ sẵn có để làm thuốc. Trong đó nhiều loài cây thuốc có tác dụng thay thế cao hổ cốt đã được sử dụng trong điều trị các chứng bệnh đau nhức, tê thấp, thoái hóa xương khớp và suy nhược cơ thể từ bao đời nay.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ nguồn dược liệu quý giá, có nguồn gốc rõ ràng, có nghiên cứu khoa học và khẳng định những lợi ích của sản phẩm. Có thể khẳng định rằng, với sự phát triển như vũ bão y học hiện nay, nếu cần tăng cường sức khỏe hay chữa trị bệnh, người ta có thể dùng rất nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng hiện đại mà con người đã sáng sáng chế ra chăm sóc sức khoẻ con người. Đừng tin vào một thứ không có bất cứ cơ sở khoa học nào như cao hổ cốt. Hãy từ chối mua bán và sử dụng cao hổ cốt để chăm sóc sức khỏe mà thay vào đó, chúng ta cần thường xuyên luyện tập, rèn luyện thể thao, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, điều độ và khoa học. Đó là những thứ quan trọng nhất để chúng ta có sức khỏe và sức khỏe do chính chúng ta tạo ra, rèn luyện mà có. Từ những thực tế này, chúng ta không những có sức khỏe khỏe mạnh mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ loài hổ và các loài động vật hoang dã quý hiếm khác./.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp