Cáp Giới (Tắc kè): Vị thuốc thần kỳ dành cho người lớn tuổi

Video rượu tắc kè ngâm bao lâu thì uống được

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Cáp giới.

Tên gọi khác: Tắc kè, Tiên thiềm (Bản Thảo Cương Mục), Cáp giải (Nhật Hoa Tử Bản Thảo), Đại bích hổ (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Tên khoa học: Gekko Gekko Lin. Họ Tắc kè (Gekkonidae).

Đặc điểm tự nhiên

Tắc kè có hình dáng gần giống Thằn Lằn (Thạch sùng), nhưng to hơn nhiều. Tắc kè có da đa dạng màu sắc như nâu đen, nâu xanh, xanh cam, màu xám lưng có chấm lốm đốm,… thay đổi phù hợp với môi trường xung quanh. Con đực có da sần sùi, miệng rộng, đuôi nhỏ dài, con cái da mịn nhẵn, miệng bé, đuôi lớn ngắn. Thân dài khoảng 10 – 17cm (không kể phần đuôi). Đuôi có thể dài bằng thân mình, khi đứt có thể mọc lại. Bụng phình to có 4 chân, ngón chân có màng mỏng, giúp leo bò trên các vách núi cheo leo và trên cây, miệng có hai hàm răng nhọn.

Tắc kè sống ở vách núi hay các hốc thân cây trong rừng. Cũng thường sống thành từng đôi một (một đực, một cái), ngày nay xuất hiện nhiều trong các nhà là nông thôn và thành thị. Người xưa nói rằng con đực kêu “tắc” (cáp), con cái kêu “kè” (giới) nhưng thực tế một con có thể kêu cả hai tiếng “tắc kè”. Nếu dùng Tắc kè ngâm thuốc dân gian thường dùng đủ cả đôi. Ban ngày mắt của Tắc kè bị lóa nên chỉ đi kiếm mồi vào ban đêm, chúng thích ăn sâu bọ có cánh, lúc bắt mồi động tác rất linh hoạt.

Vào khoảng tháng 4 bắt đầu mùa hoạt động của Tắc kè, tháng 5 – 6 là tháng hoạt động mạnh nhất, sau tiết Sương giáng thì Tắc kè bắt đầu ngủ đông. Cần phân biệt với con Tắc kè với con Cắt kè, con Giác thiềm (Phrynosoma cornutum), Tò te hay Rồng đất (Physignathus cocincinus), chúng có hình dáng như Tắc kè nhưng nhỏ hơn, con đực có gờ gai lưng phát triển hơn con cái. Chúng thường sống ở bụi cây ven suối, bơi giỏi.

Phân bố, thu hái, chế biến

Tắc kè được tìm thấy ở hầu hết các tỉnh tại Việt Nam đặc biệt là các tỉnh miền múi như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên… tại vách đá, hốc cây thuộc các khu rừng. Hiện nay Tắc kè cũng xuất hiện nhiều ở khu vực nông thôn, và rải rác ở thành thị.

Người ta thu bắt được Tắc kè dựa trên tiếng kêu của nó. Có 3 cách thu bắt phổ biến như sau:

  • Sử dụng tóc: Dùng gậy tre nhỏ, đầu gậy buộc một nắm tóc, đợi lúc chập tối. Đưa gậy này vào các hốc cây, vách đá. Tắc kè tưởng là con mồi nên sẽ bắt mồi. Lúc này kéo nhanh gậy về để bắt chúng.

  • Sử dụng ánh sáng: Khoảng 19 giờ trở đi, Tắc kè thường bò ra khỏi hang tìm mồi. Chúng ta dùng đèn pin soi vào, Tắc kè sẽ nằm im, hãy nhanh tay nắm lấy cổ chúng là có thể bắt được.

  • Bắt bằng móc sắt: Vào mùa hè nóng nực, Tắc kè thường bò ra khỏi hang chúng để tránh nóng. Vì ban ngày Tắc kè dễ lóa mắt, tầm nhìn kém và thiếu linh hoạt, ta có thể dùng móc sắt móc vào hàm trên hoặc dưới của Tắc kè, sau đó bắt chúng.

Thời gian thu hoạch: Có thể bắt Tắc kè quanh năm.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận làm thuốc là toàn con, sau khi bắt về thì rửa sạch, mổ bỏ ruột, dùng nẹp tre để căng cho thẳng, phơi hay sấy khô ở nhiệt độ thấp (khoảng 40 – 50°C), cẩn thận tránh để mất đuôi. Cáp giới dễ bị sâu mọt, nấm mốc. Chuột rất thích ăn vị thuốc này, nhất là phần đuôi. Do đó, sau khi bào chế cần bảo quản trong thùng kín có Xuyên tiêu, đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh không khí ẩm ướt. Khi bảo quản cần cẩn thận tránh làm gãy nát hoặc mất đuôi.

Mô tả dược liệu:

Cáp giới gồm 4 chân, thân dẹt và dẹp. Xương vùng đầu khô rõ, mắt lõm sâu. Đầu dài từ 3cm đến 5cm, trên có 2 mắt, miệng có răng nhỏ và đều. Thân dài từ 8cm đến 15cm, rộng 7 – 10cm. Đuôi dài 10 – 15cm, nguyên và liền (cần chú ý phần đuôi của vị thuốc). Lưng có da dư thừa màu nâu. Ngón chân cứng cong có lỗ hút. Mùi hơi tanh, vị hơi mặn.

Con nào có thịt trắng mùi thơm còn nguyên đuôi không sâu mọt là tốt. Không dùng con đã mất đuôi hoặc đuôi bị chắp.