Tin tức

1. Tìm hiểu về cơ chế máu đông

1.1. Nguyên nhân và yếu tố tham gia hình thành quá trình đông máu

Quá trình đông máu là sự thay đổi trạng thái của máu từ thể lỏng sang thể rắn dưới sự hỗ trợ của những yếu tố khác nhau. Nguyên nhân đông máu là do tiểu cầu va chạm lên vết xước ở thành mạch và kích thích chuyển hóa fibrinogen thành fibrin. Hai yếu tố này liên kết thành mạng lưới để ôm các tế bào máu và tạo cục máu đông.

Sơ đồ mô tả về cơ chế máu đông

Sơ đồ mô tả về cơ chế máu đông

Cơ chế máu đông được diễn ra với sự tham gia của các yếu tố:

– Fibrinogen: tiền chất tạo thành sợi tơ huyết fibrin.

– Prothrombin: protein huyết thanh hình thành nên Thrombin để tạo xúc tác cho quá trình chuyển hóa fibrinogen sang fibrin.

– Thromboplastin: do mô tổn thương sản xuất ra, có mặt trong quá trình đông máu ngoại sinh để thay thế protein huyết tương và phospholipid tiểu cầu.

– Ca++: nếu không có sự tham gia của ion này thì quá trình đông máu sẽ không thể diễn ra.

– Tế bào máu: tiểu cầu, bạch cầu và hồng cầu đều tham gia để hình thành máu đông.

1.2. Cơ chế máu đông được diễn ra thế nào?

Cơ chế máu đông diễn ra qua các giai đoạn:

– Hình thành nút tiểu cầu

Đây là nút bịt kín vết rách nhỏ trên thành mạch. Nếu tiếp xúc với sợi collagen ở dưới nội mạch ở vị trí tổn thương, tiểu cầu sẽ làm cho nó phình to lên và trở nên xù xì. Mặt khác, tiểu cầu còn tiết ra một số chất để hoạt hoá tiểu cầu lân cận thành nút tiểu cầu che kín vết rách.

– Hình thành cục máu đông

+ Tiểu cầu giải phóng phospholipid để kết hợp với các yếu tố khác giúp hình thành prothrombinase.

+ Prothrombinase chính là chất xúc tác để diễn ra quá trình chuyển hóa prothrombin sang thrombin.

+ Thrombin lại xúc tác để chuyển fibrinogen sang fibrin để khiến các tế bào máu tạo thành cục máu đông che kín vết thương.

Cơ chế máu đông diễn ra theo quy trình này có ý nghĩa:

– Bịt kín lỗ rách ở thành mạch để không xảy ra tình trạng máu chảy ra ngoài mạch máu đến khoảng gian bào.

– Bịt kín vết thương để cầm máu, nhờ đó mà tránh được tình trạng mất máu cấp tính đe dọa đến tính mạng.

– Đối với xét nghiệm kháng thể, quá trình đông máu được dùng để tách huyết thanh sử dụng làm nguyên liệu thực hiện xét nghiệm.

2. Xét nghiệm chức năng đông máu – một số vấn đề cơ bản

2.1. Ý nghĩa của xét nghiệm chức năng đông máu

Cơ chế máu đông diễn ra với các giai đoạn đã nói đến ở trên. Xét nghiệm đông máu chính là xét nghiệm tương ứng với các giai đoạn của quá trình này. Hầu hết các loại xét nghiệm đông máu đều được thực hiện trên hệ thống máy tự động với sự giám sát của đội ngũ kỹ thuật viên chuyên môn giỏi nên sẽ đảm bảo cho kết quả chính xác.

Thực hiện xét nghiệm đông máu giúp phát hiện bất thường và đánh giá khả năng đông máu

Thực hiện xét nghiệm đông máu giúp phát hiện bất thường và đánh giá khả năng đông máu

Kết quả của xét nghiệm đông máu sẽ cho biết thời gian máu chảy, co cục máu đông và nghiệm pháp dây thắt. Nhờ đó mà bác sĩ có căn cứ để chẩn đoán chính xác khi phát hiện bất thường đông máu ở thời kỳ đầu do thiếu vitamin C, số lượng hoặc chất lượng tiểu cầu giảm cùng các hội chứng rối loạn đông máu.

Bên cạnh đó, xét nghiệm chức năng đông máu cũng giúp bác sĩ có cơ sở để đánh giá thời gian và khả năng đông máu ở người bệnh. Nhờ đó mà dự đoán được nguy cơ mất nhiều máu hay hình thành cục máu đông bất thường ở mạch máu.

Việc thực hiện xét nghiệm này cũng sẽ giúp bác sĩ đánh giá được mức độ tiến triển của bệnh về gan, các biểu hiện bất thường ở một số bộ phận của cơ thể hoặc hội chứng liên quan trực tiếp với rối loạn đông máu.

2.2. Các loại xét nghiệm đông máu cơ bản

Hiện nay các loại xét nghiệm máu đông cơ bản sau đang được áp dụng ở nhiều cơ sở y tế:

– Xét nghiệm APTT: đây là xét nghiệm thời gian Thromboplastin từng phần hoạt hóa có tác dụng đánh giá cơ chế máu đông nội sinh để phát hiện nghi ngờ bất thường: hemophilia, huyết khối lâm sàng, xuất huyết, chảy máu khó đông.

– Xét nghiệm PT: là xét nghiệm thời gian Prothrombin có tác dụng đánh giá đông máu ngoại sinh đồng thời phát hiện nghi ngờ bất thường đông máu: thiếu vitamin K, chức năng gan suy giảm, theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị kháng vitamin K, đánh giá tiền phẫu.

– Xét nghiệm định lượng Fibrinogen: chỉ định khi nghi ngờ bất thường đông máu do số lượng, chất lượng fibrinogen giảm gây ức chế thời điểm tạo ra fibrin trong quá trình đông máu.

– Xét nghiệm Thrombin: đánh giá con đường đông máu chung, chỉ định khi nghi ngờ bất thường về đông máu do fibrinogen giảm về số lượng, chất lượng, gây ức chế mốc tạo ra fibrin trong quá trình đông máu.

Thực hiện xét nghiệm đông máu định kỳ là biện pháp chăm sóc, phòng ngừa các vấn đề không tốt cho sức khỏe

Thực hiện xét nghiệm đông máu định kỳ là biện pháp chăm sóc, phòng ngừa các vấn đề không tốt cho sức khỏe

Những xét nghiệm đông máu trên đây đều diễn ra như các loại xét nghiệm máu khác. Trước khi xét nghiệm, nếu cần thiết, bác sĩ sẽ đề nghị dừng dùng một vài loại thuốc có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Xét nghiệm được thực hiện ở những đối tượng cần theo dõi hoặc trước, sau phẫu thuật.

Kiểm tra chức năng đông máu thường xuyên là cách để bảo vệ sức khỏe. Xét nghiệm này nên được thực hiện định kỳ hàng năm hoặc khi phát hiện các hiện tượng bất thường đông máu:

– Bị bầm tím quá mức trên da.

– Chảy máu quá mức.

– Chảy máu trong khoảng thời gian trên 4 phút không có dấu hiệu đông máu.

– Thai phụ bị sảy thai nhiều lần ở giai đoạn đầu và xuất huyết bất thường sau sinh.

Chia sẻ trong bài viết trên đây mong rằng đã giúp bạn hiểu về cơ chế máu đông và tầm quan trọng của xét nghiệm đông máu. Chủ động thực hiện xét nghiệm này khi được chỉ định từ bác sĩ sẽ giúp bạn biết được chính xác tình trạng sức khỏe của mình và kịp thời phát hiện để điều trị các bệnh lý nguy hiểm.

Để đặt lịch xét nghiệm đông máu, quý khách hàng có thể liên hệ số 1900 56 56 56 Tổng đài của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Dựa trên nhu cầu của quý khách, tổng đài viên sẽ có những hướng dẫn cụ thể để quý khách có thể đặt lịch nhanh chóng, dễ dàng.