Bà bầu ăn sữa chua được không? Nên ăn sữa chua như thế nào mới tốt?

Sữa chua vốn là loại thực phẩm có khả năng kích thích sự ngon miệng, giúp cải thiện hệ tiêu hóa nên được chọn trở thành một trong những món ăn cần thiết với rất nhiều gia đình. Vậy bà bầu ăn sữa chua được không? Và nên ăn sữa chua như thế nào là tốt? Để giải đáp cho vấn đề này, mời quý bạn đọc tìm hiểu ngay bài viết sau đây.

Bầu ăn sữa chua được không?

Ngày nay, trên thị trường đã có rất nhiều loại sữa chua với nhiều hương vị khác nhau, tuy nhiên chúng đều được chế biến từ thành phần chính là sữa nên có giá trị dinh dưỡng tương tự như sữa. Cụ thể, trong 100g sữa chua nguyên chất có chứa khoảng:

  • Năng lượng: 80 calo.
  • Kali: 210mg.
  • Natri: 55mg.
  • Protein: 15g.
  • Canxi: 300mg.
  • Các loại vitamin: Vitamin A, D, E…

Rất nhiều người quan tâm cũng như tìm hiểu về việc bà bầu ăn sữa chua được không bởi tâm lý cẩn trọng trong việc chọn những thực phẩm an toàn và tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi trong giai đoạn thai kỳ. Tuy nhiên, các mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng về vấn đề ăn sữa chua bởi sữa chua là một món ăn tương đối an toàn và cần thiết cho thai kỳ nếu các mẹ biết ăn đúng cách, đúng thời điểm.

Lợi ích của sữa chua với bà bầu

Các mẹ bầu có thể yên tâm hay không còn băn khoăn rằng bầu ăn sữa chua được không bởi đây là loại thực phẩm mang lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ bầu và thai nhi trong thai kỳ. Cụ thể như sau:

  • Giúp cải thiện hệ tiêu hóa: Các lợi khuẩn có trong sữa chua giúp cải thiện hệ tiêu hóa của mẹ bầu, hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, từ đó khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cũng cao hơn.
  • Làm mát cơ thể: Vào thời kỳ mang thai, thân nhiệt của mẹ bầu thường tăng 0,5 – 1 độ so với người bình thường, acid dạ dày tăng, dễ ợ chua, ợ nóng. Lúc này, ăn sữa chua chính là một trong những giải pháp giúp cơ thể mẹ bầu được làm mát từ bên trong, từ đó giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
  • Bổ sung canxi: Hàm lượng canxi có trong sữa chua tương đối cao nên nếu mẹ bầu ăn sữa chua đều đặn sẽ giúp hệ xương của mẹ bầu trở nên chắc khỏe hơn, từ đó tránh nguy cơ thai nhi bị còi xương. Ngoài ra, việc ăn sữa chua thường xuyên và đúng cách còn giúp mẹ bầu giảm đi tình trạng mệt mỏi, đau nhức xương khớp trong quá trình mang thai.
  • Làm đẹp da: Trong thai kỳ, các mẹ bầu rất dễ bị tăng sắc tố da, da dễ bị tối màu và khô hơn bình thường do thay đổi nội tiết tố nữ. Ăn sữa chua sẽ cung cấp cho cơ thể mẹ bầu đáng kể hàm lượng vitamin E giúp cải thiện tình trạng da khô và tăng sắc tố da trong thai kỳ, giúp mẹ bầu vẫn xinh đẹp trong thai kỳ.
  • Cải thiện hệ miễn dịch: Các lợi khuẩn có trong sữa chua có khả năng cạnh tranh và loại bỏ các loại vi khuẩn gây bệnh và giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, chống chọi tốt hơn đối với các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài.
  • Kiểm soát cân nặng: Ăn sữa chua mỗi ngày giúp mẹ bầu kiểm soát cân nặng hiệu quả bởi loại thực phẩm này có khả năng ngăn ngừa sự gia tăng hormone cortisol, loại hormone là căn nguyên gây tăng cân và mất cân bằng hormone trong cơ thể.

Tác dụng phụ khi ăn sữa chua mẹ bầu có thể gặp phải

Mặc dù sữa chua được biết đến với rất nhiều công dụng tuyệt vời như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý chỉ nên sử dụng các loại sữa chua ít đường và 100% đã được xử lý (tiệt trùng). Các mẹ cần tránh tuyệt đối các loại sữa chua được làm từ sữa thô, chưa được qua xử lý. Việc sử dụng các loại sữa chua chưa qua xử lý có thể khiến cho mẹ bầu gặp phải một trong những triệu chứng sau:

  • Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
  • Các triệu chứng giống như bị cúm: Sốt, đau đầu, đau nhức cơ thể.

Quá trình tiệt trùng hay thanh trùng là rất quan trọng, giúp tiêu diệt các loại vi sinh vật có hại như Listeria, thương hàn, lao, bạch hầu, brucella… Phụ nữ mang thai bị nhiễm Listeria, một loại vi khuẩn thường có trong sữa tươi chưa qua quá trình xử lý có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, có nguy cơ gây sảy thai, bệnh nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Chính vì vậy, việc ăn sữa chua là tốt cho mẹ bầu nhưng các mẹ bầu cần lưu ý lựa chọn cho mình những loại sữa chua ít đường và đã trải qua một quy trình xử lý nghiêm ngặt để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Cách ăn sữa chua đúng và an toàn

Thực tế, lượng sữa chua được các chuyên gia khuyên dùng trong một ngày là khoảng 200g và bà bầu có thể ăn sữa chua không đường trong bất kỳ thời gian nào. Tuy nhiên, để việc ăn sữa chua đạt được giá trị dinh dưỡng cao nhất, các chuyên gia khuyên mẹ bầu nên sử dụng sữa chua vào những thời điểm sau đây:

  • Trong bữa sáng: Sữa chua là một trong những món ăn quen thuộc hàng ngày của rất nhiều gia đình. Các mẹ bầu có thể ăn sữa chua cùng với ngũ cốc, sinh tố, trái cây… trong bữa sáng. Điều này không những đem lại cho mẹ bầu một món ăn sáng ngon miệng mà còn giúp làm dịu hệ thống tiêu hóa, giúp hệ tiêu hóa chống lại các loại vi khuẩn gây bệnh và tăng cường sức khỏe miễn dịch.
  • Sau bữa ăn trưa: Trong sữa chua có chứa 2 loại vi khuẩn có lợi là lactobacillus acidophilus và bifidobacterium giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, sữa chua còn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch nhờ vào việc sản sinh HDL – cholesterol, một loại chất béo có lợi cho cơ thể, giúp chống hình thành các mảng xơ vữa. Ngoài ra, việc sử dụng sữa chua thường xuyên với hàm lượng theo khuyến nghị còn giúp mẹ bầu bổ sung thêm nhiều chất cần thiết cho cơ thể như: Canxi, Vitamin B12, magie, kali, phosphat…
  • Trước khi đi ngủ: Sữa chua cung cấp cho cơ thể một hàm lượng tương đối cao canxi, một chất liên quan tới các tình trạng rối loạn giấc ngủ. Chính vì vậy, bổ sung vừa đủ lượng sữa chua khuyến nghị giúp các mẹ bầu ngủ ngon hơn. Ngoài ra, tiêu thụ protein casein có trong sữa chua vào ban đêm còn giúp mẹ bầu giảm cảm giác đói vào buổi sáng hôm sau.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Bầu ăn sữa chua được không?” cũng như biết cách sử dụng sữa chua sao cho tốt và an toàn đối với mẹ bầu và thai nhi. Mong rằng các mẹ bầu sẽ lựa chọn được cho mình một thực đơn giàu dinh dưỡng và an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Chúc mẹ và bé một thai kỳ khỏe mạnh và đừng quên tiếp tục theo dõi các bài viết tiếp theo của Nhà Thuốc Long Châu nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Hellobacsi