Sữa mẹ màu trắng loãng có phải do thiếu chất không?

Chào bạn H,

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về chuyên mục Dinh dưỡng của Hệ thống Y tế Thu Cúc, tôi xin được trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Trước hết, bạn hãy dựa vào đặc điểm sữa mẹ sau đây để tự nhận xét:

– Sữa non có độ sánh đặc, màu vàng nhạt và đặc biệt hơn là nó có chứa rất nhiều đạm, xuất hiện ngay khi vừa sinh bé, vì thế được khuyến khích cho trẻ bú trong 1 giờ đầu sau sinh.

– Sữa trưởng thành là sữa được chuyển thành từ sữa non sau 3 -4 ngày. Số lượng sữa trưởng thành được sản xuất nhiều làm cho hai bầu vú mẹ căng đầy và căng cứng. Đây cũng là hiện tượng xuống sữa, trong đó:

+ Sữa đầu bữa là sữa được tiết ra lúc đầu khi trẻ bú. Sữa bữa đầu có màu trắng trong, số lượng nhiều cung cấp nhiều đạm, đường, nước cũng như các chất dinh dưỡng khác.

+ Sữa cuối bữa là sữa được tiết ra vào cuối bữa bú của trẻ. Sữa này khác với sữa đầu bữa và lúc này bầu vú của mẹ không căng như lúc đầu. Sữa cuối bữa có màu trắng đục thành phần trong sữa chủ yếu là chất béo giúp cung cấp cho bé nhiều năng lượng hơn để bé phát triển nhanh. Và lượng chất béo này cũng cao hơn rất nhiều so với chất béo trong sữa đầu bữa.

Như vậy, rất có thể thời điểm bạn quan sát là thời điểm bé đang nhận sữa đầu bữa. Để biết sữa mẹ có thực sự đủ chất cho con hay không, bạn có thể quan sát thông qua dấu hiệu dưới đây:

– Trẻ có cử chỉ thể hiện sự thỏa mãn sau khi ăn sữa gần xong.

– Cân nặng của trẻ vẫn tiếp tục tăng theo mức chuẩn.

– Mẹ không còn đau bầu ngực và đầu ti quá mức sau mỗi lần cho con bú.

– Màu da của bé tươi tắn, căng mịn cho thấy trẻ tiếp nhận đủ lượng sữa mẹ cần thiết.

– Nếu con đi tè trung bình 6 lần/ngày và đi ị từ 5-8 lần/ngày cho thấy con đã được ăn no.

– Con ngủ ngon sau khi bú sữa và thường ngủ kéo dài từ 1,5 – 2 tiếng.

Nếu đáp ứng các yêu cầu trên, bạn hoàn toàn yên tâm về chất lượng sữa của mình. Ngược lại, nếu trẻ không tăng cân, thường bỏ bú và quấy khóc, bạn nên tới chuyên khoa Dinh dưỡng tại bệnh viện uy tín để được thăm khám dinh dưỡng và tư vấn nguyên nhân do đâu.

Ngoài ra, để đảm bảo đủ chất cho sữa mẹ, bạn cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng các nhóm tinh bột, chất đạm, chất béo,….và duy trì chế độ nghỉ ngơi vận động hợp lý.

Sữa mẹ là vô cùng quý giá cho trẻ trong 6 tháng đầu và trẻ hoàn toàn không cần bổ sung bất kỳ loại sữa bột hay thức ăn nào khác. Sau 6 tháng, sữa mẹ ít dần và chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, lúc này bạn có thể cho con bắt đầu ăn dặm.

Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi của bạn, chúc bạn và bé luôn có một sức khỏe tốt!