Trẻ mấy tuổi uống được sữa tươi? Uống bao nhiêu là đủ?

Trẻ em cần được bổ sung các loại vitamin và khoáng chất như vitamin D, canxi để xương phát triển chắc khỏe. Sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng là nguồn cung cấp vitamin D và canxi tốt. Tuy nhiên, cha mẹ cần lựa chọn đúng thời điểm để bổ sung sữa tươi vào chế độ dinh dưỡng của con. Vậy trẻ mấy tuổi có thể uống được sữa tươi?

Trẻ mấy tuổi uống được sữa tươi?
Trẻ mấy tuổi uống được sữa tươi?

Tìm hiểu về sữa tươi

Sữa tươi là các loại sữa động vật (chủ yếu là sữa bò). Sữa tươi có thể ở dạng thô hoặc dạng thanh trùng, tiệt trùng.

Sữa tươi thô là loại sữa chưa qua chế biến hoặc chỉ mới qua sơ chế và chưa được tiệt trùng hay khử trùng triệt để.

Thực chất, các loại sữa được bày bán phổ biến trên thị trường như TH True Milk, Vinamilk,… là sữa đã được thanh trùng và tiệt trùng. Cả sữa thanh trùng và tiệt trùng đều được xử lý ở nhiệt độ cao, rồi làm lạnh để tiêu diệt vi trùng có hại. Sự khác biệt giữa sữa thanh trùng và sữa tiệt trùng nằm ở mức nhiệt độ và thời gian làm nóng sữa.

Nói một cách đơn giản, sữa tươi thô là sữa vắt trực tiếp từ động vật có vú (như bò, dê,…) sau đó được đưa vào sử dụng trực tiếp. Còn sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng đã được xử lý bằng công nghệ để diệt khuẩn. Do đó, sữa tươi thô có thể mang mầm bệnh có hại, chẳng hạn như Campylobacter, Cryptosporidium, E. coli, Listeria, Brucella và Salmonella. Những vi trùng này gây ra nhiều rủi ro sức khỏe nghiêm trọng.

Vì vậy, dù là trẻ em hay người lớn nếu muốn sử dụng sữa tươi thì nên sử dụng các sản phẩm sữa tươi thanh trùng hoặc sữa tươi tiệt trùng.

Trên hộp sữa TH True Milk có ghi rõ “sữa tươi tiệt trùng”
Trên hộp sữa TH True Milk có ghi rõ “sữa tươi tiệt trùng”

Trẻ mấy tuổi uống được sữa tươi?

Trẻ mấy tháng uống được sữa tươi tiệt trùng/thanh trùng? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cha mẹ chỉ nên cho con uống sữa tươi thanh trùng hoặc sữa tươi tiệt trùng khi con hơn 1 tuổi (hơn 12 tháng tuổi). Tuyệt đối không sử dụng sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng (từ giờ sẽ được gọi tắt là sữa tươi) thay thế cho sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Trẻ dưới 1 tuổi cần bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức để nhận được đủ hàm lượng chất dinh dưỡng cần thiết và cân bằng, giúp cơ thể, trí não phát triển khỏe mạnh. Khi con được hơn 1 tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của con sẽ thay đổi; đồng thời con cũng đã có thể ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Do đó, cha mẹ có thể cho con uống thêm sữa tươi – một nguồn giàu vitamin D, canxi giúp xương phát triển chắc khỏe.

Cha mẹ cũng cần lưu ý rằng, việc cho trẻ uống sữa tươi trước 12 tháng tuổi có thể gây nhiều tác hại về sức khỏe. Fitobimbi sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn về điều này trong phần tiếp theo.

Trẻ bao nhiêu tuổi uống được sữa tươi? Trẻ trên 1 tuổi có thể uống sữa tươi
Trẻ bao nhiêu tuổi uống được sữa tươi? Trẻ trên 1 tuổi có thể uống sữa tươi

Tại sao không nên cho trẻ dưới 12 tháng tuổi uống sữa tươi?

Có nhiều sự khác biệt trong hàm lượng dinh dưỡng của sữa mẹ và sữa tươi

Các chuyên gia dinh dưỡng, các bác sĩ nhi khoa luôn nhấn mạnh rằng “sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Có rất nhiều sự khác biệt trong hàm lượng dinh dưỡng của sữa mẹ và sữa tươi khiến sữa tươi trở nên không phù hợp với trẻ sơ sinh.

Lưu ý: Vì các sản phẩm sữa tươi thanh trùng/ tiệt trùng được bày bán phổ biến trên thị trường phần lớn là sữa bò. Vì vậy, trong phần này, Fitobimbi sẽ cùng bạn tìm hiểu về sự khác biệt của sữa bò và sữa mẹ.

Đạm sữa (Protein)

Cả sữa mẹ và sữa bò tươi đều chứa 2 loại protein (casein và whey). Tuy nhiên, hàm lượng casein trong sữa mẹ ít hơn trong sữa bò vì con người khó tiêu hóa casein hơn.

Hàm lượng đạm

Sữa mẹ chỉ có khoảng 1/3 protein so với sữa bò tươi. Tuy nhiên, điều này lại tốt hơn đối với trẻ sơ sinh. Vì hấp thụ ít protein hơn sẽ ít ảnh hưởng đến thận (vẫn đang phát triển) của trẻ.

Nghiên cứu của Am J Clin Nutr, năm 2003 cho thấy, trẻ bú sữa mẹ phát triển chậm hơn so với trẻ bú sữa công thức do sự khác biệt về hàm lượng protein có trong sữa. Tuy nhiên, sự tăng trưởng chậm này lại có những lợi ích lâu dài quan trọng bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và bệnh tim mạch ở tuổi trưởng thành.

Hàm lượng chất béo

Hàm lượng chất béo có trong sữa mẹ tương tự như trong sữa bò tươi. Nhưng sữa mẹ lại chứa nhiều axit béo không bão hòa đơn và đa (PUFA) hơn sữa bò. Đặc biệt, chất béo trong sữa mẹ chứa chứa các axit arachidonic và docosahexaenoic thiết yếu; những chất này không được tìm thấy trong sữa bò. Cả axit arachidonic và docosahexaenoic đều là những axit béo phong phú nhất được tìm thấy trong não người.

PUFA góp phần vào sự phát triển và chức năng bình thường của não bộ. Rối loạn điều hòa nồng độ PUFA trong não có thể dẫn đến các vấn đề thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer.

Có nhiều sự khác biệt trong hàm lượng dinh dưỡng của sữa mẹ và sữa tươi
Có nhiều sự khác biệt trong hàm lượng dinh dưỡng của sữa mẹ và sữa tươi

Các protein quan trọng khác trong sữa mẹ

Một loại protein chính trong sữa mẹ là alpha-lactalbumin, chiếm từ 20 – 28% tổng lượng protein. Trong khi đó, chỉ có 2 – 5% alpha-lactalbumin trong sữa bò tươi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng alpha-lactalbumin giúp liên kết các khoáng chất như canxi và magiê, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và ức chế sự phát triển của một số mầm bệnh ở trẻ sơ sinh.

Sữa mẹ cũng chứa hàm lượng các protein kháng khuẩn, chẳng hạn như lactoferrin, lysozyme và lactoperoxidase cao hơn sữa bò.

Glycobiology của sữa mẹ

Sữa mẹ sở hữu một loại glycome duy nhất theo kiểu dành riêng cho con người. Được tạo thành từ glycoprotein, glycopeptide, glycolipid và các glycomolecules khác. Thành phần của glycome ở người được quyết định bởi di truyền của người mẹ. Những phân tử này có thể bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ khỏi bị nhiễm trùng bằng cách liên kết với các vi sinh vật gây bệnh và khiến chúng không hoạt động.

Sắt

Sữa bò tươi không cung cấp đủ lượng sắt mà trẻ cần. Vì vậy, cho con uống sữa tươi thay vì sữa mẹ có thể dẫn đến tình trạng thiếu sắt, thiếu máu. Trẻ không nhận đủ sắt có thể chậm phát triển.

Vitamin C

Sữa tươi cũng thiếu vitamin C. Trẻ cần nhận đủ vitamin C để hấp thụ sắt và tăng cường hệ thống miễn dịch.

Khi bú sữa mẹ, con sẽ nhận được lượng vitamin C cần thiết giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh
Khi bú sữa mẹ, con sẽ nhận được lượng vitamin C cần thiết giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh

Trẻ dưới 1 tuổi uống sữa tươi có thể gặp các vấn đề xấu về sức khỏe

Trẻ dưới 12 tháng uống sữa tươi có nguy cơ chảy máu đường ruột. Loại sữa này cũng có quá nhiều protein và khoáng chất gây áp lực cho thận của trẻ.

Ngoài ra, sữa tươi có chứa beta-lactoglobulin – một loại protein không có trong sữa mẹ. Những người bị dị ứng sữa bò (CMA) thường là do không dung nạp Lactose, do có sự hiện diện của beta-lactoglobulin. CMA có thể gây tiêu chảy, còi cọc và sốc phản vệ ở một số ít trẻ sơ sinh.

Những điều cần lưu ý khi cho trẻ uống sữa tươi

Lựa chọn loại sữa phù hợp

Các chuyên gia khuyến nghị nên cho trẻ nhỏ dùng sữa nguyên chất vì trẻ cần hàm lượng chất béo cao hơn để duy trì tốc độ tăng cân, giúp cơ thể hấp thụ vitamin và hỗ trợ sự phát triển trí não của trẻ. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh béo phì, tim mạch, hãy cân nhắc cho trẻ uống sữa ít béo hoặc không béo.

Ngoài ra, vì trẻ cần vitamin D và canxi để giúp xương chắc khỏe; do đó, sữa được bổ sung vitamin D là một lựa chọn tốt.

Sữa bổ sung vitamin D là một lựa chọn tốt cho con
Sữa bổ sung vitamin D là một lựa chọn tốt cho con

Uống sữa tươi với lượng phù hợp

Sữa tươi nên là một phần trong chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng của trẻ. Điều đó có nghĩa là, trẻ nên uống sữa với lượng vừa phải, kết hợp ăn các thực phẩm khác. Chỉ như vậy, con mới nhận đủ lượng dinh dưỡng cần thiết để phát triển lành mạnh.

Các chuyên gia dinh dưỡng gợi ý lượng sữa tươi mà trẻ nên uống như sau:

  • Trẻ >1 tuổi: Uống 100 – 150ml sữa tươi/ngày
  • Trẻ >2 tuổi: Uống 200 – 300ml sữa tươi/ngày
  • Trẻ >3 tuổi: Uống 300 – 500ml sữa tươi/ngày
  • Thanh thiếu niên: Uống 500 – 700ml sữa tươi/ngày

Lựa chọn thời điểm uống sữa phù hợp

Khi cho trẻ uống sữa tươi, mẹ nên cho con uống sau bữa ăn chính khoảng 1 – 2 tiếng. Việc uống sữa trước bữa ăn có thể khiến con no và không muốn ăn.

Với câu hỏi “trẻ mấy tuổi uống được sữa tươi?”, câu trả lời là trẻ trên 1 tuổi. Mặc dù trẻ trên 1 tuổi đã có thể sử dụng sữa tươi, nhưng cha mẹ cần lưu ý cho con uống sữa tươi thanh trùng hoặc sữa tươi tiệt trùng. Việc cho con sử dụng sữa tươi thô (vẫn còn vi trùng) có thể khiến con mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.