Nghiên cứu các văn kiện và Nghị quyết Đại hội XI chúng ta nhận thấy, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới có sự phát triển toàn diện. Văn kiện Đại hội XI của Đảng tiếp tục bổ sung, phát triển, làm rõ hơn nội hàm của mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Theo đó, bảo vệ vững chắc Tổ quốc không chỉ là trách nhiệm của riêng các lực lượng vũ trang (LLVT), mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần nhận thức một cách đầy đủ và phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; giữa xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, chăm lo đời sống của người dân với giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm; vừa phát huy cao nhất nội lực, vừa tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của quốc tế. Đặc biệt, trong giải quyết những tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo phải nắm vững nguyên tắc: Vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vừa duy trì và giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Mọi tranh chấp trên Biển Đông và những vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ do lịch sử để lại phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và dựa trên hệ thống luật pháp quốc tế. Kiềm chế tới mức cao nhất, tránh gây xung đột và tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước, ý thức dân tộc, kích động chia rẽ gây mất đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế… Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã tích lũy và đúc kết nhiều bài học lịch sử có giá trị về độc lập tự chủ và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Những kinh nghiệm quý báu đó cần được nghiên cứu và vận dụng nhuần nhuyễn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong từng vấn đề cụ thể, cần vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để mang lại hiệu quả cao nhất.
Bạn đang xem: Sức mạnh quốc phòng, sức mạnh của toàn dân tộc – Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Quan điểm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần được cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại… trong đó, tăng cường tiềm lực quốc phòng có vị trí rất quan trọng, nhằm nâng cao sức mạnh quốc phòng của đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cần được nhận thức một cách toàn diện, đầy đủ với sự tham gia của mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực và toàn xã hội; đồng thời đó cũng chính là nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức đảng, của từng cán bộ, đảng viên và mọi người dân.
Quốc phòng, theo nghĩa rộng là công cuộc giữ nước của một quốc gia bao gồm tổng thể các hoạt động đối nội và đối ngoại về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học… của Nhà nước và nhân dân để phòng thủ đất nước, bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, với sự mạnh quân sự là đặc trưng, LLVT là nòng cốt. Ở nước ta, xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nhất là từ khi có Đảng, Đảng ta luôn xác định và nhất quán quan điểm: Nền quốc phòng của ta là nền quốc phòng toàn dân, của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường để bảo vệ vững chắc chế độ XHCN; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ nhân dân và lợi ích quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, một nền quốc phòng tối ưu là giữ được nước mà không phải tiến hành chiến tranh. Do đó, xây dựng nền quốc phòng không phải nhằm để tiến hành chiến tranh, mà trước hết và chủ yếu là ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột, nguy cơ chiến tranh; đập tan các âm mưu và hành động chống phá, lật đổ của các thế lực thù địch; giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để xây dựng và phát triển toàn diện đất nước. Đó chính là mục tiêu cao nhất, xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta, nhân dân ta trong thực hiện chủ trương tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Từ những quan điểm nêu trên, tăng cường tiềm lực quốc phòng phải được thực hiện toàn diện, là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà trong đó tăng cường tiềm lực, sức mạnh về chính trị-tinh thần là thế mạnh, là cơ sở để phát huy tốt các tiềm lực về kinh tế, quân sự, khoa học, công nghệ… Quan điểm của Đảng và thực tiễn chứng tỏ: Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, con người vẫn là nhân tố quyết định, vũ khí trang bị kỹ thuật đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, trong triển khai thực hiện, không cho phép chúng ta xem nhẹ bất kỳ nhân tố nào. Theo đó, tăng cường tiềm lực chính trị-tinh thần trước hết là xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, trọng tâm là xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, gắn bó mật thiết với nhân dân. Bởi vậy, điều trước tiên là nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; không dao động trong bất cứ tình huống nào; chống suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu; củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng, đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời. Cùng với đó là nâng cao năng lực tổ chức thực hiện; tăng cường sự gắn bó của bộ máy chính quyền các cấp với nhân dân làm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thấm nhuần sâu sắc đến mọi tầng lớp nhân dân; trở thành những phong trào, hành động cách mạng cụ thể thiết thực trong đời sống xã hội với sự tham gia của mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Xem thêm : Cung Thiên Bình nam hợp với cung nào trong 12 chòm sao?
Xây dựng củng cố vững chắc thế trận lòng dân cũng là một trong những vấn đề cơ bản để tăng cường tiềm lực chính trị-tinh thần nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thế trận lòng dân chính là ý chí, quyết tâm của nhân dân, của toàn xã hội được bồi đắp, xây dựng tạo thành sự đồng thuận cao, hướng đến mục tiêu chung trong sự nghiệp quốc phòng. Xây dựng củng cố vững chắc thế trận lòng dân là nội dung cơ bản của tiềm lực chính trị-tinh thần, nhân tố quyết định sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay xây dựng, củng cố thế trận lòng dân vừa có tính cấp thiết, vừa mang tính cơ bản lâu dài của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Văn kiện Đại hội XI của Đảng xác định: Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Ðảng, Nhà nước và toàn dân. Luận điểm ấy vừa nêu bật vị trí nổi trội, vai trò, tầm quan trọng của quốc phòng, đồng thời khẳng định ý thức trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mọi công dân, mọi tổ chức phải đóng góp tài năng và trí tuệ vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.
Xây dựng, củng cố thế trận lòng dân, chính là vấn đề cốt lõi để huy động sức mạnh của toàn dân tộc; là điều kiện để tăng cường và phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Thực tiễn cách mạng đã chứng tỏ: Không thể giữ nước vững chắc, bền chặt nếu thiếu sự tham gia của nhân dân. Không ai giữ nước tốt hơn, thường xuyên hơn bằng mỗi người dân sinh sống trên từng vùng quê của Tổ quốc. Bởi vậy, để xây dựng, củng cố thế trận lòng dân cần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; phát triển kinh tế bền vững; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp nhân dân, vùng miền.
Đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho nhân dân, chức sắc, chức việc các tôn giáo; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước và các cấp chính quyền ở cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Điều này, trên thực tế những năm qua các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội đã quan tâm, đầu tư và triển khai thực hiện đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Nhưng nhìn chung, nhận thức về quốc phòng, an ninh; về các chủ trương, giải pháp bảo vệ Tổ quốc; giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng vẫn tồn tại không ít vấn đề cần quan tâm. Đây chính là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để tăng cường tiềm lực quốc phòng trong thời gian tới. Bởi chỉ khi có nhận thức đúng, nắm vững bản chất của vấn đề, chúng ta mới có hành động đúng và đem lại hiệu quả thiết thực.
Cùng với việc tăng cường, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp, cần phải nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực; kịp thời phát hiện, giải quyết dứt điểm các vấn đề nảy sinh; bảo đảm bình đẳng quyền lợi của mọi dân tộc, tôn giáo, mọi người dân; kiên quyết không để các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề về dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để chống phá cách mạng nước ta; hoặc trở thành vấn đề chính trị, xã hội phức tạp.
Chủ động đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thù địch, các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc chia rẽ Đảng, Nhà nước, LLVT với nhân dân; chia rẽ mối đoàn kết, gắn bó giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Đặc biệt, cần hết sức cảnh giác trước âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội; chống sự xâm nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại; kịp thời định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với những vấn đề cơ bản nêu trên, xây dựng, bồi dưỡng thế hệ kế tiếp cũng là một trong những vấn đề cần được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng để tăng cường tiềm lực quốc phòng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Người sáng lập, xây dựng và rèn luyện Đảng ta, Quân đội ta đã căn dặn: Bồi dưỡng thế hệ trẻ, chăm lo công tác cán bộ là công việc cực kỳ quan trọng của cách mạng. Hiện nay, việc bồi dưỡng thế hệ kế tiếp là công việc cấp thiết trước mắt, thường xuyên và lâu dài. Bồi dưỡng thế hệ trẻ, xây dựng đội ngũ cán bộ kế tiếp có bản lĩnh chính trị vững vàng; giỏi chuyên môn nghiệp vụ, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm. Mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ; đồng thời thông qua hoạt động thực tiễn để bồi dưỡng, thử thách. Chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để xảy ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Xem thêm : Khi nào cả 8 hành tinh trong hệ Mặt Trời thẳng hàng?
Tăng cường tiềm lực quốc phòng cũng cần triển khai thực hiện có hiệu quả việc tăng cường tiềm lực về kinh tế, quân sự, khoa học-công nghệ, đối ngoại…. Đây đều là những vấn đề trọng yếu có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả việc tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, xây dựng Quân đội. Vì vậy, trong triển khai thực hiện cần nhận thức đúng, triển khai đồng bộ, phù hợp mới đem lại hiệu quả thiết thực.
Quan điểm tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, cần được quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhất quán, đồng bộ, hiệu quả trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, phải kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện thiếu nghiêm túc, đơn giản trong nhận thức về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân; chậm trễ, máy móc, chủ quan, ỷ lại, lúng túng trong triển khai và xử lý tình huống phức tạp nảy sinh về quốc phòng, an ninh; buông lỏng, mất cảnh giác, kém hiệu quả trong việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, đặc biệt tại các vùng chiến lược, biển, đảo; bất cập, tụt hậu về phát triển nguồn lực con người và hòa nhập với công nghiệp quốc gia trong phát triển công nghiệp quốc phòng; mất cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, nghiêm túc nghiên cứu, quán triệt, chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, biến quan điểm của Ðảng, Nhà nước, ý chí, nguyện vọng và sức mạnh to lớn của nhân dân ta về quốc phòng, an ninh thành hiện thực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng. Một nền quốc phòng vững mạnh và thường xuyên được tăng cường tất yếu sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo lập, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định đất nước, phát triển kinh tế-xã hội, chủ động hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ đối ngoại… tạo nền tảng vững chắc thực hiện khát vọng của nhân dân, sự lựa chọn đúng đắn con đường phát triển đất nước của Đảng vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương,Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Nguồn: Báo QĐND
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp