Cách đây 50 năm (1972-2022), dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng này bất nguồn từ nhiều nhân tố, nhưng có thể khẳng định, sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam chính là nhân tố quan trọng làm nên kỳ tích lịch sử này.
Bạn đang xem: Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam – ‘vị tất’ trong lịch sử có đâu sánh bằng
Đó là khẳng định của Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng).
Sự chủ động trong quá trình chuẩn bị là yếu tố quan trọng để phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân
Đại tá Nguyễn Văn Sáu phân tích: Ngay từ rất sớm, công tác chuẩn bị cho việc đánh bại cuộc phiêu lưu quân sự mới của Mỹ trên bầu trời Hà Nội và các địa phương trên miền Bắc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nói cách khác, thế trận chiến tranh nhân dân với vai trò nòng cốt của Quân chủng Phòng không-Không quân sớm được chuẩn bị về mọi mặt.
Đặc biệt, để đánh được B52, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo biên soạn tài liệu “Cách đánh B52” nhằm huấn luyện cho các đơn vị phòng không-không quân; đồng thời, điều chỉnh lực lượng, bổ sung vũ khí trang bị, điều các đơn vị phòng không chủ lực về các địa bàn trọng điểm, xây dựng thế trận phòng không ba thứ quân, chỉnh đốn công tác bảo đảm phục vụ chiến đấu. Các đơn vị tên lửa, rađa, phòng không đều chủ động triển khai nghiên cứu cách đánh B52 tại chỗ.
Cùng với các công việc đó, Bộ Tổng Tham mưu còn đưa một số đơn vị vào Quân khu 4 trực chiến để đúc rút kinh nghiệm, thậm chí trong chiến dịch Quảng Trị đã đưa tới 4 trung đoàn vào tham chiến cùng các lực lượng phòng không tại chỗ nhằm tìm ra cách đánh B52 hiệu quả nhất. Với sự tích cực chuẩn bị, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sớm hoàn thành việc xây dựng kế hoạch chiến dịch đánh B52.
Bước sang năm 1972, ngày 16/4/1972, Ban Bí thư Trung ương Đảng điện gửi các khu, thành, tỉnh ủy “Về chống chiến tranh phá hoại của địch, chi viện cho tiền tuyến, yêu cầu: Quân đội nhân dân và các lực công an, dân quân tự vệ trên toàn miền Bắc phải ra sức rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết tiêu diệt địch trong mọi tình huống. Tất cả các địa phương, nhà máy, công trường, cơ quan, trường học, bệnh viện phải tổ chức công tác phòng không nhân dân một cách chặt chẽ và có hiệu lực trên toàn miền Bắc, bảo đảm đánh địch tốt và phòng tránh cho dân thật tốt. Phải tích cực làm thêm và sửa sang hầm hố. Bảo quản cẩn thận các chất độc, chất cháy, chất nổ. Các cơ quan phải thực hiện nếp sống thời chiến, có trực ban, trực chiến rõ ràng trong và ngoài giờ làm việc. Chấn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc… Các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định cần từng bước sơ tán người già, trẻ em, trước hết là ở một số trọng điểm. Các thành phố, thị xã khác cần làm tốt công tác phòng tránh và sẵn kế hoạch sơ tán để khi cần thì thực hiện từng bước, không lúng túng”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Hội đồng Phòng không nhân dân TP. Hà Nội đã chỉ đạo các khu phố, cơ quan, xí nghiệp, trường học, bằng mọi hình thức, phương tiện, từ cơ giới đi đến thô sơ… để đưa dân đi sơ tán khẩn cấp. Đây là lần sơ tán lớn nhất, triệt để nhất kể từ khi hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương ngoại thành Hà Nội đã giúp đỡ nhân dân Thủ đô sơ tán về, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tương thân, tương ái, chia sẻ khó khăn.
Trên mặt trận giữ gìn an ninh trật tự, lực lượng công an tổ chức tuần tra canh gác, nắm chắc tình hình từng khu, tổ dân phố, từng số nhà trước khi địch đánh phá để chủ động khắc phục hậu quả. Lực lượng cứu sập, cứu hỏa của Thành phố với hàng trăm máy ủi, cần cẩu, xe chữa cháy đã có mặt kịp thời, hoạt động tích cực, hạn chế những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Các tuyến cứu thương của Thành phố chuẩn bị sơ cứu, phẫu thuật. Tất cả được tổ chức thành tuyến, phục vụ chặt chẽ, từ trận địa đến trung tuyến, hậu tuyến.
Cùng với đó, với quyết tâm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, liên tục, Thành ủy và Ủy ban hành chính TP. Hà Nội đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp chủ động đối phó với địch, bảo vệ giao thông, giải quyết kịp thời hậu quả địch đánh phá. Với sức mạnh của toàn dân, chỉ trong một thời gian ngắn, ngành giao thông vận tải Hà Nội cùng nhân dân Thành phố đã xây dựng xong hệ thống đường vòng, đường tránh, các bến phà, cầu phao phụ, bảo đảm vượt sông thay thế cầu bị oanh tạc. Các bến phà, cầu phao được bảo đảm thông suốt.
Xem thêm : Trẻ mấy tháng uống được sữa tươi? Uống bao nhiêu và cần lưu ý gì?
Bên cạnh đó, Hà Nội là nơi có nhiều chân hàng, kho hàng như tổng kho Đức Giang, khu vực ga Yên Viên, Đông Anh, Văn Điển, cảng sông Hồng, Vĩnh Tuy…
Ngoài việc tập trung giải tỏa hàng hóa, giảm bớt trữ lượng các kho hàng và ứng cứu khi bị địch đánh phá, ngành vận tải thành phố còn chở hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm tới Quân khu 4 phục vụ tiên tuyến.
Từ cuối tháng 5/1972, ngành giao thông vận tải Hà Nội đảm nhận vận chuyển bằng ô tô một khối lượng lớn lương thực từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) về Hà Nội. Tuyến đường sông qua cảng Hà Nội luôn duy trì lực lượng bốc xếp thủ công đủ sức bốc xếp hơn 2.000 tấn/ngày.
Trong khi đó, Hải Phòng là thành phố cảng lớn, có tầm quan trọng chiến lược. Quyết tâm của quân và dân thành phố Hải Phòng không để đường bộ bị tắc quá 24 giờ, đường thủy tắc quá 36 giờ.
Ngay trong những ngày đầu tháng 5/1972, Tổng cục Đường biển và cảng Hải Phòng đã phối hợp khảo sát tuyến vận tải ven biển Hải Phòng – Quảng Ninh – Bắc Hải (Trung Quốc) nhằm chuẩn bị luồng thay thế phòng khi luồng vào cửa Nam Triệu bị phong tỏa. Từ sau ngày 9/5/1972, cán bộ, công nhân cảng Hải Phòng khẩn trương xây dựng lượng kho, trạm trung chuyển trên một số đảo ở vịnh Hạ Long và quần đảo Cô Tô…
Như vậy, “với tinh thần chủ động, ngay từ rất sớm, thế trận chiến tranh nhân dân đã được xây dựng và củng cố vững chắc, đặc biệt là lực lượng phòng không-không quân và sự chuẩn bị về mọi mặt của quân dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng. Đó là cơ sở vững chắc để sức mạnh của chiến tranh nhân dân phát huy tối đa trong cuộc đối đầu với sức mạnh của không lực Hòa Kỳ 12 ngày đêm cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội và một số địa phương trên miền Bắc”, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự nhấn mạnh.
Cùng với quá trình triển khai sơ tán và tổ chức báo động, Hà Nội đã phát động phong trào toàn dân bắn máy bay địch, lấy lực lượng phòng không ba thứ quân làm nòng cốt, xây dựng và phát triển phòng không của dân quân tự vệ. Hai lực lượng phòng không của dân quân tự vệ Hà Nội được tổ chức hiệu quả là lực lượng trực chiến, gồm các tổ bắn máy bay thấp, bố trí và cơ động trên các trận địa đã chọn lựa và lực lượng không trực chiến, vừa tiến hành sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, khi có báo động thì triển khai tại các công sự đã chuẩn bị trước để bắn máy bay địch.
Không khí chiến đấu của nhân dân Hà Nội được một nhà báo Mỹ mô tả: “Trong bom đạn mịt mờ, tôi đã thấy những phụ nữ trên những ụ súng lia những khẩu súng trường theo các máy bay phản lực của Mỹ đang bay trên trời. Họ tin rằng, họ có thể bắn rơi máy bay phản lực bằng một khẩu súng trường. Đây là một ý chí có tính chất truyền thống trong những người dân mà tôi đã gặp”.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Sáu, điểm nổi bật của thế trận chiến tranh nhân dân còn là hình ảnh toàn dân làm công tác bảo đảm giao thông, vận chuyển. Khi cuộc đánh phá của không quân Mỹ bắt đầu, Hà Nội xác định phải kiên quyết bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, liên tục, an toàn để phục vụ sản xuất, sẵn sàng chiến đấu. Hà Nội đã phát huy vai trò nòng cốt lực lượng giao thông vận chuyên nghiệp và lực lượng công binh làm nhiệm vụ xung kích ở những trọng điểm bị địch đánh phá. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố triển khai rộng rãi lực lượng bảo đảm giao thông vận tải không chuyên, các tố ứng trực và khắc phục hậu quả ở các tuyến giao thông, các bến vượt, các cầu nhỏ…
Việc tổ chức và kết hợp chặt chẽ các hoạt động của hai lực lượng không chuyên và lực lượng chuyên nghiệp trên mặt trận giao thông vận tải là sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật chỉ đạo bảo đảm giao thông vận tải trong chiến tranh nhân dân chống lại kẻ thù. Do làm tốt công tác này, dù các mục tiêu giao thông vận tải trên địa bàn thành phố bị đánh phá liên tục, nhưng lực lượng bảo đảm giao thông vận tải của chiến tranh nhân dân đã kiên cường bám trụ, kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm được sự thông suốt trên các tuyến chính, phục vụ sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Đó là kết quả nổi bật của thế trận chiến tranh mà quân và dân Hà Nội tổ chức thực hiện nhằm chống lại chiến tranh hiện đại của quân đội Mỹ.
Đất nước này kể cả khi bị tổn thương vẫn không chịu khuất phục
Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm, kiên cường, quân dân Hà Nội cùng với Hải Phòng và toàn miền Bắc đã làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” vĩ đại, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất chưa từng có trong lịch sử thế giới.
Đồng hành cùng nhân dân Hà Nội, ở Hải Phòng, quân và dân nơi đây đã anh dũng chiến đấu, đánh thắng oanh liệt cuộc tập kích của đế quốc Mỹ; trực tiếp bắn rơi 17 máy bay các loại, trong đó có 4 máy bay chiến lược B52, 1 máy bay F111. Tại Thái Nguyên, quân dân đã bắn rơi 2 máy bay B52 của địch.
Bên cạnh đó, trong những ngày bom đạn ác liệt, có rất nhiều các tỉnh, thành phố trong cả nước, như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hà Tây… đã cùng chia lửa với Hà Nội, góp phần phân tán lực lượng kẻ thù.
Đại tá Nguyễn Văn Sáu cho biết tham gia chiến đấu, lao động sản xuất tại Thủ đô, không chỉ có người Hà Nội mà hàng chục nghìn người con ưu tú của các tỉnh, thành phố cả nước cũng đã cùng san sẻ khó khăn, hy sinh. Những thành tích, kinh nghiệm quý trong lao động, sản xuất, chiến đấu của các địa phương cũng được chia sẻ để nghiên cứu vận dụng trong hoàn cảnh, điều kiện của Thủ đô.
Đại tá Nguyễn Văn Sáu một lần nữa nhấn mạnh, chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của sức mạnh chiến tranh nhân dân. Không chỉ các tỉnh miền Bắc cùng chia lửa đánh trả máy bay Mỹ, mà chiến thắng vang dội này còn gắn liền với những chiến công oanh liệt của đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Bên cạnh đó, trong thế trận chiến tranh nhân dân, một cao trào toàn dân làm công tác phòng tránh, toàn dân bắn máy bay địch, toàn dân làm công tác giao thông vận tải, toàn dân hợp tác và giúp đỡ bộ đội chiến đấu… đã được kết hợp nhuần nhuyễn; cộng với trí thông minh và lòng dũng cảm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đã trở thành điểm tựa to lớn, buộc đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973.
Viết về sức mạnh của chiến tranh nhân tranh nhân dân Việt Nam trong chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, Robert Guillain, học giả người Mỹ cho rằng: “Chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa yêu nước đã nhân lên gấp bội ý chí hy sinh quên mình của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Họ vẫn tiếp tục chiến đấu dưới làn bom đạn khủng khiếp của Mỹ, ‘vị tất’ đã tìm trong lịch sử có kẻ sánh bằng. Thực chất là người Mỹ đã không biết tý gì về đất nước mà họ đã tiến công… Người Mỹ có thể tàn phá đất nước này bằng bom đạn, nhưng đất nước này thậm chí kể cả khi bị tổn thương vẫn không chịu cúi đầu, vẫn không chịu khuất phục”.
Còn tác giả G. Levy trong bài viết “Mỹ ở Việt Nam” khẳng định: “Linebacker II là thất bại chính trị-quân sự của Mỹ, vì nó không buộc đối phương đầu hàng, nghĩa là có những nhượng bộ mới”.
50 năm qua, Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn là dấu ấn sâu đậm trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. “Đặc biệt, sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong thắng lợi này đã phát triển lên tầm cao mới, là một trong những nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi và để lại nhiều kinh nghiệm quý báu vận dụng vào sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay”, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Nguyễn Văn Sáu nhận định.
Phương Liên
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp