Mua súng bắn bi sắt nhưng chưa sử dụng thì có vi phạm pháp luật không?

Mua súng bắn bi sắt nhưng chưa sử dụng thì có vi phạm pháp luật không? Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự.

Tóm tắt câu hỏi:

Chào luật sư! Mấy tháng trước em có mua một cây súng bắn bi sắt loại 6mm của một người bán hàng rong. Em mua vì thấy thích chứ chưa sử dụng. Luật sư cho em hỏi như vậy em có vi phạm phát luật hay không và nếu có thì em sẽ bị xử lí như thế nào? Cám ơn luật sư!

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

Căn cứ Điều 5 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

“Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm.

1. Cá nhân sở hữu vũ khí, trừ vũ khí quy định tại khoản 4 Điều 3 của Pháp lệnh này.

2. Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

4. Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng vũ khí được giao.

5. Giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

6. Cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

7. Mang vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép.

8. Vận chuyển, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn.

9. Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp giấy phép sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

10. Mua bán trái phép, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

11. Đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

12. Hành vi khác vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.”

Theo đó, cá nhân bị cấm khi sở hữu vũ khí, trừ vũ khí được quy định tại khoản 4 Điều 3 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12: “Vũ khí thô sơ gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ.” Như vậy, súng không thuộc đối tượng vũ khí thô sơ mà việc có được chiếc súng này thông qua hành vi mua bán không được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền nên trường hợp của bạn thuộc hành vi bị nghiêm cấm. Do vậy, bạn có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:

“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời, đầy đủ quy định về kiểm tra định kỳ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị;

b) Vi phạm chế độ bảo quản các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

c) Cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm;

d) Lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa không còn giá trị sử dụng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền;

b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;

c) Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;

d) Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả;

đ) Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

e) Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng;

g) Không giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

c) Cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, thủy lôi và các loại vũ khí khác để lấy thuốc nổ trái phép;

d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;

đ) Làm mất vũ khí, công cụ hỗ trợ.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

b) Sản xuất, sửa chữa các loại đồ chơi đã bị cấm;

c) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao;

đ) Vận chuyển vũ khí, các chi tiết vũ khí quân dụng, phụ kiện nổ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép hoặc không có các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;

e) Bán vật liệu nổ công nghiệp, Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) cho các đơn vị chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép;

b) Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm.

7. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp thì bị xử lý theo Nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, quản lý vật liệu nổ công nghiệp.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1; Điểm b Khoản 2; Điểm d, đ, g Khoản 3; Điểm a, c, d Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa trong thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, d Khoản 3; Điểm b Khoản 4 Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi, hủy bỏ giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này.”

Tùy theo hành vi của bạn, bạn sẽ bị xử phạt hành chính tương ứng với các hành vi trên.

Mua-sung-ban-bi-sat-nhung-chua-su-dung-thi-co-vi-pham-phap-luat-khong

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

Bên cạnh đó, nếu đủ yếu tố cấu thành bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 233 Bộ luật hình sự 1999 quy định tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.

“1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”

– Chủ thể: Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

– Hành vi khách quan: Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau đây:

+ Chế tạo trái phép vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.

Chế tạo trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ là làm ra các loại vũ khí dưới bất kỳ hình thức nào mà không được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Hành vi chế tạo vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ bao gồm làm mới hoàn toàn hoặc lắp ráp từ những bộ phận của loại vũ khí.

+ Tàng trữ trái phép vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.

Tàng trữ trái phép vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ là cất giữ bất hợp pháp vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ ở bất cứ nơi nào như: Trong nhà ở; phòng làm việc; trụ sở cơ quan, tổ chức; phương tiện giao thông; trong túi quần áo, túi xách… mà không nhằm mục đích mua bán hay chế tạo trái phép vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ khác hoặc vận chuyển từ này đến nơi khác.

+ Vận chuyển trái phép vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.

Vận chuyển trái phép vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ khác là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ khác từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác… bằng bất kỳ phương thức nào (trừ hình thức chiếm đoạt), nhưng đều không nhằm mục đích mua bán.

+ Sử dụng trái phép vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.

Sử dụng trái phép vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ là dùng vũ khí vào mục đích mà người sử dụng quan tâm như: dùng súng để săn bắt thú, dùng súng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật,…

+ Mua bán trái phép vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.

Mua bán trái phép vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ khác là bán hay mua để bán lại; vận chuyển vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ khác để bán cho người khác; tàng trữ để bán lại hoặc để chế tạo ra vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ khác để bán lại trái phép; hoặc dùng vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ khác để đổi lấy hàng hoá hay dùng hàng hoá để đổi lấy vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ khác.

+ Chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.

Chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ là hành vi cướp, bắt cóc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, tham ô vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.

– Mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.

Như vậy, bạn mua chiếc súng nhưng chưa sử dụng mà cất ở trong nhà, phòng làm việc, cơ quan,…mà không nhằm mục đích mua bán hay chế tạo trái phép vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ khác hoặc vận chuyển từ này đến nơi khác thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội tàng trữ trái phép vũ khí thô sơ hoặc công cũ hộ trợ khi đủ yếu tố cấu thành.