Chè vằng vốn là một loại thức uống thanh mát, giải nhiệt cơ thể và có lợi cho phụ nữ sau sinh. Thế nhưng ít ai biết loại dược liệu này điều trị nhiều bệnh rất hiệu quả mà lại vô cùng an toàn. Bài viết dưới đây YouMed sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.
1. Mô tả dược liệu
1.1. Tên khoa học, danh pháp
Còn gọi là chè cước man, dây cẩm vân, cây dâm trắng, cây mổ sẻ.
Bạn đang xem: Chè vằng: Cây thuốc cho phụ nữ sau sinh
Tên khoa học: Jasminum subtriplinerve (C. L. Blume).
Thuộc họ: hoa Nhài – Oleaceae.
Nhiều người thường nhầm cây chè vằng với cây lá ngón (đoạn trường thảo). Nhưng cây chè vằng có hoa trắng, còn cây lá ngón có hoa vàng và một số đăc điểm khác. Cần cẩn trọng trong phân biệt loại cây này.
1.2. Đặc điểm thực vật cây chè vằng
Cây chè vằng là một cây nhỏ, mọc thành bụi ở bờ rào hoặc bụi tre hoặc bám vào cây lớn. Thân cây cứng, chia thành từng đốt, đường kính 5 – 6 mm, chia thành nhiều cành, có thể vươn cao 1 – 1.5m và vươn dài tới 15 – 20m, thân và cành đều nhẵn. Lá mọc đối, hình mũi mác, phía cuống tù hay hơi tròn, đầu lá nhọn, dài 4 – 7.5cm rộng 2 – 4.5cm, những lá phía trên nhỏ hơn lá phía dưới, mép nguyên, trên có 3 gân rõ rệt. Cuống lá nhẵn, dài 3 – 12mm.
Hoa mọc thành xim nhiều hoa chừng 7 – 9 hoa, cánh hoa màu trắng. Quả hình cầu, đường kính 7 – 8 mm. Khi chin, có màu vàng trong quả có một hạt rắn chắc. Mùa quả chín tháng 7 – 10.
Chè vằng dễ nhầm lẫn với lá ngón, một loại cây rất độc. Hình dạng bên ngoài, thân, cành tương đối giống với thân cành lá ngón, nhất là khi đã chặt khỏi gốc và bỏ hết lá.
Ta có thể phân biệt với cây lá ngón nhờ vào đặc điểm lá, hoa và quả. Lá chè vằng có 3 gân dọc trong đó 2 gân bên uốn cong theo mép lá, rõ rệt. Hoa màu trắng với mười cánh hoa trong khi hoa lá ngón mọc thành chùm, phân nhánh nhiều lần (từ 2 đến 3 lần) màu vàng. Quả có hình cầu cỡ hạt ngô, chín màu vàng, có một hạt rắn chắc trong khi quả cây lá ngón hình trụ (khoảng 0,5x1cm), khi chín tự mở, nhiều hạt (tới 40 hạt), nhỏ, hình thận, có diềm mỏng, phát tán theo gió.
1.3. Phân bố, thu hái, chế biến
Cây chè vằng mọc hoang ở toàn quốc, từ Nam chí Bắc. Tại miền Bắc có ở Hòa Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại miền Nam người ta thường dùng để đan rế và đánh dây thừng vì dây vằng vừa dẻo lại dai.
Trồng bằng cách dâm cành rất dễ mọc. Cắt thân hay cành thành từng đoạn 15 – 20cm, dâm xuống đất ẩm chừng 1 tháng cho cây bén rễ.
1.4. Bộ phận sử dụng cây Chè vằng
Người ta thường hái lá quanh năm làm thuốc hay để đun nước tắm ghẻ. Dùng tươi hay phơi khô để dành.
2. Thành phần hóa học
Các chất hóa học được phân lập: 6′-O-menthiafoloylverbascoside, rutin, isoverbascoside, isooleoverbascoside, apiosylverbascoside, astragalin, isoquercitrin và verbascoside. Ngoài ra còn phân lập được thêm axit 3- beta-acetyl-oleanolic, lup-20-en-3beta-ol, sterol, stigmast-5-en-3beta-ol.
3. Cây Chè vằng có tác dụng gì?
Một nghiên cứu khoa học có làm kháng sinh đồ so sánh với penicillin và streptomycin, clorocid và sunfamid thì thấy dây chè vằng có tác dụng kháng sinh mạnh hơn các thuốc trên đối với tụ cầu khuẩn Staphyllococcus và liên cầu khuẩn tan huyết Streptococcus hemolytique. Nghiên cứu này còn dùng dây chè vằng chữa áp xe vú có hiệu quả.
Phụ nữ sinh con uống chè vằng thường xuyên giúp tăng tuyến sữa, duy trì nguồn sữa và chống viêm tuyến sữa. Ngoài ra còn giúp sản phụ chóng lại sức, chống thiếu máu, mệt mỏi, kém ăn.
Chè vằng đang được nghiên cứu về các hoạt động kháng khuẩn, chống oxy hóa và gây độc tế bào. Các nghiên cứu y học hiện đại còn đang bước đầu phân lập các hoạt chất hóa học trong cây nên các nghiên cứu về tác dụng điều trị của nó còn rất ít. Các tác dụng điều trị hiện nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền lại.
4. Liều lượng, cách dùng
Xem thêm : Ý nghĩa của các ngón tay khi đeo nhẫn
Ở nhiều tỉnh, người ta dùng lá vằng phơi khô nấu hay pha nước uống hằng ngày hoặc cho phụ nữ sau sinh uống. Có nơi còn dùng lá nấu nước tắm cho trẻ em bị ghẻ lở.
Tại miền Nam, người ta dùng lá chữa sưng vú, cho phụ nữ mới đẻ uống, còn dùng để chữa rắn cắn, rễ mài với dấm thanh để làm hết mủ và những ung nhọt đã mưng mủ.
Liều uống hàng ngày: 20 – 30 gram lá khô.
Dùng ngoài: không kể liều lượng.
Kinh nghiệm dùng lá chè vằng: Dùng lá chè vằng giã nát đắp vào nơi áp xe vú hoặc giã lá với cồn 50 độ rồi đắp vào nơi áp xe. Thời gian điều trị thường 1 ngày – 1 tuần tùy vào mức độ nặng nhẹ, thời điềm bắt đầu chữa bằng lá chè vằng.
Trung bình 1.5 – 2 ngày. Bệnh nhân điều trị bằng chè vằng thường hết sốt sau 2 giờ dùng thuốc, sau khi khỏi công thức máu và số lượng bạch cầu về lại bình thường, sữa cũng trở lại bình thường.
5. Lưu ý
- Những người huyết áp thấp và trẻ em dưới 2 tuổi không nên sử dụng. Người huyết áp thấp khi dùng chè vằng có thể xảy ra trường hợp chóng mặt, nhức đầu… những trường hợp này nên ngưng sử dụng.
- Phụ nữ mang thai không uống chè vằng vì có nguy cơ gây co thắt tử cung.
Cây chè vằng là loài cây phổ biến ở nhiều nơi. Bệnh nhân không nên tự ý mua và sử dụng khi chưa có hướng dẫn từ thầy thuốc. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
>> Xem thêm: Cây Ba chẽ – Loài thực vật chữa rắn cắn
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp