Liệt kê là gì? Tác dụng của liệt kê

Liệt kê là gì? Có mấy kiểu liệt kê? Tác dụng của phép liệt kê là gì?Để giúp các em học sinh hiểu hơn về phép Liệt kê, VnDoc gửi tới các bạn tài liệu Liệt kê là gì? Tác dụng của liệt kê để học tập tốt môn Ngữ Văn 7 hơn. Mời các bạn tham khảo chi tiết.

1. Thế nào là phép liệt kê?

– Liệt kê là sắp xếp nối tiếp hàng loạt, từ hay cụm từ cùng loại để diễn được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay của tư tưởng, tình cảm.

– Liệt kê ở đây được coi là biện pháp tu từ, được sử dụng để làm tăng hiệu quả biểu đạt, diễn đạt, chứ không phải là sự kể lể dài dòng, rườm rà, trùng lặp thường thấy trong cách nói, cách viết của một số người. Cần phân biệt hai hiện tượng này để:

  • Một mặt, học tập cách diễn đạt có hiệu quả cao theo phép liệt kê.
  • Mặt khác, khắc phục lỗi kể rườm rà, trùng lặp trong cách nói, cách viết.

Ví dụ 1: Thường là chở chè vối, và thỉnh thoảng củng có những chuyến chở cánh kiến trắng, cánh kiến đỏ, sợi móc, da trâu sống, xương và sừng nai hươu, xương gấu, xương hổ.

(Nguyễn Tuân)

→ Các cụm danh từ chè vối, cánh kiến trắng, cánh kiến đỏ, sợi móc, da trâu sống, xương và sừng nai hươu, xương gấu, xương hổ cùng làm thành tố phụ cho cụm động từ có động từ trung tâm là chở nhằm gây ấn tượng mạnh cho người tiếp nhận và sự đa dạng của các sản vật vùng biên.

Ví dụ 2: Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông, đất nước ta.

→ Các cụm danh từ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta cùng làm chủ ngữ của câu nhằm biểu hiện cảm xúc và suy nghĩ của người viết về lòng biết ơn vô hạn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta với vị cha già của dân tộc.

Ví dụ 3:

Hoan hô chiến sĩ Điện BiênChiến sĩ anh hùngĐầu nung lửa sắtNăm mươi sáu ngày đêm,khoét núi, ngủ hầm,mưa dầm, cơm vắtMáu trộn bùn nonGan không núngChí không mòn!

(Tố Hữu)

→ Các cụm động từ khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm và các cụm danh từ cơm vắt được sắp xếp đặt cạnh nhau nhằm làm cho sự miêu tả thêm đậm nét về những khó khăn, vất vả mà các chiến sĩ Điện Biên phải trải qua, đồng thời việc sắp đặt này cũng gây ấn tượng mạnh đối với người tiếp nhận.

2. Các kiểu liệt kê

– Xét theo cấu tạo, có thể phân biệt:

  • Kiểu liệt kê theo từng cặp.
  • Kiểu liệt kê không theo từng cặp.

– Xét theo ý nghĩa, có thể phân biệt:

  • Kiểu liệt kê tăng tiến.
  • Kiểu liệt kê không tăng tiến.

3. Tác dụng của phép liệt kê

Các phép liệt kê thường được sử dụng để nhấn mạnh ý, chứng minh cho nhận định của tác giả. Trong văn học, liệt kê được sử dụng như một phép tu từ có tác dụng tăng tính biểu cảm cho đoạn thơ, đoạn văn.

Ví dụ: Trong tác phẩm “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, Hồ Chí Minh đã sử dụng biện pháp liệt kê để nhấn mạnh tinh thần yêu nước của nhân dân, chứng minh cho lòng yêu nước đó là bất tử “…Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước”.

4. Bài tập liệt kê có đáp án

Bài 1: Hãy xác định biện pháp liệt kê và tác dụng của nó:

a,

Cây tre Việt Nam! Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung, can đảm, cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.

b,

Tàu qua những sớm, những chiều

Những sông, những núi, những đèo tàu qua…

c,

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về.

d,

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi…

Gợi ý trả lời

a, Liệt kê những đức tính đáng quý của cây tre cũng chính là đức tính đáng quý của con người.

b, Liệt kê những điểm đến cũng chính là hành trình của con tàu.

c, Liệt kê chiến thắng vẻ vang của quân ta

d. Liệt kê: ong bướm, hoa, lá, yến anh, ánh sáng, tháng giêng

– Tác dụng : Cho thấy bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp có sự hài hòa cả về đường nét, màu sắc và sức sống căng tràn của cảnh vật . Qua đó thể hiện tình yêu mùa xuân , yêu cuộc sống trần thế tha thiết của tác giả .

Bài 2. Tìm và chỉ ra các phép liệt kê có trong các ví dụ sau:

a) Trong miêu tả, người ta thường hay so sánh. So sánh thì vô cùng: Cậu ta mới chừng ấy tuổi mà trông như một cụ già. Đấy là so sánh người với người. Có khi so sánh người với các con vật: Trông anh ta như một con gấu. Có khi so sánh người với cây, với hoa: Cô gái vẻ mảnh mai, yểu điệu như một cây liễu.

b) Trong tiếng gió thổi ta nghe tiếng thông reo, tiếng sóng vỗ, tiếng ve ran và cả tiếng máy, tiếng xe, tiếng cần trục từ trên các tầng than, bến cảng vọng lại. Những âm thanh của sự sống trăm ngả tụ về, theo gió ngân lên vang vọng.

c) Lúc ấyCả công trường đang ngủ cạnh dòng sôngNhững tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩNhững xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉChỉ có tiếng đàn ngân ngaVới một dòng trăng lấp loáng sông Đà.

Trả lời:

a) Liệt kê: mảnh mai, yểu điệu → Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến.

b) Liệt kê: tiếng thông reo, tiếng sóng vỗ, tiếng ve ran, tiếng máy, tiếng xe, tiếng cần trục → Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến.

c) Liệt kê: xe ủi, xe ben → Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến.

Câu 3. Chỉ ra phép liệt kê trong đoạn văn sau và nêu tác dụng của phép liệt kê đó.:

Bên cạnh ngài, mé tay trái, bát yến hấp đường phèn, đê trong khay khảm, khói bay nghi ngút; tráp đồi mồi chữ nhật để mở, trong ngăn bac đầy những trầu vàng, cau đâu, rễ tía, hai bên nào ông thuốc bac, nào đồng hồ vàng, nào dao chuôi ngà, nào ống vôi chạm, ngoáy tai… ví thuốc, quản bút, tăm bông trông mà thích mắt.(…) Ngoài kia, tuy mưa gió ầm ầm, dân phu rối rít, nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch, nghiêm trang lắm (…).

(Phạm Duy Tốn)

Trả lời:

– Phép liệt kê: Bát yến hấp đường phèn, tráp đồi mồi chữ nhật đè mở, trầu vắng, cau đậu, rễ tía, ống thuốc bạc, đồng hồ vàng, dao chuôi ngà, ống vôi chạm, ngoáy tai, ví thuốc, quản bút, tăm bông

→ Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến

→ Tác dụng: làm cho sự miêu tả thêm đậm nét nhằm giúp người tiếp nhận thấy được sự giàu sang vô lối của tên quan phụ mẫu.

Câu 4: Đặt câu có sử dụng phép liệt kê.

Trả lời:

– Giờ ra chơi trên sân trường tôi thật náo nhiệt: các bạn nữ chơi nhảy dây, các bạn nam đá bóng, một vài tốp học sinh ngồi ghế đá nói chuyện tíu tít với nhau.

– Bằng tinh thần sục sôi, ý chí chiến đấu và lòng yêu nước nồng nàn, các chiến sĩ đã chiến đấu vì nền độc lập của nước nhà.

– Đồng chí của Chính Hữu là bài ca về tình đồng chí, đồng đội với tinh thần cùng cảnh ngộ, ý chí, lý tưởng chiến đấu đấu.

Câu 4: Viết đoạn văn có sử dụng phép liệt kê, chỉ rõ các phép liệt kê đó?

Đoạn văn mẫu

Chúng tôi thích nhất là giờ dạy văn của cô Hà. Cô Hà là người giáo viên dạy giỏi, có nhiệt huyết, lòng đam mê và rất yêu thương học sinh. Mỗi bài giảng của cô đều đem lại kiến thức bổ ích cho mỗi thế hệ học trò. Các bạn trong lớp ai cũng yêu mến cô qua những bài giảng văn trên lớp. Mỗi giờ lên lớp, giọng cô truyền cảm, đôi mắt trìu mến nhìn học sinh, thả hồn vào từng bài giảng. Không chỉ dạy trên lớp truyền thụ kiến thức mà ngoài đời cô còn rất quan tâm đến học trò của mình. Cô hay trò chuyện, tìm hiểu, chia sẻ để thấu hiểu cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Ngoài ra cô còn rất quan tâm đến các bạn có học lực kém để tìm các phương pháp giảng dạy hiệu quả, giúp các em hiểu bài hơn. Nhờ đó mà chúng tôi luôn đạt điểm cao trong học tập.

– Các câu văn có sử dụng phép liệt kê là:

  • Cô Hà là người giáo viên dạy giỏi, có nhiệt huyết, lòng đam mê và rất yêu thương học sinh.
  • Cô hay trò chuyện, tìm hiểu, chia sẻ để thấu hiểu cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp.

– Phép liệt kê được sử dụng là:

  • “dạy giỏi, có nhiệt huyết, lòng đam mê và rất yêu thương học sinh” – liệt kê các phẩm chất của cô Hà – liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến
  • “trò chuyện, tìm hiểu, chia sẻ” – liệt kê các hoạt động của cô Hà – liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến

Đề thi học kì 1 Văn 7 năm 2023

  • Đề thi học kì 1 Văn 7 Chân trời sáng tạo
  • Đề thi học kì 1 Văn 7 Chân trời sáng tạo – Đề 1
  • Đề thi học kì 1 Văn 7 Chân trời sáng tạo – Đề 2
  • Đề thi học kì 1 Ngữ văn 7 Kết nối tri thức
  • Đề thi học kì 1 Văn 7 Kết nối tri thức – Đề 1
  • Đề thi học kì 1 Văn 7 Kết nối tri thức – Đề 2
  • Đề thi học kì 1 Ngữ văn 7 Cánh diều
  • Đề thi học kì 1 Văn 7 Cánh diều – Đề 1
  • Đề thi học kì 1 Văn 7 Cánh diều – Đề 2
  • Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 7 có đáp án Sách mới

Ngoài tài liệu Liệt kê là gì? Tác dụng của liệt kê, mời các bạn tham khảo thêm Soạn văn 7, Ngữ văn lớp 7, Giải Vở bài tập Ngữ văn 7, Trắc nghiệm văn 7 được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.