Rượu rắn có giúp tăng cường sinh lý?

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video tác dụng của rượu rắn đối với nam giới

Tính đa dạng của loài rắn

Qua nghiên cứu các hóa thạch, người ta đã xác định được sự xuất hiện của loài rắn trên trái đất vào khoảng 100 triệu năm, cùng thời với sự tồn tại của khủng long. Cho đến nay, có tới 3.100 loài rắn đã được phát hiện trên thế giới, chúng sống hầu như ở khắp các châu lục và phân bố ở khắp các vùng miền, từ rừng rậm, núi cao, ven sông, ven biển, đồng bằng, đầm lầy…, đâu đâu cũng có rắn. Có thể nói ở đâu có con người sinh sống thì ở đó có rắn. Về hình dáng cũng rất đa dạng, có loài rắn được gọi là “khổng lồ” với chiều dài thân tới 2,7m, có đủ nọc để giết tới 15 người một lúc. Ngược lại, cũng có loài nhỏ chỉ bằng một sợi mì ống (rắn Leptotyphlops carlae). Về hình dáng và màu sắc cũng rất đa dạng, rắn hổ mang (hổ mang bành) Naja -naja hay Agkistrodon rhodostoma, phần cổ có bạnh lớn; rắn cạp nong (mai gầm) Bungarus fasciatus, thân có khoanh đen và vàng, vòng quanh cả bụng; rắn cạp nia Bungarus candidus, có khoanh vàng ngà, chỉ vòng nửa thân; rắn lục có thân màu xanh; rắn ráo có màu hơi vàng sáng; rắn dọc dưa có các sọc vàng chạy dọc thân; rắn Leptotyphlops lại có màu xám hơi nâu thẫm, có 2 sọc vàng. Khi bắt mồi, rắn thường nhả nọc độc, làm tê liệt con mồi đến chết, nhiều loại như hổ mang có thể nhắm trúng mắt con mồi để phun nọc, còn rắn Leptotyphlops thì lại không dùng nọc để bắt mồi. Cũng về vấn đề thức ăn của rắn, có quan niệm lại cho rằng rắn hổ mang chỉ ăn chính đồng loại của mình, một con rắn hổ mang lớn chỉ ăn một con hổ mang nhỏ, sau 3 tháng không cần ăn gì nữa vẫn khỏe. Và một năm, rắn hổ mang chỉ giao cấu có một lần, với thời gian kéo dài từ 20 – 30 giờ. Có lẽ với lý do này mà người ta sử dụng rượu rắn để bổ thận tráng dương.

Cách điều chế rượu rắn

Cách ghép bộ rắn để ngâm rượu

Tùy theo nguồn rắn ở từng vùng mà cách ghép bộ để ngâm rượu rắn có khác nhau. Ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung thường có cách ghép như sau:

Bộ 3: 1 con hổ mang, 1 con cạp nong, mỗi con có thể trọng khoảng 500g, 1 con rắn ráo, có thể trọng khoảng 300g.

Bộ 5: Thêm vào bộ 3 hai con rắn khác, 1 con cạp nia, 1 con hổ trâu hoặc 1 con dọc dưa, mỗi con có thể trọng khoảng 500g.

Ở Nam Bộ thường dùng bộ 3 (tam xà tửu): 1 con hổ lửa, 1 con mai gầm, 1 con hổ đất. Bộ 5 (ngũ xà tửu): thêm vào bộ 3 trên 1 con hổ bành (hổ mang) và 1 con hổ hèo (hổ trâu). Bộ 10 (thập xà tửu): từ bộ 5, thêm 5 con rắn khác: 1 con rắn lục, 1 con rắn bông súng, 1 con rắn ri cá, 1 con ri ròi, 1 con rắn bồng.

Cách chế biến rắn:

Trước khi chế biến rắn, không để nọc rắn gây nguy hiểm đến tính mạng của người trực tiếp chế biến và người sử dụng, không để mất mật rắn và phải hạn chế tối đa mùi tanh.

Trước hết, chọn 3 con của các loại rắn khỏe mạnh, còn mật (theo cách ghép bộ 3 của miền Bắc), vì mật rắn có ý nghĩa rất lớn trong rượu. Nhiều khi người ta đã chích lấy mật trước, vì mỗi loại rắn có vị trí túi mật tương đối ổn định so với chiều dài thân, do đó cần lưu ý vấn đề này. Rắn được mổ bỏ hết phủ tạng, mật rắn lấy riêng ngâm vào một lọ chứa ít rượu 35 – 40%. Dùng rượu rửa sạch máu rắn, sau đó ngâm rắn vào hỗn dịch gừng tươi và rượu để khử mùi tanh (500g gừng tươi, rửa sạch, giã nát, thêm 0,5 lít rượu 35 – 40%), ngâm trong 30 phút. Lấy rắn ra, để khô se là có thể tiến hành ngâm rượu được.

Ngâm rắn tươi

Cho rắn đã xử lý vào một lọ thủy tinh có dung tích thích hợp. Đổ ngập rượu 60-70%. Đậy kín lọ. Ngâm trong 3 tháng. Có thể hạ thổ để giữ cho nhiệt độ ngâm ổn định. Sau khi chiết rượu ngâm lần 1, có thể tiếp tục ngâm lần 2-3. Những lần sau chỉ cần rượu có nồng độ 35 – 40o, và thời gian ngâm cũng ít hơn, thường là 30 – 20 ngày. Có nơi tiến hành ngâm rượu rắn tới hàng năm. Gộp dịch ngâm của 3 lần lại để pha rượu.

Ngâm rắn khô

Rắn đã được chế như trên, bỏ phần đầu, nơi có hai túi nọc độc, chặt thành từng khúc dài 5-7cm, có thể tẩm thêm dịch gừng tươi, để cho se, rồi nướng trên bếp than qua một vỉ sắt cho tới màu vàng và mùi thơm. Cũng có thể sấy trong tủ sấy ở nhiệt độ khoảng trên 70oC tới khô. Cho rắn đã khô vào bình thủy tinh có dung tích thích hợp, đổ rượu 35 – 40o ngập rắn. Ngâm lần đầu 30 ngày, sau đó tiếp tục ngâm lần 2-3. Những lần sau thời gian ngâm ngắn hơn, thường là 20 – 15 ngày. Cũng có thể sau khi có rắn khô, đem giã thành bột thô, cho vào túi vải, rồi ngâm như trên.

Đồng thời với việc ngâm rượu rắn, tiến hành ngâm rượu các vị thuốc đã được chế biến: hà thủ ô đỏ, ngũ gia bì hương, thiên niên kiện, mỗi vị 80g; cẩu tích 50g; kê huyết đằng 120g; tiểu hồi, trần bì, mỗi vị 30g. Dùng rượu 35 – 40% với tỷ lệ một phần thuốc, 5 – 8 phần rượu. Số ngày ngâm có thể ít hơn ngâm rắn. Lần 1 ngâm 30 ngày, lần 2-3 ngâm từ 20 – 15 ngày. Gộp rượu thuốc của các lần ngâm lại để pha chế với rượu rắn.

Sau khi đã chuẩn bị rượu của hai phần như trên, pha chế theo tỷ lệ 1 : 1 (một phần rượu rắn, một phần rượu thuốc), hoặc 1 : 2. Đem rượu rắn rót từ từ vào rượu thuốc, vừa rót vừa dùng đũa thủy tinh quấy đều để tránh rượu bị kết tủa. Đồng thời, đem rượu các mật rắn đã được ngâm riêng từ khi chế biến trộn đều với rượu thành phẩm. Thêm 500g đường trắng, quấy đều cho tan. Thêm rượu có nồng độ 35 – 40o cho đủ 10 lít rượu thành phẩm. Rượu rắn có màu nâu thẫm, mùi thơm vị đậm hơi ngọt. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 30-50ml, uống trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Không dùng rượu rắn cho phụ nữ có thai. Tuy nhiên, không nên lạm dụng uống rượu rắn như một thứ rượu thực phẩm khác.

Rắn theo quan điểm của YHCT

Theo YHCT thịt rắn có vị ngọt, mặn, tính ôn, quy kinh can, có tác dụng trừ phong thấp, định kinh giản, giảm đau, tiêu độc. Mật rắn có vị ngọt, cay, không đắng như các loại mật khác, có tác dụng giảm đau, giảm ho, chống viêm, thường được dùng chung với thịt rắn trong rượu rắn. Rượu rắn rất tốt cho các trường hợp thận dương kém, đau xương khớp, đau dây thần kinh ngoại biên, suy yếu sinh lý, liệt dương, tiết tinh sớm, trí lực, thần kinh suy giảm.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh