Uống thuốc giảm cân có hại thận không?

Giảm cân là mong muốn của rất nhiều người nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng sức khỏe do thừa cân gây ra. Việc lạm dụng thuốc giảm cân có thể mang lại vô số tác hại nghiêm trọng. Vậy uống thuốc giảm cân có ảnh hưởng gì không? Theo các chuyên gia, trừ trường hợp do bệnh lý (liên quan đến hội chứng chuyển hóa hay các rối loạn nội tiết…), đa phần nguyên nhân gây béo phì là do mất cân bằng giữa 2 yếu tố là chế độ dinh dưỡng và chế độ vận động thể lực. Do đó, biện pháp giảm cân an toàn nhất và hiệu quả nhất vẫn là thực hiện chế độ ăn kiêng và tập thể dục thể thao theo chỉ định của bác sĩ.

Các loại thuốc giảm cân theo toa chỉ được sử dụng trong trường hợp chỉ số BMI trên 30 hoặc trên 27 kèm theo các yếu tố nguy cơ như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu hay chứng ngưng thở lúc ngủ. Khi đó, việc giảm cân bằng thuốc kê toa nhằm hạn chế các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo các chuyên gia, thuốc giảm cân là sản phẩm giúp bệnh nhân thừa cân, béo phì kiểm soát được cân nặng và bắt buộc phải kết hợp với chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất hợp lý.

Một số thuốc giảm cân được FDA chấp thuận bao gồm:

  • Nhóm ức chế sự thèm ăn: Đa số thuốc được FDA cho phép sử dụng đều có tác dụng ức chế cảm giác thèm ăn thông qua cơ chế tác động đến 1 hoặc nhiều chất dẫn truyền thần kinh của não bộ. Mục đích khi sử dụng nhóm thuốc này là giúp bệnh nhân béo phì cảm thấy ít đói hoặc no lâu hơn. Một số thuốc tiêu biểu của nhóm này có thể kể đến như:
    • Belviq (Lorcaserin): Giảm thèm ăn và tăng cảm giác no thông qua một receptor của Serotonin não bộ;
    • Thuốc phối hợp Bupropion/Naltrexone: Sự kết hợp 1 hoạt chất chống trầm cảm (Bupropion) và một thuốc hỗ trợ cai rượu và ma túy (Naltrexone) hỗ trợ kiềm chế cảm giác đói và thèm ăn của bệnh nhân;
    • Saxenda (Liraglutide): Tác dụng chính là kiểm soát đường huyết và nồng độ Insulin máu, tuy nhiên vẫn có thể hỗ trợ giảm cân;
    • Qsymia (Phentermin/Topiramate ER): Phentermin ức chế sự thèm ăn như Amphetamin;
  • Thuốc ức chế lipase: Orlistat (Xenical) được FDA chấp thuận vào năm 1999 để điều trị lâu dài bệnh nhân béo phì. Hoạt chất này ức chế quá trình hấp thụ chất béo lên đến 30%. Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế enzym Lipase (do tuyến tụy tiết ra nhằm phân hủy chất béo), do đó chất béo không được tiêu hóa sẽ đào thải ra ngoài theo phân.

Mặc dù các thuốc giảm cân kể trên đã được FDA chấp thuận nhưng việc sử dụng vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Thuốc giảm cân nhóm Amin tương tự giao cảm kích thích chức năng tim mạch, qua đó dẫn đến tăng huyết áp và tăng nhịp tim;
  • Chất ức chế Lipase được ghi nhận liên quan đến nguy cơ tổn thương gan (mặc dù hiếm gặp), do đó bệnh nhân béo phì khi sử dụng cần cảnh giác với các triệu chứng như ngứa, vàng da, chán ăn, phân và nước tiểu có màu bất thường;
  • Qsymia có hoạt chất Topiramate có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng nếu dùng trong giai đoạn mang thai;
  • Saxenda: Được cho là có liên quan đến ung thư khối u tế bào C tuyến giáp ở động vật. Do đó không sử dụng nếu tiền sử cá nhân hoặc gia đình từng bị ung thư biểu mô tuyến giáp;
  • Belviq: Nguy cơ tương tác với một số thuốc chống trầm cảm và thuốc điều trị đau nửa đầu có tác động đến Serotonin não bộ.