Một nhà văn lớn có nhiều tác phẩm bị đổi tên

Tới 1945, truyện lại một lần nữa đổi thành “Chí Phèo”, in trong tập “Luống cày” chung với Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Kim Lân. Sách do Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản.

Truyện ngắn “Tiên sư thằng Tào Tháo” đăng báo trong thời gian đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, về sau đổi thành “Đôi mắt” in trong tập “Truyện ngắn Nam Cao”, do Nhà xuất bản Văn hóa ấn hành tại Hà Nội năm 1960.

Truyện dài “Chết mòn” viết đăng báo trong khoảng 1943 – 1944, sau đó Nhà xuất bản Văn nghệ xuất bản tại Hà Nội năm 1956, đổi tên thành “Sống mòn”.

Như vậy, những tác phẩm nổi tiếng nhất của Nam Cao đều bị (hoặc được) đổi tên. Không biết bạn bè đồng lứa với ông, có ai phải gặp nhiều trường hợp như vậy không?

Ngoài việc đổi tên tác phẩm (do những yếu tố bên ngoài tác động), bản thân Nam Cao cũng nhiều lần tự sửa tác phẩm của mình theo yêu cầu của độc giả.

Trong những điều Bác Hồ căn dặn học viên lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng cách đây sáu mươi năm, có một điều mà đến nay hẳn nhiều người còn nhớ: “Khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu”.

Và Nam Cao là một trong những người quán triệt quan điểm này của Bác một cách hết sức nghiêm túc.

Chuyện kể rằng: Thời kỳ làm báo “Cứu quốc”, Nam Cao tỏ ra rất cần mẫn, chăm chỉ. Khi viết xong một bài báo, ông đọc lại cho chú Mộc – một liên lạc viên của báo, là người dân tộc Tày nghe. “Quãng nào, chữ nào Mộc không hiểu, Nam Cao lại chịu khó tìm chữ khác, viết lại”.

Một lần, Nam Cao viết ca dao cổ động đoàn kết kháng chiến. Một số nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp đọc, nhận xét “được”. Song Nam Cao chưa yên tâm. Ông chờ “chú Mộc” đọc duyệt lần cuối. Bài ca dao có nhiều chữ chú Mộc lắc đầu, cho rằng khó hiểu. Nam Cao loay hoay tìm cách chữa lại, song không được, bèn nghĩ ra một kế, bảo chú Mộc đem đến nhờ nhà thơ Nông Quốc Chấn xem hộ. Ý kiến của nhà thơ Nông Quốc Chấn (cũng người dân tộc Tày như chú Mộc) có ý nghĩa quyết định. Ông khen bài thơ, khiến chú Mộc không còn dám “phản bác nữa”.

Cũng thời gian ấy, Nam Cao đang viết tập “Chuyện biên giới” về chiến dịch Cao Lạng. Để cho tác phẩm “gọn nhẹ” về số trang, dễ cho việc in ấn, phát hành, ông đã mạnh dạn bỏ đi cả mấy chục trang bản thảo một cách không hề nuối tiếc. Nam Cao cũng ấp ủ viết một bộ trường thiên tiểu thuyết về làng quê mình, từ thời kỳ trước Cách mạng cho tới Tổng Khởi nghĩa và kháng chiến. Vậy mà, lần thứ nhất viết xong, tự đọc thấy không ưng, ông liền bỏ đi. Lần thứ hai, ông đưa anh em đọc nhận xét, anh em bảo viết “gượng” quá. Thế là Nam Cao xé bản thảo liền.

Nam Cao là một người rất khó tính trong sáng tác. Theo hồi ký của một số nhà văn cùng thời, trong các nhà văn nước ngoài, Nam Cao chỉ phục có mình Sêkhốp. Vậy mà, để phục vụ kháng chiến, ông đã hết lòng hết sức, thậm chí hòa mình vào quần chúng. Thật đáng quý biết bao