Tái hòa nhập cộng đồng là gì? Hồ sơ tái hòa nhập cộng đồng mới nhất?

1. Tái hòa nhập cộng đồng là gì?

Thuật ngữ “tái hòa nhập cộng đồng” đã xuất hiện trong Luật thi hành hình sự năm 2010 tuy nhiên lại không được quy định một cách cụ thể, cho đến khi Luật thi hành án hình sự năm 2019 ra đời, “tái hòa nhập cộng đồng ” được nêu rõ tại Điều 45, đây là cơ sở để mở đầu hàng loạt quy định khác, đặc biệt là Nghị định 49/2020/NĐ-CP.

Thực tế “tái hòa nhập cộng đồng” chưa được giải thích trong bất kỳ văn bản pháp luật nào, khái niệm tái hòa nhập cộng đồng xem xét dưới góc độ lý luận, theo các nhà khoa học nghiên cứu về Luật hình sự, tái hòa nhập cộng đồng được hiểu là quá trình phục hồi địa vị pháp lý cho công dân, là quá trình “hồi sinh về mặt xã hội” của cá nhân, là quá trình vừa mang tính pháp lý vừa mang tính xã hội sâu sắc – cá nhân mãn hạn tù thông qua giao tiếp với cộng đồng xã hội để nhận thức lại, tiếp thu và chuyển hóa các giá trị, chuẩn mực pháp lý, văn hóa ứng xử và đạo đức xã hội, từ đó phục hồi và phát triển chính con người công dân, con người xã hội của mình.

Tái hòa nhập cộng đồng được áp dụng đối với người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng (gọi chung là người chấp hành xong hình phạt tù) là người Việt Nam, người nước ngoài và người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam.

Tái hòa nhập cộng đồng trong Tiếng anh là “Community re-integration

2. Nội dung chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng:

Trách nhiệm tổ chức chuẩn bị hồ sơ tái hòa nhập cộng đồng thuộc về Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng là tiền đề quan trọng để phạm nhân có được điều kiện tốt nhất để tái hòa nhập cộng động, theo đó, tại Điều 45 Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định các nội dung sau:

Thứ nhất, tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý:

– Trong khoảng thời gian hai tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc sau khi có kết quả thẩm định nhất trí đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan có thẩm quyền, các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân.

– Tư vấn tâm lý nhằm cung cấp cho phạm nhân kiến thức, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Nội dung tư vấn bao gồm:

+ Tư vấn tình cảm, hôn nhân, gia đình, sức khỏe; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội;

+ Tư vấn xóa bỏ mặc cảm, tự ti; xây dựng ý chí, niềm tin, khả năng ứng phó, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng;

+ Tư vấn về lao động, việc làm, sử dụng các ngành nghề đã được học, bảo hiểm xã hội và các vấn đề khác có liên quan.

Thứ hai, định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm;

– Các cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực, nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của từng phạm nhân để hướng dẫn họ lập kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng cho bản thân; phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho phạm nhân.

– Căn cứ vào khả năng, nhu cầu của phạm nhân, thị trường lao động và điều kiện cụ thể, ba tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, các cơ sở giam giữ phạm nhân lập kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân.

– Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao tay nghề để có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng.

Thứ ba, hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam.

– Phạm nhân hết hạn chấp hành án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện trước khi trở về nơi cư trú được cấp hỗ trợ khoản tiền từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam.

– Căn cứ nguồn vốn của Quỹ hòa nhập cộng đồng, Giám thị trại giam quyết định mức tiền hỗ trợ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng phạm nhân.

Để đảm bảo cho hoạt động tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả, việc đảm bảo kinh phí là điều quan trọng, điều này phụ thuộc vào nguồn ngân sách: Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp; Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam và các quỹ khác theo quy định của pháp luật; Nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác.

3. Các biện pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng:

Trên cơ sở tổ chức chuẩn bị tái hòa nhập công động cùng với việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ, người chấp hành xong án phạt tù sẽ có điều kiện tốt nhất để được có cơ hội hòa nhập cộng động. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tạo điều kiện, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng bằng các biện pháp sau đây:

Biện pháp thứ nhất: Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng. Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù.

Nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng:

– Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù;

– Quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật;

– Biện pháp, kinh nghiệm tốt, mô hình, điển hình tiên tiến trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ, đấu tranh xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù;

– Nhân tố tích cực tham gia thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng và những gương hoàn lương, tiến bộ tiêu biểu;

– Các nội dung khác có liên quan đến việc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù.

Biện pháp thứ hai: Dạy nghề, giải quyết việc làm;

– Người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này.

– Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Căn cứ tình hình kinh tế – xã hội của địa phương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng các nguồn tín dụng khác để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong hình phạt tù để phát triển sản xuất, tạo việc làm.

– Người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.

– Căn cứ nhu cầu của người chấp hành xong hình phạt tù và thực tiễn thị trường lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người chấp hành xong hình phạt tù; theo dõi, báo cáo tình trạng việc làm của người chấp hành xong hình phạt tù do trung tâm giới thiệu với cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ việc làm.

Biện pháp thứ ba: Trợ giúp về tâm lý và hỗ trợ các thủ tục pháp lý. Trợ giúp về tâm lý nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng và phòng tránh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Nội dung trợ giúp về tâm lý gồm: tư vấn xóa bỏ mặc cảm tự ti; rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng; nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các quan hệ xã hội. Trợ giúp về tâm lý được thực hiện ngay khi người chấp hành xong hình phạt tù trở về nơi cư trú, thông qua các hình thức sau:

– Tổ chức tư vấn riêng, tư vấn nhóm;

– Cung cấp thông tin, tài liệu trên cơ sở nhu cầu cần được trợ giúp của người chấp hành xong hình phạt tù;

– Thông qua các buổi nói chuyện, sinh hoạt cộng đồng, diễn đàn với chủ đề về các nội dung người chấp hành xong hình phạt tù cần được trợ giúp;

– Tư vấn thông qua mạng xã hội, trang thông tin điện tử, email, điện thoại và các phương tiện thông tin, truyền thông khác.

Các biện pháp hỗ trợ khác.

– Người chấp hành xong hình phạt tù được chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giáo dục, giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

– Nhà nước khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ những người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong hình phạt tù vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Các biện pháp mà nhà nước khuyến khích thực sự giải quyết được những khó khăn, vướng mắc nhất đối với cá nhân đã từng chấp hành án phạt tù, các vấn đề về tâm lý, việc làm khiến cho các cá nhân này gặp trở ngại trong quá trình hòa nhập lại cộng đồng, họ thường có cái nhìn tự ti về bản thân do đó việc thực hiện các biên pháp trên là hoàn toàn hợp lý.

Cơ sở pháp lý sử dụng trong bài viết:

– Luật Thi hành án hình sự năm 2019

– Nghị định 49/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng.