Hướng dẫn tài khoản 154 (chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC

Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Thông tư 200/2014/TT-BTC, tài khoản 154 (Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang) thực hiện theo nguyên tắc kế toán sau đây:

1. Mục đích của tài khoản 154

Tài khoản 154 dùng để phản ánh tổng hợp chi phí sản xuất, kinh doanh phục vụ cho việc tính giá thành sản phẩm, dịch vụ ở doanh nghiệp áp dụng phương pháp kê khai thường xuyên trong hạch toán hàng tồn kho.

Riêng ở những doanh nghiệp áp dụng phương pháp kiểm kê định kỳ trong hạch toán hàng tồn kho, tài khoản 154 chỉ phản ánh giá trị thực tế của sản phẩm, dịch vụ dở dang cuối kỳ.

2. Phản ánh chi phí tại các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ

Tài khoản 154 (Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang) phản ánh chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong kỳ; chi phí sản xuất, kinh doanh của khối lượng sản phẩm, dịch vụ hoàn thành trong kỳ; chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang đầu kỳ, cuối kỳ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính, phụ và thuê ngoài gia công chế biến ở các doanh nghiệp sản xuất hoặc ở các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ.

Ngoài ra, tài khoản 154 cũng phản ánh chi phí sản xuất, kinh doanh của các hoạt động sản xuất, gia công chế biến, hoặc cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp thương mại, nếu có tổ chức các loại hình hoạt động này.

3. Hạch toán chi phí sản xuất, kinh doanh trên tài khoản 154

Hạch toán chi phí sản xuất, kinh doanh trên tài khoản 154 phải được chi tiết theo:

– Địa điểm phát sinh chi phí (phân xưởng, bộ phận sản xuất, đội sản xuất, công trường,…).

– Theo loại, nhóm sản phẩm, hoặc chi tiết, bộ phận sản phẩm.

– Theo từng loại dịch vụ hoặc theo từng công đoạn dịch vụ.

Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023

Hướng dẫn tài khoản 154 (chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 1)

(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)

4. Chi phí sản xuất, kinh doanh được phản ánh trên tài khoản 154

Chi phí sản xuất, kinh doanh phản ánh trên tài khoản 154 gồm những chi phí sau:

– Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp.

– Chi phí nhân công trực tiếp.

– Chi phí sử dụng máy thi công (đối với hoạt động xây lắp).

– Chi phí sản xuất chung.

5. Chi phí không được tính vào giá trị hàng tồn kho của kỳ kế toán

Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công vượt trên mức bình thường và chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ không được tính vào giá trị hàng tồn kho mà phải tính vào giá vốn hàng bán của kỳ kế toán.

6. Phân bổ, kết chuyển chi phí sản xuất chung cố định, chi phí chế biến vào cuối kỳ

Vào cuối kỳ, doanh nghiệp tiến hành phân bổ và kết chuyển chi phí sản xuất chung cố định vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường (Có tài khoản 627, Nợ tài khoản 154). Trong đó:

– Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì kế toán phải tính và xác định chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường.

– Khoản chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ (không tính vào giá thành sản phẩm) được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ (Có tài khoản 627, Nợ tài khoản 632).

– Chi phí sản xuất chung biến đổi được phân bổ hết vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh.

7. Chi phí không được hạch toán vào tài khoản 154

Doanh nghiệp không hạch toán vào tài khoản 154 những chi phí sau:

– Chi phí bán hàng.

– Chi phí quản lý doanh nghiệp.

– Chi phí tài chính.

– Chi phí khác.

– Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.

– Chi sự nghiệp, chi dự án.

– Chi đầu tư xây dựng cơ bản.

– Các khoản chi được trang trải bằng nguồn khác.

Quý khách hàng xem tiếp >> Hướng dẫn tài khoản 154 (chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 2).