Đà Nẵng không phải là nơi đầu tiên các thương nhân, giáo sĩ phương Tây đặt chân đến Việt Nam, người Pháp cũng không phải là người đầu tiên trong số những người phương Tây đến nước ta. Nhưng Đà Nẵng lại là nơi đầu tiên hứng chịu những phát đạn mở đầu cho sự xâm lăng đẫm máu của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Nguyên nhân nào đã khiến người Pháp chọn Đà Nẵng để tấn công xâm chiếm Việt Nam, mở đầu một cuộc chiến tranh dài gần 30 năm (1858-1884)?
Liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng.
Bạn đang xem: Vì sao là Đà Nẵng?
Âm mưu xâm lược nước ta của thực dân Pháp đã có từ lâu, chỉ là chưa có điều kiện thuận lợi để nó nổ ra sớm hơn mà thôi. Paul Doumer cũng khẳng định trong hồi ký rằng người Pháp để mắt tới vùng đất này từ thế kỷ 17-18, sợi dây duy nhất nối hai quốc gia với nhau là các “nhà truyền giáo”.
Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 18, khi đang bị anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc tấn công rơi vào thế tuyệt vọng, dù rằng đã cầu cứu quân Xiêm nhưng đều thất bại, Nguyễn Ánh đã nhờ sự giúp đỡ của phương Tây để chống lại nhà Tây Sơn. Nguyễn Ánh nhờ Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) đem Hoàng tử Cảnh làm con tin, đi sang Pháp để xin viện trợ. Khi ấy, Hoàng tử Cảnh mới 4 tuổi. Chuyến đi không mang lại kết quả gì vì lúc đó nhân dân nước Pháp đang thực hiện cuộc đại cách mạng năm 1789, nội bộ lục đục, triều đình Pháp không còn đủ sức để can thiệp ra bên ngoài.
Tuy nhiên, một bản hiệp ước đã dẫn đến ràng buộc về sau mà người Pháp vin vào đó lấy cớ xâm chiếm nước ta. Đó là Hiệp ước Versailles (ngày 28-11-1878, Bá tước Montmorin đại diện cho vua Louis 16 và Bá Đa Lộc đại diện cho Nguyễn Ánh ký kết một bản hiệp ước tại Versailles). Chính từ hiệp ước này với vai trò chủ chốt của Bá Đa Lộc mà Nguyễn Ánh mang tiếng xấu với lịch sử dân tộc là “cõng rắn cắn gà nhà”.
Điện Hải sau khi bị liên quân Pháp – Tây Ban Nha đánh chiếm lúc 10 giờ ngày 2-9-1858.
Xem thêm : Quy tắc giao thông đường bộ P3 – 600 câu hỏi thi sát hạch lái xe
Tình hình nước Pháp còn bất ổn suốt cả nửa thế kỷ sau đó, vì thế mà mãi đến giữa thế kỷ 19, khi mà sự phát triển của chủ nghĩa tư bản cùng những nhu cầu của nó là điều kiện thuận lợi cho việc can thiệp vào những vùng đất xa xôi, trong đó có nước “An Nam”. Đây là dịp người Pháp lợi dụng mối quan hệ ràng buộc có từ thời Nguyễn Ánh-Bá Đa Lộc, cùng với đó là sự suy yếu của chế độ phong kiến triều Nguyễn trước lịch sử, viện cớ nhà Nguyễn cấm đạo Thiên chúa, sát hại nhiều giáo sĩ, giáo dân và cự tuyệt nhận quốc thư của Pháp để tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Trước khi chính thức xâm lược nước ta, ngay từ năm Đinh Mùi, Thiệu Trị thứ 7 (1847), hai chiến thuyền của Pháp đã vào gây hấn cửa biển Đà Nẵng đòi trao quốc thư xin thông thương.
Gần 10 năm sau, ngày 1-9-1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đã nổ súng tấn công vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài gần 30 năm sau đó. Chọn Đà Nẵng để tấn công có nhiều nguyên do, chủ yếu bởi Đà Nẵng là cửa biển có vị trí chiến lược quan trọng-“yết hầu” gần kinh đô Huế, có núi bao bọc, tàu chiến Pháp có thể vào được. Quân Pháp định tiến công chớp nhoáng chiếm Đà Nẵng, nhanh chóng vượt qua đèo Hải Vân, đánh vào Huế. Chúng cho rằng: “Chỉ cần chiếm được Huế thôi là chắc chắn bẻ gãy được ý chí kháng chiến của đối phương” (G.Taboulet).
Đà Nẵng bị tấn công bất ngờ sau khi Rigauld De Genouilly gửi tối hậu thư đòi phải trao pháo đài. Hai giờ sau, thấy phía quân triều đình Huế không trả lời, quân xâm lược bắt đầu nổ súng bắn phá các pháo đài trên bán đảo Sơn Trà, pháo kích đồn Nại Hiên, Điện Hải, An Hải… Dù bị đánh bất ngờ và dữ dội, lực lượng phòng thủ của triều đình ngay từ phút đầu đã chống trả quyết liệt. Triều đình cũng phái Hữu quân Đô thống Lê Đình Lý chỉ huy 2.000 cấm binh từ Huế phối hợp với hơn 2.000 biền binh do Tổng đốc Nam Ngãi là Trần Hoằng chống giữ.
Tháng 9-1858, để tăng cường phòng thủ Đà Nẵng, vua Tự Đức quyết định điều viên tướng giỏi bậc nhất của triều đình lúc bấy giờ là Nguyễn Tri Phương đang giữ chức Kinh lược sứ ở lục tỉnh Nam Kỳ ra làm Tổng thống quân thứ Quảng Nam. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, việc phòng thủ ở Đà Nẵng hình thành một thế trận rõ ràng và có cách đánh phù hợp. Đó là việc xây dựng một hệ thống phòng thủ mạnh ngăn chặn các cuộc hành quân của quân viễn chinh Pháp, đặc biệt ở những hướng trọng yếu như con đường từ đèo Hải Vân ra Huế… kết hợp với các trận đánh nhỏ tiêu hao lực lượng địch. Trong hồi ký của mình, Paul Doumer viết: “Người An Nam chống trả quyết liệt. Họ bảo vệ từng tấc đất và phải mất nhiều năm chúng ta mới chiếm được… Tổn thất về người thật đáng sợ… trời và đất còn là những đồng minh đáng sợ của họ”.
Toàn cảnh vịnh Đà Nẵng khi thực dân Pháp đánh chiếm đồn Ba. Tranh do đại úy pháo binh hải quân Pháp F.Lacour vẽ.
Cuộc tấn công chớp nhoáng Đà Nẵng không đạt kết quả như mong muốn, quân Pháp dưới sự chỉ huy của Phó đô đốc Rigault De Genouilly đã chuyển ý đồ tấn công vào chiếm Nam Kỳ: “Sau những cố gắng vô ích ở Đà Nẵng, liên quân Pháp-Tây Ban Nha kéo vào đánh quân triều đình An Nam ở các tỉnh phía Nam, những tỉnh giàu có nhất và dễ thâm nhập nhất…” (Paul Doumer, Hồi ký xứ Đông Dương).
Xem thêm : Học phí Đại học Kiến trúc Hà Nội 2023 – 2024
Trên thực tế, việc rút khỏi Đà Nẵng là một thất bại lớn của quân Pháp và là thắng lợi của quan quân triều Nguyễn, đánh bại kế hoạch đánh chiếm Đà Nẵng để tiến về kinh đô Huế của thực dân. Qua những bộ sử của cả ta và đối phương để lại cho thấy ưu thế bởi “tàu to, súng lớn” thể hiện sức mạnh tuyệt đối của quân viễn chinh đối với lực lượng phòng thủ Nam triều. Năm 1847, hai chiến thuyền của Pháp tới gây sự ở Đà Nẵng. Trước khi rút, chúng đã cho nổ súng đánh đắm 5 chiến thuyền bằng đồng. Hệ thống phòng thủ biển triều Nguyễn bị đánh tan tác, 40 biền binh chết, bị thương hơn 90 người, 104 người không biết trôi dạt đi đâu… Với một lực lượng nhỏ, quân Pháp đã phá vỡ nhiều phòng tuyến, đồn lũy kiên cố của triều đình, sau đó chúng nghiễm nhiên bỏ đi mà không hề hấn gì.
Thắng lợi đầu tiên trong chiến trận Đà Nẵng 160 năm trước thể hiện quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta ngay từ những ngày đầu kẻ thù xâm lược. Sự khốc liệt của cuộc chiến thể hiện ở chỗ, nhân dân ta đương đầu với một quân đội nhà nghề được trang bị những vũ khí tối tân nhất của kỹ thuật chiến tranh phương Tây đương thời. Trước hỏa lực mạnh của đối phương, chúng ta cũng thấy sự hoảng sợ của một số quan quân triều đình qua những trang sử để lại. Ngay trong chính sử của triều Nguyễn cũng nhiều lần nói tới sự thực này và vua Tự Đức cũng nhiều lần phải nhắc tới thưởng phạt nghiêm theo quân pháp để lấy tinh thần tướng sĩ: “…Ai ra trận chém, bắt hoặc bắn chết được giặc, cùng là người chết trận, bị thương, thì lệ thưởng mức cấp tiền tuất đều hậu đãi. Nếu ai nhút nhát rút lui, không cứ là tướng hay quân lính, đều lập tức chém đầu cho mọi người biết răn”.
Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, nhiều quan quân triều Nguyễn đã chiến đấu hết sức ngoan cường, kịp thời phòng thủ Đà Nẵng, từ Nguyễn Tri Phương đến những tấm gương chiến đấu của Nguyễn Duy, Lê Đình Lý…, dù rằng vũ khí và trang bị kém nhiều so với quân Pháp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của quân Pháp ở Đà Nẵng, trong đó có nguyên nhân khách quan là do sự khắc nghiệt của thiên tai và thời tiết mà chính đối phương cũng phải thừa nhận, như: “…Chọn một địa điểm đóng quân tệ hại tới mức không thể tệ hại hơn”; “khắp nơi là những rừng rú, bụi rậm hoang dã là những tử địa”; “đội quân nhỏ bé của liên quân Pháp-Tây Ban Nha bị tơi tả bởi các bệnh nhiệt đới khủng khiếp: Sốt, kiết lỵ, dịch tả tàn phá…”.
Sau 5 tháng, đến đầu tháng 1-1859, quân Pháp vẫn chỉ chiếm đóng ở Sơn Trà và vùng phía nam sông Đà Nẵng. Trong báo cáo đề ngày 4-1-1859, Phó đô đốc De Genouilly viết: “Chúng ta đang xuống dốc đến kiệt quệ ở Đà Nẵng. Mọi phương tiện cải thiện tình hình bộ binh và hải quân đều hết sạch và vô hiệu”. Hơn 10 ngày sau (15-1-1859), De Genouilly gửi tiếp một báo cáo về Pháp, nói rõ số lính chết lên đến mức đáng sợ, số lính bị bệnh kiết lỵ quá nhiều. Trong số 800 lính (bộ binh) chỉ còn nhiều nhất là 500 người có thể cầm khí giới, không đủ sức để mở một cuộc hành quân… Kế hoạch “giáng cho Huế một đòn quyết định” coi như thất bại.
NGUYỄN VĂN BIỂU
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp