Vì sao miền Trung lũ lớn?

Trong mấy ngày vừa qua, miền Trung đã có mưa to đến rất to, đặc biệt lượng mưa trong 3 ngày từ 1 – 3.10 tại Hà Tĩnh là 182 mm, Hương Khê (Hà Tĩnh) 465 mm, Tuyên Hóa (Quảng Bình) là 726 mm, Khe Sanh (Quảng Trị) 822 mm, Huế 652 mm.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi hình thế thời tiết điển hình của mùa bão lũ miền Trung: phía Bắc có không khí lạnh từ lục địa Trung Quốc tăng cường, phía Nam là rãnh thấp đi qua nam Trung Bộ nối với một vùng áp thấp (AT) hình thành ngay trên vùng biển ngoài khơi Nam Bộ rồi di chuyển dọc theo ven biển miền Trung. Tuy chỉ là một AT, nhưng hoàn lưu của nó bao trùm cả các khu vực từ bắc Trung Bộ cho đến Nam Bộ, với các khối mây dày đặc có dạng xoáy thuận rất rõ. Hình thế thời tiết này thể hiện từ mặt đất lên đến độ cao gần 6.000m.

Ở miền Trung, những trận lũ lụt lớn đã xảy ra vào các năm: 1952, 1964, 1980, 1983, 1990, 1996, 1998, 1999, 2001, 2003… Có lúc xảy ra lũ chồng lên lũ như các đợt lũ tháng 11, 12 năm 1999.

Đặc biệt từ ngày 2 – 3.10 khi vùng AT di chuyển lên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi thì đã có vùng mây đối lưu rất mạnh ngay trên khu vực bắc đèo Hải Vân, mưa như trút nước cả ngày đêm. Hiện nay, vị trí trung tâm vùng AT đi sâu vào đất liền nên vẫn còn gây mưa lớn trên khu vực này. Vùng tâm mưa lớn là các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa có thể từ 70 -150 mm, có nơi trên 150 mm. Do vậy tình hình lũ vùng hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La và các sông ở Quảng Bình tiếp tục lên, các sông ở Quảng Trị vẫn còn dao động ở mức cao. Hầu hết ở mức xấp xỉ và vượt báo động 3. Do mưa lớn liên tục và rừng đầu nguồn bị tàn phá nghiêm trọng nên khó tránh khỏi lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập sâu ở vùng trũng, nhất là vùng hạ lưu các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.

Với địa hình từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế có núi cao, các sông ngắn có hướng chủ yếu tây bắc – đông nam, đổ ra biển, lưu vực nhỏ, lòng sông hẹp và có độ dốc lớn, nên với lượng mưa lớn như vậy trút xuống là có lũ lớn, lũ lên rất nhanh.

Như con sông Cả nằm ở độ cao 2.000m, chảy theo hướng tây bắc – đông nam qua tỉnh Nghệ An và đổ ra biển Đông tại Cửa Hội. Con sông này dài 531 km, lưu vực có diện tích 27.200 km2, độ dốc bình quân 18,3%; độ rộng bình quân 89 km. Sông Ngàn Sâu dài 135 km, chảy hoàn toàn trong tỉnh Hà Tĩnh, diện tích 2.310 km2, độ dốc bình quân lưu vực 28,2%. Lưu vực sông Hương – sông Bồ thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế, với dòng chính sông Hương dài trên 100 km bắt nguồn từ độ cao 1.318m, chảy gần theo hướng bắc nam ra biển ở cửa Thuận An. Diện tích toàn bộ lưu vực hệ thống sông Hương là 2.690 km2, trong đó trên 80% là đồi núi. Đồng bằng sông Hương ở mức thấp so với mực nước biển và mực nước lũ và hầu hết bị ngập khi lũ trên báo động 3 (tại Huế, báo động 3 là 3,5m).

Do vậy, khi có bão ảnh hưởng trực tiếp, hoặc do AT nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh và gió mùa đông bắc tràn về, thì dải đất hẹp miền Trung thường xảy ra mưa lớn. Mưa càng kéo dài nhiều ngày thì lũ càng lớn (như trong mấy ngày vừa qua). Khi những trận mưa từng đợt liên tiếp trên lưu vực sông, sẽ làm cho nước sông từng đợt nối tiếp nhau dâng cao, tạo ra những trận lũ trong sông, suối. Vào các tháng mùa mưa có các trận mưa lớn, cường độ mạnh, nước mưa tích lũy nhanh, nếu đất tại chỗ đã no nước thì nước mưa đổ cả vào dòng chảy, dễ gây ra lũ. Khi lũ lớn, nước lũ tràn qua bờ sông (đê), chảy vào những chỗ trũng và gây ra ngập lụt trên một diện rộng.

Mùa lũ ở bắc Trung Bộ thường xảy ra từ tháng 7 đến tháng 10, các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình cho đến Phú Yên thường xảy ra từ tháng 10 đến tháng 12. Trong dân gian đã có câu ca dao: “Ông tha mà bà không tha, làm nên lũ lụt 23 tháng 10” là thế.

Lời kêu gọi

Trung ương Đoàn TNCS HCM, Trung ương Hội LHTN VN và Báo Thanh Niên thiết tha kêu gọi quý bạn đọc, những đơn vị, doanh nghiệp, những nhà hảo tâm trong và ngoài nước với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương” cùng nhau chung tay góp sức giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua hoạn nạn này. Mọi đóng góp xin vui lòng gửi về: – Tòa soạn Báo Thanh Niên tại TP.HCM: 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM, ĐT: (84.8) 38394046 – 39322026 – 38332955 – Tòa soạn tại Hà Nội: Tầng 2, số nhà 17, ngõ 167 Tây Sơn, Q.Đống Đa, Hà Nội, ĐT: (84.4) 38570981 – 62755310 – Văn phòng đại diện đông Bắc Bộ: 41B Cát Cụt, Q.Lê Chân, TP Hải Phòng, ĐT: (031) 6256625 – Văn phòng đại diện khu vực bắc Trung Bộ: 1 Nhà Thờ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ĐT: (037) 3855748 – Văn phòng đại diện miền Trung: 144 Bạch Đằng, TP Đà Nẵng, ĐT: (0511) 3824231 – Ban đại diện khu vực Tây Nguyên và nam Trung Bộ: 22 Hùng Vương, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, ĐT: (063) 3827807 – Văn phòng đại diện khu vực trung Trung Bộ và bắc Tây Nguyên: 133 Lê Lợi, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ĐT: (056) 3824142 – Văn phòng đại diện tại Nha Trang: Nhà A3, chung cư 26 Hai Bà Trưng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ĐT: (058) 3819306 – Ban đại diện đồng bằng sông Cửu Long: 99 Trần Văn Hoài, TP Cần Thơ, ĐT: (0710) 3825244 Báo Thanh Niên sẽ nhanh chóng chuyển đến tận tay bà con vùng lũ tấm lòng quý báu của bạn đọc gần xa.

Thanh Niên

Lê Thị Xuân Lan (Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ)