Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ trong trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hà Nội
Thờ Mẫu – Tín ngưỡng dân gian của người Việt đã có lịch sử lâu đời, được hình thành và phát triển trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần. Trải qua thời gian, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển thành tín ngưỡng thờ Tam phủ – Tứ phủ. Đến thế kỷ XVI, do có sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã đánh dấu mốc quan trọng và bà đã trở thành hóa thân của Mẫu Thượng Thiên – Vị thần chủ cao nhất, toàn năng nhất. Cho đến nay, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Ở Hà Nội tập trung khá nhiều địa điểm thờ Mẫu nổi tiếng như: Phủ Tây Hồ (Tây Hồ), đền Mẫu Thoải, đền Rừng (Long Biên), đền Ghềnh (Gia Lâm), đền Ông Hoàng Bơ (Nam Từ Liêm)… bên cạnh đó còn rất nhiều điện thờ tư gia trên khắp các quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Với mục đích tôn vinh di sản độc đáo này, Bảo tàng Hà Nội đã đưa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu vào giới thiệu trong trưng bày thường xuyên với tư cách là một tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa bản địa.
Tam phủ – Tứ phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tương ứng với các miền khác nhau của vũ trụ. Tam phủ gồm 3 miền: Thiên phủ (miền trời), Địa phủ (miền đất), Thoải phủ (miền sống nước, biển cả). Tứ phủ ngoài 3 miền của Tam phủ còn thêm miền thứ tứ là Nhạc phủ (miền rừng núi). Đứng đầu cai quản mỗi phủ là một vị Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên cai quản Thiên phủ, làm chủ bầu trời và các quyền năng mây, mưa, sấm, chớp. Mẫu Địa cai quản Địa phủ; Địa phủ ở đây không phải ở dưới mặt đất, cõi âm phủ; mà là cõi trần gian ở bên trên mặt đất, thuộc đời sống con người. Khi Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một trong tứ bất tử của người Việt ra đời, Bà đã trở thành hóa thân của cả Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Địa. Mẫu Thoải cai quản Thoải Phủ – thiên thần. Mẫu Thượng Ngàn cai quản Nhạc Phủ – Thiên thần. Ngoài ra, còn có một Phủ thuần túy mang chất nhân thần – Phủ Trần Triều [2, tr.69,71]. Có lẽ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Đức Thánh Trần đã trở thành biểu tượng của sự kết hợp giữa hai yếu tố thần linh và thế tục, giữa nhu cầu tâm linh hướng về cái cao cả, chân thiện mỹ với việc chữa bệnh, trừ tà cũng như cầu tài lộc.
Bạn đang xem: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ trong trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hà Nội
Một buổi hầu đồng ở điện thờ tư gia Nguyễn Ngọc Vinh (Sơn Tây, Hà Nội)
Theo nhiều tư liệu cho biết: Trong hệ thống điện thần thờ Mẫu có khoảng 60 vị thần, con số này có sự khác biệt trong quan niệm của các vùng miền khác nhau. Song chỉ 36 vị thần có lai lịch, công trạng rõ ràng mới giáng và nhập đồng. Mỗi giá đồng tượng trưng cho 01 vị thần linh với trang phục, đạo cụ, cung văn khác nhau, thể hiện tính cách của vị thần đó. Có thể minh chứng hệ thống thần linh trong điện thần thờ Mẫu qua tranh thờ của dòng tranh dân gian Hàng Trống như sau: Đứng đầu là Phật Bà Quan Âm; lớp thứ hai là Ngọc Hoàng (tương đương với Tứ vị thành vương trong tranh); Tam tòa Thánh Mẫu (3 vị), Quan lớn (từ 5-10 vị), Chầu bà (từ 4-12 chầu bà), Ông Hoàng (từ 5-10 vị), Cô (12 vị), Cậu (12 vị), Ngũ hổ (5 vị) và Ông lốt (2 vị rắn) [1, tr.24,25]. Ngoài ra, còn phủ Trần Triều và hàng Chúa bói được lồng ghép vào những vấn hầu đồng cụ thể, điều này tùy thuộc vào căn số của ông/bà đồng. Trong số hệ thống thần linh đông đảo đó có tới 50 vị thần có nguồn gốc dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Dao và anh hùng dân tộc có công với dân với nước đã được thiêng hóa. Điều đó thể hiện tính thống nhất và đa dạng của hiện tượng tín ngưỡng bản địa này.
Hệ thống thần linh trong điện thần thờ Mẫu thể hiện qua tranh Tứ phủ công đồng (thuộc dòng tranh dân gian Hàng Trống)
Tuy tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ nói chung và ở Hà Nội nói riêng chứa đựng những yếu tố văn hóa đặc sắc là vậy, hệ thống thần linh với không gian, trang phục, đạo cụ khá phong phú, song trong kho hiện vật của Bảo tàng Hà Nội chưa lưu giữ được nhiều hiện vật của nội dung này. Từ thực trạng đó, trong 3 năm 2018- 2020, Bảo tàng Hà Nội đã phát động chương trình “Vận động hiến tặng tài liệu hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội” nhằm mục đích kêu gọi sự hiến tặng từ các tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn thiện và làm phong phú hơn kho cơ sở. Cán bộ bảo tàng đã tiến hành khảo sát, làm việc với nhiều điện thờ tư gia, gặp trực tiếp từng đồng thầy có uy tín, có ảnh hưởng sâu rộng để tìm hiểu về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và vận động hiến tặng hiện vật. Kết quả: Bảo tàng Hà Nội đã sưu tầm được gần 200 hiện vật gắn liền với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong đó đồng thầy Nguyễn Văn Tiệm (ở huyện Thường Tín, gia đình có truyền thống 4 đời thờ Mẫu) đã hiến tặng hơn 100 hiện vật. Đồng thầy Nguyễn Ngọc Vinh (ở thị xã Sơn Tây) đã hiến tặng 39 hiện vật, trong đó có bộ 3 pho tượng Tam tòa thánh Mẫu. Đồng thầy Nguyễn Bá Thắng (ở huyện Hoài Đức) đã hiến tặng 49 hiện vật, trong đó có nhóm trang phục trình đồng của một thanh đồng khi mới 5 tuổi. Đây là những hiện vật chứa đựng nhiều giá trị độc đáo, tuy chưa đầy đủ toàn bộ 36 giá hầu, song cơ bản đã đáp ứng được nội dung trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội hiện nay.
Xem thêm : Giải đáp: Cung Cự Giải và Bọ Cạp có hợp nhau không?
Trên cơ sở hiện vật sưu tầm được, Bảo tàng Hà Nội đã thiết kế một không gian trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu hiện đại, lấy hiện vật làm trung tâm và sử dụng công nghệ 4.0 vào trưng bày để làm nổi bật yếu tố văn hóa tâm linh tín ngưỡng bản địa. Trong số 36 giá đồng, Bảo tàng Hà Nội đã lựa chọn trang phục của 03 giá mang tính đại diện là: Đức Trần Triều, Ông Hoàng Mười, Chúa Đông Cuông Đệ Nhị. Thiết kế một không gian mô phỏng điện thờ Mẫu với 03 pho tượng Mẫu ở vị trí trung tâm và một số đồ thờ, cùng với sự hỗ trợ của công nghệ như màn hình led, âm thanh, video quay các giá hầu đồng tiêu biểu. Bên cạnh đó còn có phòng trải nghiệm khám phá số 03 bổ trợ cho trưng bày thường xuyên về thờ Mẫu hứa hẹn sẽ giúp cho khách tham quan có nhiều trải nghiệm thú vị, mới lạ, khác với hình thức tham quan bảo tàng truyền thống hiện nay.
Bên cạnh tín ngưỡng thờ Mẫu trong không gian trưng bày Tôn giáo – tín ngưỡng, Bảo tàng Hà Nội còn dành phần lớn không gian để trưng bày tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên; Đạo giáo, Phật giáo, Công giáo. Đây hứa hẹn là không gian trưng bày tâm linh đa màu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Hà Nội. Hy vọng ngày khai mạc trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hà Nội sẽ dịp để công chúng trong và ngoài nước yêu lịch sử, văn hóa Thủ đô đến tham quan, trải nghiệm và thưởng ngoạn.
Bài , ảnh: Phòng trưng bày- Tuyên truyền
Xem thêm : Giải mã tính cách cũng như cung Song Ngư hợp màu gì nhất?
Tài liệu tham khảo
1. Ngô Đức Thịnh (2007), Đạo Mẫu, Nxb KHXH, Hà Nội.
2. Ngô Đức Thịnh (2014), Lên Đồng hành trình của thần linh và thân phận, Nxb Thế giới, Hà Nội.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp