Cách xử lý khi bị tróc da tay

Nhiều người trong chúng ta thường gặp phải tình trạng này và thắc mắc “da đầu ngón tay bong tróc là bệnh gì”. Thông thường, da tay bị tróc là một tổn thương ngoài ý muốn, làm mất lớp trên cùng của da tay. Có nhiều nguyên nhân gây hiện tượng bị tróc da tay như:

  • Rửa tay quá nhiều: Việc rửa tay quá nhiều bằng xà phòng thường xuyên sẽ vô tình loại bỏ lớp dầu bảo vệ của da. Khi dầu mất đi, da không còn giữ được độ ẩm, sẽ gây tình trạng bị tróc da tay. Do đó, bạn chỉ nên rửa tay khi cần thiết, dưỡng ẩm và tránh làm khô da bằng khăn giấy thô.
  • Thời tiết khắc nghiệt: Thời tiết quá lạnh, khô hay độ ẩm không khí thấp cũng có thể làm da tay bị tróc hoặc nứt nẻ. Tình trạng bị tróc da tay có thể nặng hơn nếu bạn không đeo găng tay khi ra ngoài trời.
  • Tia UV: Tác hại của tia UV có thể khiến da bị cháy nắng, đau rát, sưng đỏ trước khi bong tróc. Để giảm thiểu tác hại của tia UV lên da bạn có thể mang những đôi găng tay dày tối màu, hạn chế đi ra đường vào khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều (lúc tia UV có cường độ mạnh nhất), bôi kem chống nắng,…
  • Trẻ mút ngón tay: Mút đầu ngón tay là thói quen phổ biến ở trẻ nhỏ và có thể dẫn đến tróc da tay. Tình trạng này gây ra do nước bọt tiếp xúc với ngón tay quá nhiều làm mất nước trên da. Ngoài ra ở một số người lớn khi bị căng thẳng cũng có thể nhai đầu ngón tay của mình, khiến da tay bị tróc.
  • Tay tiếp xúc với các loại hóa chất: Các chất tẩy rửa dùng trong sinh hoạt hàng ngày như xà phòng, bột giặt, nước rửa bát… có thể trực tiếp làm tổn hại sự bền vững của các tế bào da, gây bong tróc khi tiếp xúc thường xuyên.
  • Mất cân bằng vitamin: Thiếu hụt hoặc dư thừa vitamin đều có thể khiến bạn bị tróc da tay. Thiếu Vitamin B3 hoặc thừa vitamin A có thể dẫn đến bong tróc da tay. Trong trường hợp thiếu hụt vitamin bạn nên bổ sung bằng rau xanh, trái cây và các loại thức ăn khác.

Ngoài ra, tróc da tay còn do một số nguyên nhân như ngâm tắm trong nước nóng, ra nhiều mồ hôi tay, nấm móng và da, chàm, tổ đỉa, vảy nến hay Kawasaki…