Đau tức bụng dưới khi mang thai tháng thứ 8 có nguy hiểm?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau tức bụng dưới vào tuần thứ 36 trở đi, tuy nhiên những nguyên nhân thường gặp là:

1.1. Cơn go tử cung sinh lý

Vào những tuần cuối thai kỳ, thai phụ thường xuất hiện các cơn go tử cung sinh lý gọi là cơn gò Braxton Hicks. Những cơn gò này diễn ra không thường xuyên và không theo chu kỳ để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Gò tử cung có thể gây đau kiểu co thắt, khó chịu tuy nhiên không tăng cường độ đau theo thời gian và sẽ tự biến mất sau khoảng 1 giờ.

1.2. Chuyển dạ

Khác với các cơn gò Braxton Hicks, nếu thai phụ ở những tháng cuối thai kỳ xuất hiện đau bụng dưới thường xuyên, liên tục, tăng dần về mức độ và tần suất kèm theo rò nước ối hoặc bong nút nhầy thì có thể là dấu hiệu của việc chuẩn bị sinh. Người nhà cần ngay lập tức đưa thai phụ đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi.

1.3. Chèn ép các cơ và dây chằng vùng chậu

Đau tức bụng dưới khi mang thai tháng thứ 8 có thể xuất phát từ nguyên nhân là do các cơ quan và dây thần kinh cảm giác ở vùng chậu bị chèn ép. Điều này là do, ở các tháng cuối thai kỳ, tử cung của mẹ đã rất lớn, trong khi khung xương vùng chậu lại cố định nên sẽ làm chèn ép lên các bộ phận và cơ, thần kinh gần đó. Khi các cơ và dây chằng bị chèn ép, căng giãn liên tục khiến mẹ bầu cảm thấy thường xuyên đau bụng lâm râm. Không những vậy, tử cung lớn còn gây ra khó khăn cho mẹ bầu trong việc di chuyển hoặc sinh hoạt hàng ngày, vì vậy, mẹ cần chú ý nghỉ ngơi điều độ, vận động nhẹ nhàng đến ngày sinh bé.

1.4. Mẹ vận động mạnh gây đau bụng lâm râm

Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai nói chung và các mẹ bầu sắp sinh nói riêng cần hoạt động nhẹ nhàng, tránh các vận động mạnh như leo cầu thang, đi lại nhiều, khuân vác đồ nặng… vì có thể gây đau bụng lâm râm. Nguy hiểm hơn, trong khi vận động mạnh nguy cơ xảy ra các tai nạn khiến mẹ bầu bị nhau bong non, ối vỡ sớm,… Do đó, các mẹ cần chú ý vận động phù hợp, đi lại nhẹ nhàng và nên đến khám bác sĩ ngay nếu đau bụng lâm râm diễn ra thường xuyên.

1.5. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nếu thai phụ bị đau bụng lâm râm mà có kèm các dấu hiệu khác như tiểu buốt, tiểu rắt, khó tiểu, nước tiểu có mùi khó chịu… thì rất có thể mẹ bầu đang gặp phải tình trạng nhiễm trùng đường tiểu. Mẹ hãy tới cơ sở y tế để được kiểm tra, thăm khám và đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của bản thân.

1.6. Táo bón gây đau bụng dưới

Tình trạng táo bón thường gây đau bụng, ngay cả ở các thai phụ ở những tháng cuối thai kỳ. Nếu mẹ không có chế độ dinh dưỡng khoa học, không uống đủ nước hoặc nạp vào cơ thể quá lượng thức ăn quá nhiều sẽ dẫn đến táo bón ở thai phụ. Chế độ dinh dưỡng phù hợp, luyện tập thể thao đều đặn là cách giúp thai phụ giảm tình trạng này.

Ngoài ra, khi tử cung phát triển lớn dần cũng sẽ gây ra sự chèn ép liên tục lên thành ruột sẽ làm giảm nhu động ruột gây khó tiêu, táo bón. Nồng độ Progesterone tăng nhanh cũng được xem là nguyên nhân gây ra các cơn đau nhức vùng bụng dưới ở phụ nữ khi mang thai tháng thứ 8 trở đi.