Thanh minh trong tiết tháng 3 là gì? Tảo mộ là gì? Đạp thanh là gì?

Video thanh minh trong tiết tháng ba lễ là tảo mộ hội là đạp thanh

Thanh minh trong tiết tháng 3 là gì? Tảo mộ là gì? Đạp thanh là gì? Tiết thanh minh tại các nước khác như thế nào…. Để giúp bạn đọc có thể giải đáp được những thắc mắc này, VnDoc.com mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây của VnDoc để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé.

Tết Thanh minh trong tiết tháng 3 là gì

Tết Thanh Minh là một ngày lễ có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa cổ đại. Tết này diễn ra vào tiết Thanh Minh – Tiết Thanh minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Đây là một trong số hai mươi tư tiết khí của các lịch Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên.

Thanh trong thanh lọc, thanh khiết, mang nghĩa là “sạch sẽ” hay “trong lành”, minh mang nghĩa là “tươi sáng”. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang Tiết Thanh Minh.

Vì lịch của người Trung Quốc, cũng như Việt Nam cổ đại là âm lịch nên rất nhiều người cho rằng Tết Thanh Minh diễn ra vào ngày âm. Trên thực tế tiết Thanh minh được tính theo cách tính của dương lịch hiện đại và ngày này thông thường bắt đầu vào ngày 4 hoặc 5 tháng 4 dương lịch tùy theo từng năm.

Tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao thì tết này là một ngày quốc lễ, còn ở các khu vực khác ở Đông Á thì không. Tại Việt Nam các tỉnh Bắc bộ và cộng đồng người gốc Hoa thì ăn tết này theo ngày tiết Thanh Minh như Trung Quốc, từ các tỉnh Thanh Hóa trở vào Trung bộ vẫn ăn tết Thanh Minh theo truyền thống vào ngày 3 tháng 3 âm lịch. Người Tày – Nùng ở vùng đông bắc Bắc Bộ ăn Tết Thanh Minh vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm (khoảng đầu tháng 4 dương lịch). Tại miền Nam, những nơi có đông người Hoa sinh sống cũng có tập tục ăn Tết Thanh minh vào dịp này. Thường thì họ sẽ lấy ngày 4/4 dương lịch (hay ngày 5/4 dương lịch nếu năm đó nhuận tháng 2 có ngày 29).

Các hoạt động ngày Tết Thanh Minh

1. Tảo mộ

Vào ngày Thanh Minh, người dân các nước có nền văn hóa tương đồng và chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa đều có tục đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ.

Vào ngày này, con cháu sẽ đến thăm mộ ông bà tổ tiên, sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.

2. Đạp thanh

“Thanh minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”

Truyện Kiều – Nguyễn Du

Sau phần lễ là đến phần hội. Trước đây vào dịp này, nam thanh nữ tú, tài tử, giai nhân sắm sửa cho mình những bộ quần áo đẹp đẽ nhất để đi chơi xuân. Vì vậy nên mới có tên gọi hội đạp thanh (tức giẫm lên cỏ). Ngày nay, ở Việt Nam lễ hội này có lẽ không còn, nhưng ở Trung Quốc thì một vài nơi vẫn còn duy trì.