Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ và thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ,được quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999 của Việt Nam, nay là Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Bạn đang xem: Quy định về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Điều 285 BLHS 1999 quy định:
“1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Điều 360 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Xem thêm : Cảnh giác với 6 món ăn khiến trẻ dậy thì sớm
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Có thể thấy, so với BLHS 1999, pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể hơn các tình tiết thiệt hại “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”. Đồng thời tách khung hình phạt để cụ thể hóa trách nhiệm hình sự cho phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm chức vụ trong tình hình mới. Nhờ đó dễ dàng áp dụng pháp luật hơn trong quá trình xét xử vì rất khó để xác định được thế nào là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm tọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Dấu hiệu của tội danh này như sau:
– Khách thể: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội.
Xem thêm : Hàng hóa dịch vụ không được giảm thuế GTGT xuống 8% từ 01/7/2023 theo Nghị định 44/2023
– Chủ thể: Người có chức vụ, quyền hạn
– Mặt khách quan: Hành vi khách quan là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm. Hành vi trên phải gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của con người hoặc gây thiệt hại lớn về tài sản nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của BLHS.
– Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý. Người phạm tội đáng lẽ phải thấy trước hậu quả do hành vi của mình mang lại nhưng không thấy trước được, hoặc đã thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Về hình phạt:
– Khung cơ bản: cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm quy định tại khoản 1 Điều 360 BLHS.
– Khung tăng nặng:
+ Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm (khoản 2 Điều 360 BLHS)
+ Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm (khaonr 3 Điều 360 BLHS)
Hình phạt bổ sung: bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Dưới đây là một bản án điển hình về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã được xét xử trên thực tế.
Bản án 108/2021/HS-PT ngày 02/02/2021 về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Từ năm 2009 đến tháng 5 năm 2018, Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Cần Thơ và Sở Y tế tỉnh Cà Mau ký kết 9 hợp đồng và 34 phụ lục hợp đồng về việc Trường ĐHYD Cần Thơ đào tạo cho Sở Y tế tỉnh Cà Mau 690 sinh viên theo địa chỉ sử dụng, Sở Y tế tỉnh Cà Mau phải thanh toán cho Trường ĐHYD Cần Thơ theo giá trị các hợp đồng và phụ lục hợp đồng là 58.460.400.000 đồng. Quá trình đào tạo có nhiều thay đổi trong số lượng sinh viên học nên giá trị hợp đồng cũng có sự điều chỉnh. Hình thức thanh toán: Sở Y tế tỉnh Cà Mau chuyển tiền vào tài khoản của Trường ĐHYD Cần Thơ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thì Trường ĐHYD Cần Thơ trực tiếp thu học phí của sinh viên 14.033.175.000 đồng (Thu năm 2009, 2010 và 2018). Sở Y tế tỉnh Cà Mau chịu trách nhiệm thu và chuyển cho Trường ĐHYD Cần Thơ. Đỗ Thành C, Phan Ngọc T là kế toán và thủ quỹ của Sở Y tế tỉnh Cà Mau có nhiệm vụ thu nguồn học phí này. C và T đã dùng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tổng cộng 8.921.335.000 đồng. Quá trình điều tra xác định bị cáo Huỳnh Quốc V (giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau) và Trịnh Minh K (Phó phòng Tổ chức Cán bộ năm 2008) thiếu trách nhiệm trong quá trình tổ chức, quản lý, rà soát, tạo điều kiện cho C và T chiếm đoạt tiền học phí.
Do đó Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau tuyên: Các bị cáo Huỳnh Quốc V, Trịnh Minh K phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Xử phạt bị cáo Huỳnh Quốc V 02 (hai) năm tù và bị cáo Trịnh Minh K 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp